Học sinh tận dụng hay lợi dụng khi được dùng điện thoại?

Chỉ có ứng dụng công nghệ mới giúp giáo dục Việt Nam thu hẹp khoảng cách với thế giới, nhưng đó sẽ là mối họa nếu không thể kiểm soát.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 32, quy định nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học. Đánh giá về quy định mới, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự lo ngại:

Chẳng biết học sinh ở nơi khác ra sao, chứ 40 học sinh lớp tôi mà cho dùng điện thoại thì chắc chỉ có khoảng năm em phục vụ cho việc học như tra từ điển tiếng Anh, còn lại chủ yếu là chơi game, lướt Facebook, chat… Trường tôi cấm dùng điện thoại trong giờ học mà nhiều em vẫn dùng trộm để chơi game cá cược. Có phụ huynh còn nhờ giáo viên cố gắng bắt và thu điện thoại của con mình vì chúng suốt ngày ôm máy chơi điện tử và nhắn tin yêu đương. Giờ học sinh mà được sử dụng điện thoại, e rằng giáo viên lại thêm vất vả để quản lý học sinh, lại ảnh hưởng đến việc dạy và học…

Huongpretty309

Việc cho học sinh mang điện thoại vào lớp vô cùng phức tạp. Nhiều sự thật bị bóp méo sau những video đùa cợt, chế giễu, quá đà đăng tải trên mạng. Học sinh sẽ lơ đãng nhiều hơn là tập trung, lợi dụng sẽ nhiều hơn tận dụng, phân biệt học đường lại được dịp bùng phát. Áp dụng công nghệ có cả ngàn cách. Đây là nhiệm vụ của nhà trường, thầy cô sàng lọc để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Áp dụng công nghệ phải nhằm nâng cao khả năng học tập, nhận thức cho học sinh, chứ không thể đẩy ngược trách nhiệm về phía học sinh và phụ huynh. Xã hội đã quá đỗi vất vả với quyển sách, cuốn vở đến trường. Nay lại thêm cho em cái điện thoại đến lớp, giáo dục vẫn chưa thể làm đủ và đúng bản chất về sứ mệnh của sự nghiệp “trồng người” nói chi đến việc nâng cao hay sáng tạo?

Thanh Tùng Nguyễn

Tôi đã trải qua và thấy rằng học sinh không nên dùng điện thoại trên lớp. Nguồn kiến thức lấy từ đâu là một vấn đề lớn khi để học sinh dùng điện thoại. Cụ thể, những gì các em tiếp nhận từ những trang website có độ chính xác khoa học không hay chỉ là những kiến thức cá nhân chủ quan? Tôi học ở Mỹ, khi làm luận văn, những kiến thức tìm kiếm ở đâu, tôi phải ghi rõ địa chỉ trang web, hoặc sách với tên sách tên tác giả. Những nguồn kiến thức học sinh, sinh viên chọn cũng là điểm để thầy cô đánh giá học lực. Có những website chỉ để giải trí chứ không phải là nguồn kiến thức giáo dục.

Bo

Việc dùng điện thoại trong giờ học hại nhiều hơn lợi. Các em sẽ không tập trung nghe giảng, tra cứu và sử dụng điện thoại nhiều dễ bị lệ thuộc, ít sáng tạo. Chưa kể đến việc khi sử dụng công khai, nhiều khi sẽ gây ra sự ganh đua giữa các em cấp hai, đầu cấp ba (cái tuổi mới lớn, hay có suy nghĩ muốn bằng bạn bằng bè). Cho sử dụng điện thoại, thầy cô muốn dạy nhanh, tiện lợi hơn sẽ gửi bài theo link về điện thoại, vậy những gia đình khó khăn, không có điều kiện mua cho con dùng phải làm sao?

Khoatam07

>> ‘Nên luật hóa việc cấm học sinh dùng smartphone đến lớp 9’

Trong khi đó, với góc nhìn khác, không ít bậc phụ huynh lại bày tỏ sự ủng hộ quy định cho học sinh dùng điện thoại trên lớp:

Sao mọi người cứ luôn nghĩ con mình là xấu, ham chơi hơn ham học? Sử dụng điện thoại để phục vụ học tập, có sự kiểm tra giám sát của giáo viên và chỉ trong một thời gian ngắn, tôi nghĩ lợi nhiều hơn hại và nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Trước đây, không cho các em sử dụng điện thoại trong giờ học thì giờ ra chơi các em vẫn sử dụng. Theo tôi, nên triển khai Thông tư 32 này, sau một thời gian, chúng ta sẽ đúc kết xem xét tính hiệu quả của nó.

Le Phu

Thực ra việc này không khó. Điện thoại các cháu chỉ được phép mở wifi liên kết với mạng trường cung cấp. Cấm tuyệt đối 3G, 4G là xong. Với mạng nội bộ của trường, chúng ta có thể thỏa thích điều hướng trang web được phép truy cập. Cho học sinh sử dụng thiết bị cao ở trường thực ra là một ý tưởng tốt với điều kiện máy do trường cấp, còn nếu phụ huynh phải tự mua thì sẽ là khoản tiền không nhỏ.

Sunshine Green

Thời buổi hội nhập, chúng ta nên tìm hiểu các mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới để áp dụng theo. Bởi vì chỉ có ứng dụng công nghệ mới giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với thế giới. Đừng vì tâm lý khó quản lý thì cấm. Nên cho học sinh chủ động trong việc học tập. Nhất là chú trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đạo đức, luật giao thông đường bộ…

Tuongsonxd

Nên dạy cho học sinh cách sử dụng điện thoại trong giờ học trước khi được dùng. Nếu không, việc này sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng như xem tài liệu giờ kiểm tra, chia sẻ các thông tin không chính thống, phim, ảnh… Chúng ta không cấm nhưng phải dạy ý thức cho các em.

Tiến

>> Bạn nghĩ gì về quy định mới cho phép học sinh sử dụng điện thoại? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Lê Phạm tổng hợp

Trẻ em có thể học hỏi được gì từ smartphone?

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *