20 năm gánh nợ để mua nhà vùng ven

‘Tôi và vợ phải vay nợ ngân hàng để mua một căn nhà nhỏ ven TP HCM, mỗi tháng phải gánh cục nợ hơn 35 triệu trong vòng 20 năm’.

“Tôi thấy vấn đề nhà ở thực sự nhức nhối đối với những người làm công ăn lương, cụ thể:

– ‘Cò đất’ khắp mọi nơi, việc mua đi bán lại để ăn chênh lệch trong một thời gian ngắn làm giá nhà trong khu vực bị đẩy lên nhanh khủng khiếp.

– Nhà ở xã hội thực sự khó tiếp cận, mỗi khi tôi nghe nói tới dự án nào là lập tức đã có người mua hết, mà không biết những người mua đó có thực sự cần nhà không?

– Thuế để sở hữu căn nhà thứ hai trở đi chưa có, dẫn tới người có nhà rồi vẫn dễ dàng mua thêm nhiều căn khác, tạo tình trạng khan hiếm giả; đồng thời dùng những căn đó để mua đi bán lại liên tục nhằm kiếm lời, tạo ra tình trạng giá nhà tăng phi mã.

Tôi và vợ vừa vay nợ ngân hàng để mua một căn nhà nhỏ ven thành phố HCM, mỗi tháng phải gánh cục nợ hơn 35 triệu đồng trong vòng 20 năm. Tôi cảm thấy mình phải đánh đổi cả cuộc đời chỉ để ‘an cư'”.

Đó là chia sẻ của độc giả Very Long về nỗi khó khăn để mua được một căn nhà với người thu nhập vừa và thấp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng chóng mặt. Hiện, giá chào bán các dự án chung cư mới trên địa bàn TP HCM trong những tháng đầu năm 2021 tăng ở tất cả phân khúc, đạt mức 2.219 USD (khoảng 51 triệu đồng) một m2, cao hơn cùng kỳ năm trước 14,6%. Đà tăng giá nhà cũng được dự báo chưa có dấu hiệu dừng lại mà sẽ tiếp tục xu hướng đi lên.

Có cùng nỗi trăn trở tìm mua nhà vừa túi tiền, bạn đọc Ngô Phi Mạnh chia sẻ: “Tôi dạy ở một trường Đại học tại Đà Nẵng đã được gần 10 năm, cũng chỉ mong thành phố tạo điều kiện hay giới thiệu khu chung cư nào để tôi có thể mua hay thuê được, nhưng thực tế cũng rất khó. Những người mới về trường như chúng tôi dường như phải tự bươn chải tìm chốn dung thân. Những cơ sở giáo dục luôn có quỹ đất riêng, nhưng họ dường như chỉ tập trung vào xây dựng ký túc xá cho sinh viên mà không làm một khu nhà ở cho những giảng viên trẻ, thu nhập còn thấp để ổn định cuộc sống và chuyên tâm giảng dạy. Trong khi đó, khi ra thuê ngoài, chúng tôi lại bị đẩy vào thế khó và rất mệt mỏi vì giá nhà quá cao”.

Khẳng định việc sở hữu một ngôi nhà với mức thu nhập trung bình của người lao động hiện nay là ngoài tầm với, độc giả Thau Thau cho rằng: “Ăn, ở, là cốt lõi của sự sống con người. Thế nhưng ngày nay, kiếm miếng ăn đã khó cho nhiều gia đình có mức thu nhập thấp, việc kiếm được chỗ ở lại càng là điều không tưởng. Đặc biệt, với công nhân lao động có mức thu nhập 5-7 triệu/ tháng, tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng lao động chỉ vào khoảng 12 triệu.

Nếu chia đôi khoản thu nhập đó, với sáu triệu đồng, tương đương mỗi ngày chi tiêu, ăn uống, sinh hoạt, lo cho con cái ăn học, mỗi ngày chỉ vỏn vẹn 200 nghìn đồng, liệu có đủ không? Tôi nghĩ chắc chắn là thiếu trước hụt sau. Còn với sáu triệu tiền ở, nếu cuộc sống suôn sẻ, không ốm đau bệnh tật, làm suốt một năm bạn sẽ để dành được 72 triệu, vậy sau 10 năm mới có được 720 triệu đồng. Tìm đâu ra nhà ở xã hội hiện nay với giá đó, chứ đừng nói giá nhà ở 10 năm sau. Thế nên, việc mua nhà với mức thu nhập của công nhân hiện nay gần như không tưởng”.

Lấy dẫn chứng từ giá nhà trong thực thế, bạn đọc Vodanh nhấn mạnh: “Nhiều người muốn mua 50 m2 hiện nay mà không có. Tại TP HCM, nhà đất ở Hóc Môn, Củ Chi cũng có giá gần khoảng một tỷ đồng (sổ chung, đồng sở hữu). Giá dưới một tỷ đa số là nhà vi bằng hay vướng quy hoạch. Còn nếu muốn sổ riêng thì nhà không dưới hai tỷ đồng. Muốn rẻ hơn phải chấp nhận đi rất xa thành phố, thậm chí xuống tận Tây Ninh. Đất giá rẻ 200 triệu/ 48 m2 ở Hóc Môn cũng chỉ là đất ruộng lúa, đất nông nghiệp được “phù phép” phân lô, bán nền và hứa hẹn sẽ ra sổ. Rốt cục cũng chỉ là sổ chung, đồng sở hữu với nhiều người”.

>> Thu nhập dưới 30 triệu đồng không mua nổi chung cư

Có nhiều nguyên nhân khiến giá bất động sản khó giảm dù đợt dịch mới bùng lại đầu năm Tân Sửu. Thứ nhất, lãi suất tiền gửi đang được giữ ở mức thấp kỷ lục nên dòng tiền sẽ chảy sang các kênh tài sản hoặc đầu tư tài chính liên thông như bất động sản, chứng khoán. Thứ hai là xu hướng tiền rẻ được Fed (Cục dự trữ liên bang Mỹ) cam kết giữ ít nhất trong 3-4 năm tới cho đến khi kinh tế thế giới phục hồi, khiến người dân nỗ lực tìm kênh trú ẩn an toàn cho dòng vốn.

Thứ ba, giá bất động sản được hưởng lợi nhờ đầu tư công của quốc gia, trong đó có rất nhiều công trình hạ tầng trọng điểm trong giai đoạn 2020-2021 và sẽ còn tiếp tục trong vài năm tới. Thứ tư, thị trường bất động sản nhìn ở rổ hàng sơ cấp vẫn đang thiếu hụt nguồn cung do chính sách thắt chặt, pháp lý khó khăn. Điều này dẫn đến các sản phẩm nhà đất mới được mở bán vẫn neo ở vùng giá cao do quy luật cung ít cầu nhiều và hội chứng tăng giá vì khan hiếm.

Nói về giải pháp kìm hãm giá nhà tăng cao, độc giả QNhung nhận định: “Tỷ lệ giữa giá nhà và thu nhập càng cao thì nhà dân càng nhỏ. Theo tôi, nên siết chính sách nhà đất như nước Mỹ. Đất đai nên theo cơ chế thuế: ưu đãi cho người mua lần đầu và siết thuế khi mua đi bán lại ngay, siết thuế nhà đất thứ hai trở đi. Ngoài ra, nên duy trì chính sách dân số để hạn chế tăng dân số.

Tiền mua đất rẻ đi thì dân mới mua được mảnh to hơn, tiền mua đất rẻ đi thì dân còn dư tiền để xây nhà đẹp, đường phố, làng xóm mới đẹp được. Tỷ lệ giữa giá nhà và thu nhập càng cao thì ngõ càng nhỏ, phố nén chặt lại và tư duy xe máy còn dài”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Tí Su Dn Mão nhấn mạnh những hành động cần thực hiện ngay để giải bài toán giá nhà tăng cao: “Việt Nam với mật độ dân số nhìn chung đã cao, lại cô đặc ở các thành phố lớn, nên giá nhà ở thành phố hay đô thị cao là điều rất khó giải quyết. Thay vì đưa các quy định mang tính ‘bao cấp’ và các cơ chế ‘xin cho’, theo tôi nên để vận hành theo cơ chế thị trường sẽ tốt hơn vì kể cả có nhà giá thấp nhưng cung không đủ cầu nên không có gì đảm bảo nhà giá thấp sẽ đến tay người có thu nhập thấp.

Thay vào đó, nên thực hiện một số biện pháp như:

1. Đánh thuế thật cao đối với nhà thứ hai, thứ ba… trở lên;

2. Thuế có thể đánh lũy tiến theo diện tích nhà, nhà càng to càng phải nộp nhiều;

3. Xây dựng đô thị vệ tinh và đường giao thông thật tốt giữa đô thị vệ tinh và các thành phố làm giãn mật độ dân số;

4. Quy hoạch giao thông phải đi trước, phục vụ nhu cầu di chuyển của dân cư trong các vùng thay vì chạy sau và phục vụ cho một vài dự án nào đó”.

Thành Lê tổng hợp

>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *