20 năm day dứt nỗi đau bị cha mẹ đối xử bất công

Tôi chực trào nước mắt khi bị bố giành miếng cá trong bữa cơm để ‘cho người làm ra tiền ăn’.

Tôi có một anh và một chị gái. Gia đình tôi vốn không êm ấm, bố mẹ thường xuyên bất hòa nên ngay từ lúc nhỏ, tôi đã quen với việc nhìn thái độ người khác mà sống. Nhưng quả thật, việc bị đối xử bất công vẫn luôn là một vết hằn rất lớn lên tâm lý của mỗi đứa nhỏ.

Chị tôi đã đi làm và phụ giúp gia đình về kinh tế, nên luôn được coi trọng trong nhà. Trong khi đó, anh tôi là con trai duy nhất, nên cũng luôn được cưng chiều đặc biệt. Chỉ còn tôi, vừa là con gái, lại là út, chưa giúp đỡ được gì về kinh tế cho gia đình nên thường xuyên phải chịu phần thiệt.

Tôi còn nhớ, có lần nhà nấu canh cá, trong bữa ăn, khi tôi đang định đưa đũa gắp miếng cá thì lập tức bị bố dằn hắt, nói “cá là để người làm ra tiền ăn”. Lúc ấy tôi vẫn còn là một đứa học sinh lớp 10, chỉ biết ăn và học. Chực trào nước mắt khi nghe những lời nói đó, nhưng tôi vẫn phải cố kìm lòng, nuốt trôi miếng cơm xuống bụng, nín nhịn cho xong bữa. Vì nếu tự ý bỏ về phòng, tôi sẽ còn bị chửi thêm.

Một lần khác, tôi bị anh trai tát “cháy má” vì tội dám xin thêm một muỗng cơm rượu (anh có cả tô, trong khi tôi chỉ được cỡ một chén nước chấm). Mẹ tôi chứng kiến toàn bộ sự việc nhưng tuyệt nhiên lờ đi không nói gì. Từ đấy, trong tôi bắt đầu có suy nghĩ “miếng ăn là miếng nhục”. Và còn rất nhiều lần khác tôi bị phân biệt đối xử như thế.

>> Đòn roi chỉ tạo nên những đứa trẻ vô cảm

Đã hơn 20 năm trôi qua, giờ tôi đã được bù đắp với một gia đình nhỏ êm ấm, hai đứa con kháu khỉnh. Tôi luôn tự dặn lòng phải đối xử thật công bằng với các con. Nhưng càng như vậy, tôi lại càng không hiểu tại sao có những ông bố, bà mẹ có thể phân biệt, đối xử bất công với chính những đứa con của mình như thế?

Sau hơn 40 năm chiều chuộng đứa con trai duy nhất, bố mẹ tôi giờ đây đã nhận ra kết quả không như tưởng tượng. Tuy nhiên, tôi vẫn đối xử tốt nhất có thể với bố mẹ và cố không nhớ đến những chuyện cũ mỗi khi gặp họ. Thế nhưng nó vẫn như một vết sẹo không lành, thỉnh thoảng lại làm tôi đau đớn.

Những đứa trẻ luôn xứng đáng được yêu thương, tôn trọng và đối xử công bằng. Con nào cũng là con, cũng đều là máu thịt của những người làm cha, làm mẹ. Có thể tính cách của bạn hợp với đứa này hơn đứa kia một chút, nhưng xin các bậc cha mẹ đừng “bên trọng, bên khinh”. Đừng để lại vết sẹo trong tâm hồn con trẻ để rồi sau này “khó ăn, khó nói” với chúng.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Cuocsongtuoidep

Những cha mẹ nuông chiều con theo kiểu từ từ sẽ lớn

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *