Chú chó sứ bị vỡ và văn hoá xin lỗi của người Nhật

Đoàn học sinh đang đi bộ để vừa vận động vừa học thực tế thì một em vô tình làm vỡ chú chó sứ cũ kỹ trước nhà người dân.

Người Nhật vừa mới nghe một lời xin lỗi từ thủ tướng Shinzo Abe khi ông không thể phục vụ với vai trò lãnh đạo đất nước được nữa vì lý do sức khoẻ. Những người quan sát trên thế giới lại một lần nữa thấy được trách nhiệm và sự lịch thiệp của người Nhật qua sự kiện này.

Câu chuyện mà tôi sắp kể dưới đây lại là một điều rất nhỏ bé về bài học “xin lỗi” mà các em học sinh học được trong trường học ở Nhật. Trong những ngày hè, trường tôi hay cho các em học sinh đi bộ bên ngoài để vừa có thể vận động vừa học được những điều thực tế từ cuộc sống xung quanh.

Trước khi đi các em luôn được nghe lại những chỉ dẫn khi đi bộ ngoài đường để đảm bảo an toàn và tránh làm phiền người khác. Tuy nhiên, hôm đó có một em đã vô tình làm hỏng một chú chó sứ nhỏ vì khi đi bộ lỡ quơ tay vào nó.

Đó là một chú chó sứ trông có vẻ khá cũ được đặt trên một chậu nhỏ hơi lộ một tý ra ngoài đường đi bộ. Tất cả đã phải dừng lại để nghe về sự cố này và cô giáo chịu trách nhiệm chính cho buổi đi bộ đã cố gắng gõ cửa chủ nhà để xin lỗi.

Sau một hồi không thấy ai mở cửa, cô cố gắng bắt chuyện với một bác lớn tuổi đứng gần đó thì biết được rằng chủ nhà vừa mới đi bộ qua một cửa hàng gần đó. Chúng tôi cố gắng cho các em đứng dưới một bóng mát và bảo các em hãy đợi kiên nhẫn một chút.

>> Bài viết cùng tác giả: Trẻ em Nhật thực hành tiết kiệm như thế nào?

Không quá lâu sau đó chúng tôi cũng được gặp chủ nhà để nói lời xin lỗi. Chủ nhà là một bà lão khoảng ngoài 80 khi thấy mọi người đợi mình thì lập tức nói “sumimasen” (xin lỗi) như một cách xã giao lịch thiệp. Tôi thấy cô giáo tường thuật lại sự việc và cô ấy cứ liên tục cuối người xin lỗi sau mỗi câu nói. Còn bà lão thì liên tục nói “Daijoubu, sumimasen” (không sao, xin lỗi nhé!). Bà ấy cũng nói xin lỗi vì không may xảy ra chuyện trên.

Các em được giải thích thêm một lần nữa về sự cố trên và cùng nhau cúi đầu xin lỗi bà lão thêm lần nữa trước khi rời đi.

Còn thầy cô thì cũng xếp hàng xin lỗi và xin bà lão cho mang chú chó xứ bị gãy về để tìm cách dán keo lại. Bà ấy cứ bảo không sao nhưng thầy cô thì ráng nài nỉ nên cuối cùng cũng mang được nó về để sửa.

Nhưng chuyện không có thế, khi về đến trường và tường thuật lại câu chuyện cho quản lý thì thấy không khí có căng thẳng. Lúc đó tôi chỉ biết lắng nghe chứ cũng không biết nói làm sao bởi vì tôi nghĩ sự việc không có gì quá nghiêm trọng và mọi người đều đã nói lời xin lỗi.

Đã có một cuộc họp nhanh diễn ra sau đó để rút ra kinh nghiệm chung sau sự cố trên. Người quản lý trường cùng với cô giáo lúc sáng đã mang chú chó đã được dán keo cùng một món quà nho nhỏ tới gặp bà lão một lần nữa.

>> Làm thể nào để tinh hoa của cha mẹ truyền sang con cái?

Câu chuyện này cứ quanh quẩn trong đầu tôi suốt mấy ngày. Sau khi tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá xin lỗi của người Nhật thì tôi mới hiểu được rằng người Nhật luôn cố gắng để tránh làm phiền lòng nhau và luôn nỗ lực để làm mọi thứ diễn ra hài hòa nhất có thể.

Kể từ sau lần đó, danh sách những điều căn dặn các em trước khi bước ra đường được bổ sung thêm một điều lưu ý mới. Đó là những thứ trên đường mà các em có thể vô tình đụng phải và gây hỏng, hãy để tâm để không gặp những sự cố tương tự.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.

Ce Phan

Chìa khóa thành công của giáo dục Nhật Bản

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *