‘Tuổi 30 không có nổi 300 triệu tiết kiệm là do tiêu hoang’

Nhiều người than thở ngoài 30 tuổi mà chưa có tài sản đáng kể không hẳn bất tài mà do họ chưa tiết kiệm.

Dạo gần đây có nhiều bài viết trăn trở về tuổi 30 của mỗi người. Vì sao tuổi 30? Có lẽ đúc kết từ câu “Tam thập nhi lập” trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử. Thời xưa, chỉ người con trai mới được học hành, thi thố hòng kiếm chút công danh.

Từ tuổi ấu thơ đi học vỡ lòng đến khi mười năm đèn sách ròng rã mới đủ chữ nghĩa để ứng thí, đây cũng là độ tuổi 20. Ngày xưa đâu phải năm nào triều đình cũng tổ chức thi cử, mấy năm mới có mở khoa thi một lần. Nếu ai lận đận con đường học hành thì đời người được bao nhiều lần 5, 10 năm để mà chờ đợi?

>> Không dùng nhà, ôtô làm thước đo thành công tuổi 30

Vả lại tuổi thọ con người thời xưa ngắn: Nhân sinh thất thập cổ lai hy nghĩa là ‘người bảy mươi tuổi là hiếm có’. Ở ta sau này có bài hát Sáu mươi năm cuộc đời của nhạc sĩ Y Vân cũng chỉ vạch ra cuộc đời con người đến 60 tuổi. Như vậy, cái mốc 30 tuổi là chính giữa đời người. Tham vọng cũng nhiều mà ước vọng cũng nhiều vào cái độ tuổi này.

Tuổi 32 lo lắng vì chưa mua nhà được vì tiêu hoang? Tuổi 27 nợ nần 5,5 tỷ rồi bế tắc? Tôi đã từng viết hai bài về cột mốc trong những năm tuổi 30. Một là bài ‘Làm 5 năm vẫn kiếm dưới 15 triệu đồng thì không nên trụ lại Sài Gòn’ và bài ‘Tuổi 35 mà chưa làm sếp, cần xem lại năng lực bản thân’. Nên sẽ không nói nhiều về chuyện phấn đấu công danh mà chỉ muốn bàn về chuyện kiếm tiền và tiết kiệm trong bài này.

Nhiều người than thở chưa mua được nhà, không có tiền tiết kiệm. Xin thưa, không có là do bạn không biết tiết kiệm chứ không hẳn là do bất tài. Ngày nay thiếu gì công việc để kiếm tiền.

Nếu không có nổi 300 triệu ở tuổi 30 thì do tiêu xài hoang phí. Giả sử một người đi làm năm 22 tuổi. Lương 10 triệu, tiết kiệm 20%, là 2 triệu đồng mỗi tháng. Mười năm để dành được 240 triệu. Đó là tôi tính bình quân, lương và thu nhập sẽ tăng trong 10 năm đó. Vậy nên việc có hơn 300 triệu là điều nằm trong tầm tay. Nếu khi kết hôn thì hai vợ chồng sẽ đủ tiền mua căn hộ trả góp, thoát được cảnh ở trọ và có vốn để kiến tạo nhiều tài sản khác. Vậy nên mỗi người cần có ý thức tài chính cá nhân. Tôi thấy nhiều thanh niên lương về thì sắm đồ, trả nợ, rồi giữa tháng mượn nợ, đầu tháng lương về lại trả, cứ thế xoay vòng.

>>Tôi sống tẻ nhạt dù không thiếu thốn tiền bạc

Nhiều người hỏi 30 tuổi có là chuẩn mực để do lường sự thành công? Tôi xin thưa là có.

Thật ra, ở thời buổi này kiếm tiền không khó. Cái khó là bạn có chịu lao động và tích luỹ không mà thôi. Muốn sau tuổi 40 cuộc sống nhẹ nhàng dễ thở thì ngay từ lúc ra trường phải cật lực lao động và tích luỹ. Lao động phải đi đôi tích lũy. Có câu “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”.

Làm nhiều nhưng hoang phí thì cũng như gió vào nhà trống. Nhiều bạn trẻ lương cao, tiền rủng rỉnh, nhưng chạy theo những vật chất phù phiếm, để rồi khi nhìn lại thì chưa có tài sản gì đáng kể trong tay. Tôi nghĩ những chia sẻ của các tác giả bài viết vừa là một lời hối hận, vừa là một bài học cảnh tỉnh về tầm quan trọng của tiết kiệm.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Lê Trung Bảo

Quy tắc 4-4-4 để không hối hận tuổi 30

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *