‘Nếu được chọn lại, tôi sẽ không lấy chồng ngoại quốc’

Đây là câu người bạn thân nói với tôi vài năm trước – khi tôi vừa kết hôn với chồng cũng là người ngoại quốc.

Chúng tôi thân nhau từ khi học mẫu giáo, nhưng cuộc sống mưu sinh đẩy chúng tôi đi mỗi người mỗi nước, giờ chỉ có thể nói chuyện qua tin nhắn Facebook.

Và nay bạn tôi đã đúng, tôi vừa nghe tin bạn ly hôn. Tôi sốc, buồn và thương bạn. Một mình nơi đất khách quê người giờ ly hôn không có điểm tựa, bạn chắc hẳn sẽ phải mạnh mẽ hơn nhiều mới vượt qua được.

Tôi chỉ thầm mong bạn sớm an yên trong lòng. Tôi ở xa không giúp gì được cho bạn, tôi cố nhắn tin hỏi thăm, muốn chia sẻ cùng bạn tôi, nhưng dường như bạn không muốn trả lời tin nhắn của tôi. Tôi hiểu, tôi sẽ không nhắn nữa mà sẽ cầu nguyện cho bạn tôi sẽ gặp được nhiều may mắn và niềm vui để vượt qua cú shock này. Chắc hắn bạn đang khủng hoảng lắm.

Chồng bạn ấy là người Hàn, lớn hơn bạn vài tuổi, là quản lý trong công ty của bạn làm việc. Anh ấy trông vui vẻ, hiền và rất cố gắng nói tiếng Việt. Đó là những gì tôi biết về anh ta và nghe mọi người đánh giá.

>> Tôi không hạ ‘tiêu chuẩn’ để lấy được chồng

Nhưng lý do hai người ly hôn là gì? Anh ta ngoại tình và đuổi bạn tôi ra khỏi nhà, rước người tình về chung sống. Sau khi ly hôn, bạn tôi không có quyền nuôi con và cũng không được chia tài sản. Đó là những gì tôi nghe kể lại. Tôi quá phẫn nộ và căm ghét anh ta. Sao lại có thể đối xử tệ bạc với mẹ của con mình như thế?

Nhớ lại lúc bạn tôi nói chuyện với tôi mấy năm trước, tôi đang ngập trong hạnh phúc vì mới làm đám cưới. Thì bạn nói với tôi rằng, cuộc sống hôn nhân với người nước ngoài rất khác với những gì mà bạn tưởng tượng và mong muốn.

Tuy hai người có thể nói chuyện nhưng sự khác biệt về văn hoá lẫn lối sống, nảy sinh nhiều vấn đề không đếm xuể. Người ta nói nếu yêu thật lòng thì mọi thứ bên ngoài sẽ chỉ là cát bụi thôi, quan trọng là tình cảm hai người dành cho nhau. Nhưng dường như đối với bạn tôi điều này không đúng.

Họ đến với nhau bằng tình yêu, sau bao năm mới cưới. Nhưng có nhiều sự khác biệt dẫn đến mâu thuẫn, chồng chất, và cái kết là cả hai đều không chịu nổi nhau. Đứa trẻ con bị xa cách bố mẹ và phải ở với ông bà. Bạn tôi phải ra ở nhà thuê, cố gắng cày cuốc để gửi tiền cho ông bà nội nuôi con. Bạn tôi yếu thế hơn gia đình chồng, không giành được quyền nuôi con.

Đến lượt tôi, người cũng lấy chồng ngoại quốc thì sao? Đúng là có ty tỷ sự khác biệt giữa chúng tôi. Bạn tôi và chồng còn là người châu Á với nhau, tuy khác nước nhưng nó vẫn có vài cái điểm tương đồng.

Còn tôi, chồng tôi là người Mỹ, chúng tôi như hai người ở hai thế giới khác nhau vậy. Đồ ăn cũng một trời một vực. Tôi quyết tâm chung sống hoà thuận với anh. Chỉ khi lòng anh thay đổi thì tôi mới hết cố gắng, tìm cho mình một lối đi khác và ra đi không bị thiệt thòi.

Nếu để kể ra chi tiết những sự khác biệt trong cuộc sống hôn nhân với người ngoại quốc (trường hợp chồng tôi là người Mỹ), thì rất dài…

>> Lấy được chồng ở tuổi 32 vì chịu ‘xuống giá’

Nhưng mấu chốt của vấn đề là, chúng ta đều là con người, có thể giao tiếp và trao đổi tình cảm. Kể cả làm “chuyện ấy” cũng là một cách để duy trì tình yêu. Tôi cố gắng thay đổi thói quen của mình để phù hợp hơn với chồng. Và tôi cũng bảo chồng cố gắng thay đổi vì tôi.

Những gì mình có thể chấp nhận được và có thể làm được thì tôi luôn cố gắng. Cả hai người đều phải cố gắng để giữ thế cân bằng. Như hai bạn ngồi cái bập bênh, lúc người này đi lên chắc chắn người kia sẽ phải đi xuống, và làm ngược lại, chứ cũng không thể giữ cho một người ở trên cao mãi và một người dưới thấp mãi được. Nhiều anh chị bạn bè hỏi tôi : “Chồng Mỹ khác chồng Việt như nào?” Thì tôi cũng không biết trả lời, vì tôi có lấy chồng Việt đâu.

Trước khi đi đến hôn nhân, tôi đã nói rõ trước mặt anh và cả gia đình anh: Tôi không chấp nhận ngoại tình, bạo lực, và dối trá. Nếu anh có thay lòng đổi dạ, cứ nói thẳng cho tôi biết và tôi sẽ chủ động ra đi không níu kéo sau khi thủ tục và các thứ hoàn tất, rõ ràng.

Bản thân tôi nghĩ, lấy chồng ngoại quốc (dù nước nào đi nữa) hay lấy chồng Việt đều không quan trọng bằng hiểu rõ con người anh ta. Nếu bạn hiểu anh ta như thế nào, muốn gì, ghét gì, và biết anh ta yêu bạn và bạn cũng yêu anh ấy, thì cái quốc tịch nó không còn quan trọng nữa.

Nếu bạn biết anh ta yêu bạn vì cái gì, thì hãy phát triển và duy trì cái đó, vì nó chính là vũ khí của bạn. Người phụ nữ cho dù lấy ai, đi đâu, ở đâu cũng nên trang bị cho mình một lượng kiến thức nhất định, một khả năng biết tự kiếm tiền, một tâm thế độc lập. Nếu bạn quyết định theo chồng sống ở quê hương chồng, thì nên tạo cho mình một mạng lưới quan hệ ở chỗ đó, càng rộng càng tốt và Phải biết Luật ở nước đó.

Ở Mỹ, luật pháp rất coi trọng và bảo vệ cho người phụ nữ và trẻ em. Nếu bạn có người quen ở đó, (không cần thiết phải quá thân, và cũng không nên nghĩ sẽ nhờ vả được họ) thì chồng và gia đình chồng cũng phải dè chừng bạn. Đương nhiên rồi, nếu bạn chỉ có một thân một mình nơi xứ người, không người quen xa bố mẹ, xa quê hương, thì bạn rất dễ bị “úp sọt”.

>> ‘Phụ nữ tuổi 30 rất khó chiều chuộng’

Những người quen mới và bạn mới sẽ cho bạn nhiều lời khuyên và kiến thức quý giá và tất nhiên nếu mỗi quan hệ tốt họ sẽ sẵn sàng giúp nếu ta cần. Tuy vậy cũng phải cẩn thận vì không phải ai cũng tốt cũng sẵn lòng chỉ bày cho ta và sẽ có những người ghen ăn tức ở.

Nhiều người nghĩ, lấy chồng ngoại quốc chắc phải giỏi tiếng Anh (hoặc ngoại ngữ) lắm. Nếu đúng, quá tuyệt, nó làm giảm bớt rào cản giữa hai người. Nếu bạn không giỏi ( như tôi) , không sao hết, bạn có thể học thêm. Sống với anh càng lâu bạn càng học được nhiều. Chỉ cần biết đủ. Khi cần bạn có thể tìm kiếm thông tin trên mạng, bạn có thể đọc bản đồ, và có thể giao tiếp đơn giản là được. Đừng để bị lệ thuộc.

Bản thân tôi may mắn gặp được người chồng tốt (đối với tôi – cho đến thời điểm hiện tại), và tiêu chí hàng đầu của tôi khi làm vợ (cho dù là của ai đi chăng nữa) đó là luôn giữ thế chủ động. Chủ động trong tài chính và thời gian, địa điểm.

Tài chính: bạn có thể kiếm tiền, có thể tiêu vào những gì bạn cần, và để chồng đưa tiền cho bạn giữ. Thời gian: Nắm rõ thời gian, lịch( schedule) của bản thân và của Chồng. Địa điểm: bạn có thể tự đi đâu nếu bạn cần (ví dụ: đi mua sắm, đi chợ, đi ăn nhà hàng nào bạn chọn, đi chơi đâu đó).

Nếu chồng bạn không đưa hết tiền cho bạn (nhiều vợ chồng ở bên này không dùng chung tiền, tài khoản), cũng không sao. Bạn chỉ cần rõ ràng trong chi tiêu chung là được.

Nhiều người nói như vậy là tính toán, là hôn nhân không hạnh phúc. Sai rồi, như vậy càng giữ hạnh phúc lâu, càng không có nghi ngờ, tính toán mập mờ giữa hai bên. Nhưng tốt nhất là bạn vẫn nên yêu cầu chồng giao tiền cho vợ quản lý, nếu bạn tự tin là sẽ quản lý tiền của anh ta thật tốt. Bản thân tôi tự tin và tôi đã làm cho anh ấy tin tưởng.

Mua gì, tiêu gì cũng tự chủ động nói cho anh biết trước khi anh hỏi, không cần phải giấu. Làm vậy thì không lý gì anh ấy không đưa tiền hết. Nếu ngược lại anh ta không đưa tiền, chứng tỏ anh không đủ lòng tin ở bạn, hoặc anh ta mập mờ.

>> ‘Thà độc thân sang chảnh hơn nheo nhóc chồng, con’

Cho đến thời điểm hiện tại, tuy có nhiều hối tiếc mà mình không làm, không lựa chọn ở quá khứ. Nhưng nếu cứ cố suy nghĩ lại và hối tiếc mãi cho quá khứ thì mình cũng chả thay đổi được gì, chả nhận được gì thêm. Chỉ tổ mất thời gian, năng lượng.

Tôi cố dành năng lượng đó cho con, cho việc kiếm tiền, việc học thêm (học chưa bao giờ là đủ). Tuy nói ra dễ nhưng làm mới khó. Đôi khi thấy mệt mỏi đầy áp lực tủi thân lòng nặng trĩu, nhớ quê hương. Vào phòng đóng cửa khóc thật to rồi lại lôi sách tiếng Việt ra đọc, lên mạng đọc bài viết của các bạn ở trong nhóm ( các bài viết rất hay ), và đi tiêu tiền ( mỗi lần đi không mang theo thẻ mà vẽ mang một phong bì tiền mặt mình đã chuẩn bị sẵn lúc đang tỉnh táo.

Đó là khoản phong bì tiền hằng tháng tôi dành ra có ghi: Dùng cho những lúc stress. Để tránh tiêu sài hoang phí trong lúc nóng giận mất kiểm soát. Tôi đã từng mấy lần cà thẻ hết nguyên tháng lương của chồng vì tức chồng. Về ngồi lại thấy tiếc.) Tôi mua cho bản thân cái gì đó hoặc đi ăn món yêu thích không quan tâm nó là Organic hay Natural gì nữa hết. Đột nhiên tâm trạng tốt lên hẳn.

Nói về việc suy nghĩ nên lấy chồng ngoại quốc hay không, thì trước tiên hãy tự ngồi xuống và suy nghĩ thật kỹ và viết ra. Mình đã đủ hiểu đối phương chưa, mình đã trang bị đủ cho bản thân để có thể kết hôn với người đó mà không bị khổ chưa, vân vân và vân vân.Những câu hỏi mà chỉ có bạn mới hiểu rõ và đặt ra được. Nếu hỏi xing trả lời xong thì, yay! Chúc mừng bạn đã có câu trả lời.

Một vấn đề khá nhạy cảm nữa là nếu muốn lấy chồng để chuyến đến đất nước mà bạn muốn, để lấy quốc tịch nước đó ( nhiều nước có quốc tịch khá tốt mà bạn có cơ hội việc làm tốt, muốn đi du lịch không cần thủ tục xin visa lằng nhằng) , muốn đi ra khỏi lũy tre làng thì tôi khuyên chân thành nên cẩn trọng. Vì có nhiều điều mà mình không-biết-được-là-mình-không-biết điều đó.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Ngọc

Đừng cố lấy chồng chỉ vì bị thúc ép

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *