Nhân viên ngân hàng ‘bán đủ thứ’

Một số đồng nghiệp của tôi sợ hãi khi nghe nhắc đến những chỉ tiêu “bán” bảo hiểm, mở thẻ tín dụng, tài khoản mới, bán tài khoản số đẹp…

Khi tôi bắt đầu công việc tín dụng tại một ngân hàng vào năm 2009, ngày đó mọi người thường gọi nhau người làm công việc cho vay tại ngân hàng là cán bộ tín dụng hay chuyên viên tín dụng. Lúc đó của một cán bộ tín dụng phải tự bản thân tìm tòi, học hỏi thêm thực tế bên cạnh sự hướng dẫn của những anh chị làm lâu năm.

Cán bộ tín dụng phải thực hiện các công việc như: tìm kiếm khách hàng, thẩm định khách hàng, soạn thảo tờ trình, lập báo cáo cấp lãnh đạo phê duyệt và khi hồ sơ được phê duyệt thì phải đi làm các thủ tục công chứng, đăng ký đảm bảo tại cơ quan thẩm quyền theo định và công việc chỉ tập trung xoay quanh tín dụng là cho vay và thu hồi nợ. Đó là công việc của một cán bộ tín dụng thời ấy.

Còn ngày nay, với tên gọi Chuyên viên quản lý khách hàng (Chuyên viên QLKH) thì công việc của đồng nghiệp tôi phát sinh quá nhiều chỉ tiêu (KPI) cần phải đạt trong tháng nếu như không muốn bị thôi việc.

Nói đến chỉ tiêu hay cái tên gọi mà không một đồng nghiệp nào muốn nghe hay nhắc tới đó là “cay – bi- ai” (tiếng lóng của từ KPI) khi hàng tháng phải bán đủ thứ sản phẩm ngoài việc cho vay như: bảo hiểm, thẻ tín dụng, mở tài khoản mới, bán tài khoản số đẹp… và còn nhiều cái “cay – bi – ai” khác nữa nhưng đổi lại một chuyên viên QLKH chỉ cần tìm kiếm, thẩm định khách hàng, sau đó chỉ cần lập tờ trình cấp phê duyệt là xong, các giai đoạn còn lại do bộ phận khác hỗ trợ thực hiện.

>> Mất phí 120 triệu đồng để vay ngân hàng thêm một tỷ

Thực tế, tôi nhận thấy thành phần các chuyên viên QLKH tại các ngân hàng đa số đến từ những người tốt nghiệp các ngành khác mà không phải là khối kinh tế hay chuyên ngành tín dụng, ngân hàng.

Khi được nhận vào làm tại các ngân hàng, họ tiếp tục được truyền tải thông điệp là chạy doanh số cao các sản phẩm, công việc này có thể hiểu là đi “bán hàng” mà quên đi cái sản phẩm mình đang bán là loại hàng hóa đặc biệt chính là “tiền tệ”.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua chất lượng tín dụng hiện nay như thế nào và có thể thấy rằng sản phẩm chính của các chuyên viên QLKH cần phải bán đó không còn là những món vay mà chính là “bảo hiểm”.

Tôi khẳng định rằng hai từ “bảo hiểm” luôn đặt ở cửa miệng của các chuyên viên QLKH và điều này đã làm cho không ít chuyên viên phải kiệt sức, stress.

Do đó, chúng ta cần nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ của một chuyên viên QLKH để hạn chế được những rủi ro trong tín dụng.

Nguyễn Tấn Lộc

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *