Đại học… học đại

Vận mệnh cả cuộc đời của đám học sinh cuối cấp ba như tôi được phó mặc theo kiểu may rủi vào cuốn sách niên giám các trường đại học.

Trăn trở với câu chuyện hướng nghiệp cho học sinh từ bậc THPT, nhiều độc giả VnExpress chia sẻ những trải nghiệm thực tế khi lựa chọn trường đại học theo kiểu chọn đại:

Năm 2002, khi kết thúc kỳ I năm lớp 12, đám học sinh cấp ba cuối cấp như tôi và các bạn ở trường tỉnh lẻ chỉ đọc quyển sách giới thiệu về các trường đại học để chọn đại một trường và đăng ký thi. Các căn cứ để những học sinh như chúng tôi chọn là:

1. Điểm năm trước phù hợp với lực học của mình.

2. Nghe các anh chị khóa trước truyền lại.

Còn lại các thông tin về chương trình học và định hướng nghề nghiệp, chúng tôi “mù tịt”. Vận mệnh của cả cuộc đời được phó mặc một cách may rủi vào cuốn sách niên giám các trường đại học. Và rất nhiều bạn học của tôi đã chọn nhầm đường mình đi nhưng không có can đảm thay đổi.

TNH

Ngày xưa, tôi thi đại học chỉ biết về các lĩnh vực như sau:

– Kinh tế. Gói gọn trong hai chữ này, không biết gì hơn, hoặc có thể liên quan đến tiền tệ, hoặc thứ gì đó mà sách địa lý, lịch sử hay nhắc tới về cái gọi là “kinh tế”. Chọn kinh tế thì thi trường kinh tế, thế thôi.

– Kỹ thuật là thứ gì đó liên quan đến máy móc, thiết bị, sữa chữa.

– Tự nhiên liên quan đến học thuật, nghiên cứu chuyên sâu như mấy nhà khoa học trên tivi.

– Bác sĩ – giáo viên. Hai ngành này đa số dễ dàng biết được vì có tiếp xúc thực tế. Nhưng chúng tôi cũng không biết được bản chất học của các ngành này là thế nào.

– Dược sĩ là điều chế thuốc – kiểu như tự nhiên nâng cao chuyên về ngành dược.

Để thi đỗ đại học những chuyên ngành này, tôi chỉ nghĩ cần phải học giỏi Toán – Lý – Hóa – Sinh, còn đặc điểm bản thân phù hợp thế nào chẳng ai rành. Chúng tôi chỉ được định hướng theo kiểu muốn trở thành người như thế nào?

Hiền Lê Minh

Tôi gặp hoàn cảnh tương tự khi thi đại học. Các ngành nghề mà tôi biết khi đó nằm hết trong cuốn đăng ký khối/ ngành thi đại học và tôi phải cố đoán nó là gì? Rốt cuộc, tôi thi ba trường. Một trường công có tiếng chuyên ngành địa chất (tôi thích vẽ và nghĩ người ta đo đạc địa chất ngoài đường là đang vẽ), một trường dân lập ngành Công nghệ thông tin (thi cho chắc) và một trường cao đẳng Sư phạm (không có hứng thú từ đầu). Cuối cùng, tôi cũng phải trả giá rất nhiều để học trường đời. Hiện, tôi rất quan tâm tới việc định hướng và cho con tìm hiểu về ngành nghề càng sớm càng tốt.

Leha68

Hồi cấp ba, tôi lao vào học khối A với mơ ước đỗ đại học. Tôi học môn Hóa nhiều đến nỗi thi đại học chỉ cần 1/3 thời gian là đã làm xong và được 10 điểm. Tổng điểm thi của tôi đủ để đỗ bất kỳ đại học nào. Nhưng bi kịch nhất là trước đó, khi đăng ký nguyện vọng, bố mẹ tôi bảo “tùy con”. Với một đứa cả ngày chỉ biết học như tôi, đó thực sự là một ác mộng. Bố mẹ tôi chỉ biết thích tôi làm giáo viên, kế toán gì đó, còn tôi lại không thích giáo viên, nhưng cũng chẳng biết mình thích làm gì, chỉ rất thích học các môn tự nhiên. Tôi cảm thấy bế tắc khi lao đầu vào học nhưng cuối cùng lại không biết mình cần gì? Thế rồi, tôi thi vào một trường kinh tế cho giống các bạn nữ khác. Khi đó, tôi viết hơn 10 bộ hồ sơ nhưng quyết định chỉ nộp một bộ vì không thể chịu nổi việc sát ngày thi còn đau đầu nghĩ xem mai đi thi ở trường nào?

Tôi đỗ vào trường với số điểm thừa đến 9,5. Nhưng cơn ác mộng tiếp theo xuất hiện khi tôi phát hiện ra môi trường Kinh tế không phù hợp với mình, khi toàn là học thuộc và nhiều vấn đề khác. Nhưng rồi tôi cũng phải thích nghi dần, dù chưa bao giờ thấy thích. Tới lúc ra trường, thị trường lao động tài chính ngân hàng nở rộ, tôi nhanh chóng tìm được một công việc tốt. Cho đến giờ, dù mọi thứ vẫn tốt, nhưng khi nghĩ lại, tôi chỉ ước giá như hồi đó được định hướng, chỉ cần có người bảo tôi rằng học khối trường kinh tế là như thế nào, kỹ thuật là thế nào, ra trường sẽ ra sao, thì tôi đã không bị sốc đến hai lần như vậy.

Lilac

>> Tôi bỏ Đại học hai năm để định hướng lại tương lai

Nói về những hậu quả khi lựa chọn ngành học và nghề nghiệp khi không hiểu biết rõ ràng, không ít ý kiến chia sẻ:

Hướng nghiệp cho thế hệ tương lai thật sự rất quan trọng. Tôi thuộc thế hệ 7X, như bao bạn cùng trang lứa lúc đó, tôi chẳng biết gì về nghề mình sẽ học, chỉ nghe người lớn bảo nên học Y. Kết quả, tôi rớt Y nên ngậm ngùi chuyển qua học một ngành khác trong khối Nông Lâm Ngư với ý nghĩ: “Cứ học cho có bằng đại học vì chẳng mấy ai làm đúng nghề”. Sau đó, tôi có bằng đại học, làm đúng nghề, nhưng với tâm trạng ì ạch, không hứng thú nên chẳng đi tới đâu. Ngay cả khi có được tấm bằng Thạc sĩ từ việc du học theo đúng nghề, tôi cũng chẳng thấy hứng thú. Đôi khi nghĩ lại, tôi thấy việc rớt Y lại là may mắn vì nhận ra nghề Y không phù hợp với mình. Tương lai của một người không thể gắn với sự lựa chọn mang tính may rủi như thế.

Thao

Tôi cũng học một ngành không liên quan gì, rồi giờ ra làm Công nghệ thông tin. Tôi thi đại học theo sở thích môn học, rồi trượt ngành, may sao vẫn đỗ vào trường nhưng lại bị đẩy xuống ngành khác. Ngại viết nguyện vọng hai, ngại thi lại hoặc nghỉ học (một phần sợ bố mẹ buồn, một phần là học ngành này có thể học bằng kép Công nghệ thông tin), nên tôi vẫn học tiếp. Nhưng đến năm ba, thấy học thêm văn bằng lâu quá nên tôi bỏ ý định đó, tự tìm trung tâm ở ngoài học trong sáu tháng. Hồi đó, tôi vừa học vừa sợ, vì bản thân là con gái, lại không có kiến thức chuyên ngành nào. Vậy nhưng rồi học xong cũng thành nghề. Trong khi đó, nhiều người bạn của tôi học xong đại học vẫn rất mông lung, không biết làm gì, không biết bản thân muốn gì và bị mất phương hướng. Định hướng rất quan trọng, quan trọng hơn nữa là cần biết bản thân mình muốn gì, cần làm cái gì, mục tiêu ra sao và hoàn thành nó như thế nào ở thời THPT. Tiếc là điều đó không ai hướng dẫn, định hướng rõ ràng cả.

Lang thang

Việc định hướng là rất quan trọng. Bản thân tôi cũng rơi vào hoàn cảnh thi đại học, chọn ngành lấy điểm chuẩn cao nhất của năm trước để đăng ký, vì nghĩ nó hot, chắc ra trường dễ xin việc. Nhưng vào học rồi, tôi mới nhận ra quãng thời gian đó làm tôi khốn đốn, vì bản thân chẳng có hứng thú gì với ngành đó. Không dám bỏ học vì sợ ba mẹ buồn (nông dân ở quê dễ gì làm ra đồng tiền nuôi con ăn học), nên tôi vẫn cố học. Cuối cùng, 5 năm sau khi ra trường, tôi rẽ sang một hướng khác, làm trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Nhan pham

Đánh giá nguyên nhân khiến học sinh thiếu định hướng khi lựa chọn ngành học ở bậc đại học, nhiều độc giả chỉ rõ thực trạng hướng nghiệp của nhà trường phổ thông:

Nhắc đến hướng nghiệp, tôi lại nhớ lại lần đầu được học tiết có tên “hướng nghiệp”. Tât cả những gì chúng tôi được học là: em ước mơ làm gì, bạn A, B, C thích làm nghề gì, tại sao thích? Giáo viên dạy môn hướng nghiệp là cô, thầy chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn đang ít tiết dạy. Phần lớn thời gian, cô trò chỉ buôn chuyện phiếm. Học xong khóa học, tôi vẫn không biết học ngành sư phạm ra làm gì, kế toán làm gì, y bác sĩ làm gì? Tôi chỉ biết đại khái là sư phạm đi dạy học, kế toán là tính toán sổ sách, y bác sỹ chữa bệnh, và… hết. Kết quả là học sinh thi rồi đành phải cố học, học vài hôm lại bỏ, học xong học làm trái nghề hoặc phải học thêm văn bằng khác.

Vũ hoài

Từ lâu, tôi đã trăn trở về mối liên hệ giữa công tác hướng nghiệp của nhà trường (mà thực sự nên là bắt đầu từ gia đình) và chất lượng lao động. Tôi luôn ước có cách nào đó, có một hệ thống nào đó có thể giúp cho mỗi con người được học, được làm đúng những thứ mình thực sự giỏi, đam mê, hay thực sự xem trọng. Ước gì mỗi gia đình đều có thể vượt qua được gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền để dành đủ thời gian cho con mình, lắng nghe chúng, hiểu chúng và hướng chúng đi theo đúng con đường chúng thích. Cùng với đó là sự dang tay giúp đỡ, tiếp nối, san sẻ kịp thời của nhà trường, cộng đồng, xã hội. Chỉ khi đó học sinh mới không bị chọn nhầm ngành, nhầm trường.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Việt Thành tổng hợp

Tôi lên sếp nhờ chấp nhận học thứ mình không thích

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *