Chín điều cần cải cách giáo dục phổ thông

Muốn giảm tải chương trình học cho giáo viên và học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy cần cải cách chín vấn đề.

Đầu tiên là phải giảm số lượng học sinh trong một lớp học. Một lớp học không được có nhiều hơn 20 học sinh. Đây là một nghiên cứu giáo dục học đã được chứng minh từ lâu. Với số lượng học sinh nhiều hơn gấp đôi, thầy cô làm sao kiểm tra hết từng học sinh được.

Kiểm tra không hết, tất yếu là buộc phụ huynh phải tham gia vào việc kèm cặp dạy dỗ con em của mình, dẫm chân lên chức năng của ngành giáo dục, bào mòn sức khỏe của phụ huynh.

Thứ hai, là không cần cấm học thêm dạy thêm nhưng phải quy định rõ, thầy cô dạy chính khóa không được phép dạy thêm.

Như vậy, vừa tạo việc làm cho giáo viên chưa có việc làm hoặc đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn sức khỏe, vừa chống tiêu cực 8 giờ bán trú chẳng dạy dỗ gì, chỉ chăm chú dạy thêm ngoài giờ. Việc học thêm dạy thêm sẽ chỉ còn tính chất tự nguyện, không ai ép buộc được ai.

>> ‘Bón thúc’ trẻ lớp 1 bằng những cuốn sách giáo khoa khô khan

Thứ ba, bỏ các chức danh lớp trưởng lớp phó. Mọi học sinh đều bình đẳng, chẳng có lý do gì tạo thêm “giai cấp” trong học đường. Việc của giáo viên là giúp cho học sinh tiếp thu đủ kiến thức để lên lớp, còn việc học sinh học giỏi hay dở không phải là việc mà thầy cô nên quan tâm.

Học sinh thông minh chăm chỉ, không cần quan tâm nhiều tự nó cũng đã học giỏi. Học sinh lười biếng thiếu tập trung, dù gò ép mức nào nó vẫn học kém. Học đường phải là nơi tạo lập sự công bằng. Chỉ vì thành tích ảo mà dạy tủ, dạy biết trước thì chất lượng học sinh cũng ảo, chỉ “giỏi” trên điểm số.

Thứ tư, đặt mục tiêu với từng cấp lớp. Ví dụ với lớp một chỉ yêu cầu học sinh biết đánh vần, biết cộng trừ các phép toán đến con số 10. Lớp hai học sinh phải biết đọc thông phát âm chuẩn không cần phải hiểu nghĩa, viết không sai chính tả, luyện viết chữ đẹp, làm các phép toán đến số 100. Cứ như thế đến lớp 12.

Những mục tiêu này là không dễ dàng, cần có sự nghiên cứu một cách có hệ thống sao cho kiến thức của lớp dưới là nền tảng của lớp trên. Mọi trường học dựa vào mục tiêu này tự chọn sách giáo khoa, tự xây dựng chương trình học, thậm chí đặt hàng cho người viết sách, không cần mỗi năm mỗi “cải”.

Thứ năm, xây dựng các chương trình ngoại khóa dạy kỹ năng mềm có hệ thống xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Trong đó, tôi đề nghị ngoại ngữ cũng được xem là một kỹ năng mềm.

Từ lớp 1 đến lớp 5, học sinh buộc phải học mọi chương trình ngoại khóa. Từ lớp 6 đến lớp 12, học sinh được tự chọn chương trình ngoại khóa để học. Ngoài ra, thành lập các CLB ngoại khóa trong trường học để học sinh được rèn luyện, thực hành, ứng dụng tại chỗ. Năng khiếu là muôn hình vạn trạng, không phải cứ giỏi Toán Lý Hóa thì mới gọi là năng khiếu.

>> Cải cách sách giáo khoa – ‘bê kiến thức lớp trên xuống lớp dưới’

Thứ sáu, thành lập hệt thống các trường phổ thông liên thông từ lớp 1 đến lớp 12 vừa giảm áp lực thi cử cho học sinh vừa giảm áp lực “chạy trường” cho phụ huynh.

Các trường sẽ nhận học sinh từ dân cư xung quanh khu vực bán kính gần nhất. Việc “chạy trường” sẽ chỉ còn là sự tự nguyên, không ép buộc. Trường phổ thông liên thông như vậy sẽ dễ tạo điều kiện cho việc xây dựng chương trình học xuyên suốt.

Thứ bảy, cho phép học sinh học “nhảy cóc”. Mỗi học sinh bình thường đều có năng khiếu riêng, không phải môn chính khóa cũng là môn ngoại khóa. Học sinh vừa vào lớp 1 đã đọc thông viết thạo thì cho học sinh đó nhảy lên lớp 2 học tiếp tiếng Việt lớp 2. Vừa hết học kỳ một đã học xong tiếng Việt lớp 2 thì học kỳ 2 cho lên học tiếng Việt lớp 3. Các môn khác không giỏi như vậy vẫn học ở lớp 1 bình thường.

Phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu ở quy mô đại trà là như vậy chứ không ai mở trường chuyên lớp chọn để đào tạo “gà”. Như vậy, sẽ có những môn học lớp học có học sinh nhỏ tuổi hơn. Năng khiếu là khả năng tiếp thu ứng dụng nhanh một môn học hoặc một kỹ năng nào đó chứ không phải là giải những bài tập siêu khó mang tính hàn lâm.

Nếu học sinh 15 tuổi nào đó học hết mọi môn học của lớp 12 thì được cho thi tốt nghiệp luôn, không cần phải chờ đủ tuổi. Năng lực học tập mỗi người mỗi khác, không thể cào bằng.

Thứ tám, xếp hạng trường học. Tiêu chí đầu tiên là chỉ số hạnh phúc. Học sinh bị bạn bè bắt nạt không ai can thiệp, bị thầy cô “trù ếm” làm cho sợ hãi thì phụ huynh sẽ chuyển trường cho con em mình. Bao nhiêu phụ huynh chủ động đề nghị chuyển trường (trừ lý do thay đổi chỗ ở), nhà trường bị trừ ngần ấy điểm. Tiêu chí thứ hai là năng lực giảng dạy và học tập.

Thanh tra giáo dục chọn ngẫu nhiên mỗi khối lớp vài học sinh rồi kiểm tra nhanh. Kết quả kiểm tra quyết định nhà trường được bao nhiêu điểm. Tiêu chí thứ ba là cơ sở vật chất. Tiêu chí thứ tư là truyền thống với các thứ hạng dành được trong các cuộc thi đấu liên trường về văn hóa và kỹ năng ngoại khóa.

>> ‘Nên giảm 50% khối lượng kiến thức cho học sinh tiểu học’

Tự nhiên là, trường học có thứ hạng càng cao, học phí càng đắt, lương giáo viên càng cao. Tình trạng cạnh tranh giữa các trường học phải minh bạch rõ ràng như vậy khỏi xảy ra trường chuyên lớp chọn mọc ra như nấm mà chất lượng vẫn là dấu hỏi.

Thứ chín, tăng cường vui chơi dã ngoại. Lớp 1 đến lớp 5 đi loanh quanh trong địa phương và các tỉnh lân cận để rèn luyện tác phong nề nếp kỷ luật sinh hoạt tập thể cũng như cá nhân. Lớp 6 đến lớp 9 tổ chức đi chơi xa bất cứ nơi nào ở Việt Nam với những trải nghiệm đơn giản.

Lớp 10 đến 12, tổ chức tham gia công tác xã hội, gia tăng kinh nghiệm sống tạo điều kiện cho hướng nghiệp. Làm được như vậy, tuổi thơ của các thế hệ sau sẽ đầy ắp những kỷ niệm đẹp, không phải còng lưng cắm đầu học hành suốt ngày.

Chúng ta sẽ có một tầng lớp công dân mới có đạo đức xã hội, hướng thiện và sáng tạo. Chính họ sẽ giúp phát triển xã hội trở nên tốt đẹp hơn, phù hợp với tư duy và cảm xúc của họ.

Gia tài mà chúng ta để lại cho thế hệ sau không phải là vật chất mà là tư duy của chúng ta. Thế hệ sau dựa vào tư duy này làm nền tảng để tiếp tục nâng cao hơn, không phải loay hoay mò mẫm lại từ đầu khiến cho quốc gia chậm phát triển.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Lâm

Bón thúc trẻ lớp 1 bằng những cuốn sách giáo khoa khô khan

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *