Tâm lý hài lòng dù tuyển Việt Nam toàn thua

Khi chúng ta đã tự mặc định rằng mình yếu hơn, không thể qua được đối thủ, hài lòng khi thua trận, vậy đâu cần phải mất công thi đấu?

Chứng kiến màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam thời gian gần đây, tôi có một vài nhận xét về những điểm còn yếu kém của chúng ta như sau:

Thứ nhất, cầu thủ của ta rất hay phạm lỗi, dùng tiểu xảo đánh nguội đối phương. Vụ việc này đã xảy ra nhiều lần, khiến đội tuyển phải chịu penalty và thẻ phạt, nhưng sao các cầu thủ mình cứ liên tục tái phạm những sai lầm đó? Phải chăng cầu thủ của ta nóng tính, ý đồ trả đũa đã ăn vào máu, hay tư duy bóng đá chưa chuyên nghiệp?

Thứ hai, cầu thủ còn kém tự tin, thiếu bản lĩnh khi ra sân chơi lớn. Cụ thể, trong nhiều tình huống, khi chúng ta đang có bốn, năm cầu thủ ở bên phần sân đối phương, thay vì triển khai bóng nhanh lên phía trên, các cầu thủ của ta lại xoay tới, xoay lui, rồi chuyền ngược về cho hậu vệ, làm mất hết yếu tố bất ngờ. Tại sao chúng ta không mạnh dạn lật cánh, chọc khe, bật tường, dẫn bóng xộc thẳng vòng cấm? Đây có lẽ là điểm yếu cố hữu nhất của tuyển Việt Nam trong suốt 20 năm qua.

Thứ ba, tư duy đọc trận đấu của đội tuyển khá yếu. Hay nói cách khác, chúng ta chưa bao giờ tận dụng triệt để đầu óc khi thi đấu. Ví dụ, khi chuyền ba lần bóng sệt luôn bị đội bạn bắt bài bởi họ chạy nhanh hơn, tì đè khỏe hơn, thì đến lần thứ tư, lẽ ra phải thay đổi cách tiếp cận như bấm bóng bổng để gây bất ngờ, nhưng chúng ta không làm vậy. Hoặc khi cánh trái tấn công vài lần không thành công thì phải linh hoạt chuyển sang đánh trung lộ hay tạt nhanh sang cánh phải. Nhưng rồi chúng ta vẫn một bài.

>> ‘Ảo tưởng sức mạnh tuyển Việt Nam sau những trận thua tối thiểu’

Có nhiều người lấy lý do là “cầu thủ của ta thể hình kém hơn, thể lực không bằng, hay sức chỉ đến thế, làm sao khá hơn được”. Tôi không đồng tình với tư tưởng đó, bởi nếu cứ đổ cho vấn đề này kia như vậy thì còn tập trung đội tuyển, luyện tập và thi đấu làm gì? Cứ chạy không lại là đổ cho đối thủ mạnh hơn, khống chế bóng không tốt thì đổ cho trình đối phương cao hơn, không đua được tốc độ lại đổ cho người ta thể lực vốn hơn mình…

Trong khi lẽ ra, nếu không đua được tốc độ thì các cầu thủ phải giỏi trong khâu chuyền bóng, giữ bóng hoặc luyện về khâu kỹ thuật cá nhân… Chạy có thể chấp nhận không lại đối thủ, nhưng chuyền thì phải tập chuyền nhanh, đầu óc xử lý vấn đề phải nhanh và quyết đoán. Tiền đạo, tiền vệ có bóng là phải dốc thẳng xuống, rồi toàn đội chạy lên theo để nhận đường chuyền. Cứ sợ sệt và yếu bóng vía, toàn chuyền về thì sao làm nên chuyện?

Bóng đá cũng như cuộc sống đời thường, nếu cái gì cũng đổ cho ngoại cảnh, khác quan, vì cái nọ, cái kia thì mãi mãi chúng ta không bao giờ tiến bộ được. Nếu cứ tự hài lòng với bản thân thì cần gì mỗi cá nhân phải cố gắng luyện tập, cần gì phải học hỏi, cọ xát nọ kia. Khi chúng ta đã tự mặc định rằng mình không thể qua được đối thủ, vậy đâu cần mất công thi đấu?

Nói tóm lại, việc đội tuyển của chúng ta thua về trình độ so với các đối thủ ở Vòng loại thứ ba là điều dễ hiểu. Nhưng cái cách chúng ta thua còn nhiều vấn đề cần phải mổ xẻ. Chúng ta cần biến mỗi trận thua thành một cơ hội để cải thiện, thay đổi và nâng cao trình độ của mình lên mỗi ngày, chứ không phải trận nào cũng thua theo một kiểu như vậy và cứ mãi giậm chân tại chỗ. Hãy nhìn thẳng vào thực tại để tìm cách giải quyết. Đừng tự hài lòng với mỗi trận thua tối thiểu để rồi khi nhìn lại, chúng ta mới nhận ra mình đã lãng phí cơ hội như thế nào?

Tuấn Nguyễn

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *