Không vay nhưng nợ xấu, không bán nhưng mất nhà

Em tôi đánh bạc thua 150 triệu đã làm giả giấy tờ nhà để bán, khi người mua đến lấy nhà, cả gia đình ngỡ ngàng.

Trong vài ngày gần đây, tôi đọc nhiều thông tin về những người không vay nhưng vẫn bị nợ xấu ngân hàng. Là người từng trải nghiệm với việc bị bọn xấu gài bẫy, tôi xin nêu lên đây những sự việc cụ thể để mọi người làm ăn chân chính biết mà tránh né.

Làm giả giấy tờ để gán nợ xấu cho những người có tiền trong ngân hàng là biến tướng của việc cho vay nặng lãi.

Khi một nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường, hệ thống pháp luật chưa theo kịp, nên phát sinh tham nhũng, lừa đảo. Hai món mà bọn chúng nhắm tới là tiền và nhà đất.

Có những kẻ tham nhũng phối hợp với bọn xấu (giang hồ, cho vay nặng lãi, hacker) để chiếm đoạt tài sản. Bọn này thường dăng những cạm bẫy như sau:

1. Bọn xấu núp bóng là nhân viên của công ty tài Chính cho vay tiêu dùng để hỗ trợ cửa hàng xe máy, cửa hàng điện tử, bán hàng trả góp:

Cách đây vài năm, tôi có người quen mua trả góp điện thoại di động tại một siêu thị điện thoại. Một công ty tài chính thanh toán tiền một lần cho cửa hàng này và mỗi tháng cửa hàng phải nộp tiền trả góp của người mua cho công ty tài chính theo yêu cầu. Cửa hàng đòi hỏi người mua phải có người có uy tín, có tiền trong ngân hàng bảo lãnh.

Người quen khai tôi sẽ là người bảo lãnh. Cửa hàng photo CMND của tôi, hỏi tôi có tài khoản ở tại ngân hàng nào. Tôi cho tên ngân hàng mà tôi có tiền gửi rất nhỏ. Một, hai tháng sau, nhân viên ngân hàng gọi điện cho tôi, nói có công ty tài chính có đến thẩm tra tài khoản của tôi vì đã bảo lãnh cho người quen mua hàng trả góp.

Tôi nói với cô nhân viên ngân hàng rằng tôi sẽ đến ngân hàng để gặp họ, phía nhân viên không được tiết lộ bất kì thông tin nào về tài khoản của tôi. Nghe vậy người của công ty tài chính vội vã bỏ về và không bao giờ quay lại nữa.

Sau đó thỉnh thoảng có người tự xưng là nhân viên công ty tài chính gọi đến để thẩm tra tài khoản vì người quen của tôi không trả góp tiền đúng hạn. Những lần như vậy, những người này nói vòng vo rồi cũng lại hỏi STK của tôi. Tôi không cung cấp, thì họ lại hăm dọa sẽ thưa tôi ra công an.

2. Cò hứa giúp tôi vay tiền ngân hàng khi bị nợ xấu, bằng cách làm CMND và hộ khẩu ở một tỉnh lân cận TP HCM.

Năm xưa công ty tôi bị nợ xấu ngân hàng nhóm III và bị cảnh báo trên CIC. Vì nhu cầu nhỏ (khoảng 100 triệu đồng) nên tôi đến ngân hàng để xin vay thêm nhưng không được.

Về đến nhà, có một người gọi điện, hẹn gặp để giúp tôi vay. Người này nói là sẽ giúp tôi làm CMND và hộ khẩu ở một tỉnh lân cận. Như thế nhân thân của tôi sẽ có thay đổi, không còn dính đến mạng CIC, nên có thể vay dễ dàng hơn. Tôi chỉ phải trả thêm ngoài tiền cò 3% là chi phí làm CMND và hộ khẩu chỉ khoảng 5 triệu đồng. Là người am hiểu pháp luật, tôi thấy việc này là sai trái nên từ chối.

3. Cho vay nóng không cần thế chấp, chỉ cần có người đứng tên sổ hồng bảo lãnh.

Năm 2010, có nhiều người phát tờ rơi tại các chợ, các quán cà phê lớn quảng cáo việc cho vay tiền. Em trai tôi (đã gần 40 tuổi), bảo ba tôi bảo lãnh vay để mở quán cà phê. Biết nó là đứa ham mê cờ bạc, lô đề nên ba tôi không cho. Anh em tôi quyết liệt ngăn cản.

Vài tháng sau, ba tôi phát hiện phát hiện giấy tờ nhà đất bản chất bị lấy cắp. Khoảng một năm sau, địa chính phường xuống báo cho ba tôi là nhà đã được bán.

Chủ mới đã sang tên và nay đến phường xin lấy nhà. Ngỡ ngàng, gia đình đã gửi đơn tố cáo gửi nhiều nơi. Sau này, qua quá trình điều tra của nhiều cơ quan mới biết được em tôi có vay của bọn xã hội đen 150 triệu đồng để đánh bài và thua sạch. Bọn xấu buộc em tôi phải làm giấy nợ 300 triệu và hứa trong vòng 3 tháng nếu không trả được thì phải cầm giấy tờ nhà của ba mẹ cho chúng.

Thế là em tôi dẫn bọn chúng vào nhà lấy giấy tờ nhà của ba mẹ tôi. Sau đó bọn chúng mướn hai ông bà già đóng giả ba mẹ tôi, làm CMND giả cho hai ông bà già này để đi công chứng hợp đồng ủy quyền cho em trai tôi bán nhà. Sau đó bọn chúng sang tên lòng vòng qua bốn người chỉ trong vòng năm tháng. Cuối cùng, chúng đem nhà thế chấp ngân hàng lấy tiền rồi bỏ trốn.

Trong quá trình kêu cứu nhiều nơi, Cục Khoa Học – Kỹ Thuật Hình Sự đã xuống tận phòng công chứng để điều tra và kết luận: Hai ông bà già là đóng giả và hai CMND của hai ông bà già này là giả (CMND thật của ba mẹ tôi thì chúng tôi đang giữ và cung cấp cho Cục KH-KTHS).

Tôi cho rằng, hiện vẫn tồn tại tình trạng làm giả giấy tờ để chiếm đoạt tiền của dân, đưa người có tiền trong ngân hàng bị dính bẫy nợ xấu. Khi xử lý các vụ việc, cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ các hành vi giả mạo giấy tờ, chữ ký, nhân thân… để xử phạt thật nặng làm gương.

>> Bài viết cùng tác giả: Tôi tốt nghiệp đại học vẫn đi phụ việc cho công nhân

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

ThS. Lê Tấn Lam Anh

Đòi nợ thuê xuất phát từ vay tiền giấy tay

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *