Tốt nghiệp đại học chưa biết gì, tôi thành chuyên gia hóa cao su 

Ngày đầu tiên đi làm tôi hoàn toàn bỡ ngỡ vì ở trường tôi chỉ học các môn Hóa Lý, Hóa Hữu Cơ, Hóa Vô Cơ và Hóa Phân Tích.

Gần đây, tôi đọc nhiều ý kiến chê bai sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam: “Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”. Có những quan điểm chê trường đại học của Việt Nam đào tạo ra sinh viên không biết làm việc gì. Thay vì chỉ trích, tôi cho rằng cần phân tích ra những yếu kém của sinh viên Việt Nam để lớp trẻ có thể tự hoàn thiện, hầu đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của đất nước.

Tôi tốt nghiệp khoa Hóa Học, trường Đại học Tổng Hợp (nay là Đại học Khoa học tự nhiên). Sau khi ra trường, tôi được phân công về làm việc tại nhà máy Liên Hợp Da Giày Sài Gòn. Nhà máy có hai ngành sản xuất chính: Thuộc da và Cao su (làm đế giày, dép).

Tôi làm việc tại một phân xưởng cao su có công nghệ lạc hậu nhất, nhưng nhiều thợ lâu năm người Hoa. Ngày đầu tiên, bước chân vào xưởng ,tôi hoàn toàn bỡ ngỡ, không biết làm gì. Ở trường tôi chỉ học các môn Hóa Lý, Hóa Hữu Cơ, Hóa Vô Cơ và Hóa Phân Tích.

Tôi bắt đầu lăn xả vào làm những việc phụ với công nhân. Lúc đầu tôi gặp trở ngại rất lớn. Công nhân kỳ thị tôi vì nghĩ tôi được lãnh đạo cử xuống để theo dõi họ. Nhưng tôi đã sớm xóa bỏ những điều này và thú thật là không biết làm gì hết.

Sau 3 tháng cùng lao động cật lực với những công nhân bậc 6/7, 7/7 (có khoảng từ 20-30 năm kinh nghiệm làm thợ), tôi đã nắm vững công nghệ cao su, cũng như những kinh nghiệm xử lý sự cố rất quý báu.

Những ngày nghỉ, tôi vào thư viện của phân xưởng BATA để tìm cách lý giải những kinh nghiệm học được từ những thợ bậc cao này. Ngoài giờ làm việc, tôi tranh thủ làm thêm ở những tổ hợp cao su với vai trò pha chế hóa chất.

Vận may đã mỉm cười với những người lăn lóc trong nghề như tôi. Một sự cố lớn xảy ra trong ngành cao su. Những vỏ xe gia công bị chảy nhão hàng loạt trong kho của công ty bách hóa cấp một. Rất nhiều tổ hợp phải đóng cửa.

Một vài ông chủ đã hỏi tôi về nguyên nhân gây ra sự cố. Sau khi tìm hiểu, tôi thử nghiệm và đề ra quy trình sản xuất an toàn. Tôi được họ “đền ơn”, tổng cộng cũng được khoảng ba lượng vàng. Có người còn mời tôi làm cố vấn kỹ thuật. Có người còn giới thiệu tôi đi xử lý những sự cố cao su khác.

Trong khi nghiên cứu để xử lý sự “thoi màu” của cao su và sự ngả màu của cao su trắng, tôi, nhờ kinh nghiệm của những thợ bậc cao, đã lần mò tìm hiểu về cao su màu và TiO2 qua những sách tiếng Pháp ở BATA.

Dịp may lại một lần nữa mỉm cười với tôi. Có một đại gia trong ngành hỏi tôi có biết sản xuất ra bột màu xanh 391 dùng trong cao su không? Tôi biết đây là hóa chất Copper Plalocyanine Blue và hứa sẽ nghiên cứu để làm ra.

Đại gia này hứa khi tôi đã làm ra mẫu thử sẽ tặng tôi một chiếc xe Honda Dame sơn zin, máy zin và nếu đi vào sản xuất thì tôi sẽ phụ trách kỹ thuật và được chia 50% lợi nhuận mà không phải bỏ vốn. Và tôi đã thành công và trở nên thịnh vượng. Sau này, tôi còn nghiên cứu thành công bột nổi cao su (Dinitroso Pentatetramin).

Vào thời bao cấp Việt Nam thiếu rất nhiều nguyên liệu để sản xuất. Lúc đó tôi còn cố gắng nghiên cứu đã sản xuất ra nhiều loại nguyên liệu khác như ZnO… (Xem bài “Bí quyết kiếm hàng trăm cây vàng thời bao cấp”).

Trường Đại học không dạy tôi cách vặn van xả áp, không dạy tôi vận hành hệ thống chưng cất (như một tác giả đã viết), nhưng tôi có thể nói lên ý tưởng để đặt các nhà máy cơ khí lớn chế tạo cho tôi những nồi phản ứng, hệ thống chưng cất Bioetanal (mà còn thu hồi được Fusel Oil) nồi phản ứng cao áp, dây chuyền sản xuất cao su,…

Trường Đại học không dạy tôi những thứ này vì đây là nhiệm vụ của những kỹ sư cơ khí. Còn nếu trường không dạy tôi về lý thuyết cao phân tử thì tôi làm sao hiểu được cầu nối “Disulfur” trong sự lưu hóa cao su để xử lý sự cố, không học cách thực hiện phản ứng ở trạng thái rắn thì làm sao sản xuất được bột màu Copper Plalocyanine Blue.

Điều đáng nói ở đây là: Sinh viên mới tốt nghiệp đại học không được tự mãn mà phải khiêm tốn học tập kinh nghiệm của những người thợ lâu năm, đồng thời phải nghiên cứu để lý giải những kinh nghiệm quý báu đó.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

ThS. Lê Tấn Lam Anh

Sinh viên bằng giỏi chứng tỏ tiềm năng khi vào công ty

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *