Cải cách giáo dục – ‘thừa chiều sâu, thiếu độ rộng’

Sau bao năm cải cách, chúng ta vẫn dạy đi dạy lại những kiến thức cũ, chỉ khác là các dạng bài tập ngày càng khó hơn để đi thi.

Điểm yếu của cải cách giáo dục phổ thông nước ta là chúng ta chỉ lo cải thiện chiều sâu mà không lo độ rộng. Kiến thức phổ thông về các môn Văn, Toán chỉ có nhiêu đó, muốn sâu hơn nữa, bắt buộc phải bê kiến thức cao hơn xuống. Các môn Văn, Sử, Địa cấp hai đã học rồi, cấp ba lại học nữa để nâng cao. Lên đại cương năm nhất đại học, sinh viên lại học tiếp lần ba. Rõ ràng, giáo dục phổ thông như vậy là mất phương hướng.

Chúng ta đang dạy học sinh phổ thông để chuẩn bị cho chúng thi đại học chứ không phải để các em trở thành những công dân trưởng thành về nhân cách và tư duy. “Cải” càng sâu thì chương trình càng nặng nề, càng hàn lâm, càng ôm đồm kiến thức của lớp trên. Bậc đại học, lẽ ra theo chuyên môn ngành nghề, chỉ nên học môn nào cần ứng dụng với chuyên môn đó. Bậc phổ thông dạy học sinh để chuẩn bị thi đại học, môn gì cũng phải học bất chấp học sinh dự định theo ngành nào. Điều đó khiến học phổ thông khó khăn, cực khổ hơn học đại học. Như vậy đâu gọi là giáo dục hình tháp, là đào tạo tinh hoa? Cái tháp này có vẻ như bị lộn ngược, cái tinh hoa này có vẻ hơi bị đại trà.

Lượng tuyển sinh đầu vào ở đại học nước ngoài rất lớn, gần như là toàn bộ học sinh vừa tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, thi lên năm hai, số lượng sinh viên rớt đi một lượng đáng kể. Cứ như thế, đến năm cuối, lượng sinh viên tốt nghiệp đại học so với lượng sinh viên đầu vào năm nhất chỉ còn chừng 1/20 là giỏi. Viện đại học của họ rất lớn vì phải chứa đủ số học sinh từ phổ thông lên, cộng thêm số sinh viên không thi đậu lên năm sau. Thi qua mỗi năm của họ càng ngày càng khó, đến năm cuối là khó nhất, tỷ lệ chọi rất cao. Thi tốt nghiệp đại học, sinh viên đều “trầy vi tróc vảy”. Do đó, học đại ở nước ngoài không có chuyện hiểu lơ mơ.

Họ không có thang điểm như phổ thông, chỉ có “đậu” hay “rớt”. Còn ta vẫn cứ giữ thang điểm 10 của phổ thông, khiến sinh viên ra trường chất lượng không giống nhau. Ở nước ngoài, không hiếm sinh viên 30 tuổi mới tốt nghiệp đại học mà lẽ ra theo lý thuyết họ phải tốt nghiệp từ năm 22 – 23 tuổi. Người ta cần nhân lực có chất lượng chứ không cần số lượng. Đầu vào đại học họ chẳng chặn ai cả vì học là quyền tự do của mỗi người. Học là một chuyện, tốt nghiệp hay không là chuyện khác.

Một nghịch lý rất lớn ở ta là học sinh không thi đậu đại học trong nước nhưng khi du học, dù không phải là sinh viên giỏi, vẫn vượt qua các năm học và tốt nghiệp với thời gian gần bằng thời gian lý thuyết. Đây chính là cần cù bù thông minh. Còn cách đào tạo của ta là tuyển chọn học sinh thông minh nhưng không cần cù. Thông minh nhưng thiếu ý chí cầu tiến, thiếu tham vọng làm động cơ cho sự nỗ lực vươn lên, không xây dựng được lý tưởng riêng thì cũng chẳng có giá trị. Sinh viên của họ ra trường thích ứng ngay với văn hóa riêng của mọi công ty, không phải đào tạo lại. Ta thì phải đào tạo lại, thậm chí còn bị đưa ra nước ngoài tu nghiệp chín tháng với những nhân viên mà họ cho là có tiềm năng, có tố chất.

>> Sách giáo khoa ‘cải cách ngược’

Muốn xây dựng chương trình cải cách, chúng ta phải làm xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 rồi đưa ra cho công chúng phản biện, biểu quyết theo số đông. Nhưng thực tế hiện nay, cải cách lớp này chẳng ăn nhập gì với các lớp khác, kiểu thầy bói mù xem voi. Nhiều quốc gia không xây dựng chương trình cụ thể mà chỉ đặt mục tiêu cho từng cấp, từng lớp, mỗi trường tự xây dựng chương trình riêng nhằm vào mục tiêu đó. Bộ Giáo dục của họ chỉ xây dựng mục tiêu của từng lớp, từng cấp học và cả bậc phổ thông, xây dựng quy chế thanh tra giám sát, quy chế xếp hạng trường học, tổ chức các cuộc thi liên trường từ văn hóa đến thể thao, nghệ thuật. Nhiêu đó đã đủ vắt hết sức, họ không ôm đồm nhiều vào rồi mất kiểm soát (tiêu cực dạy thêm học thêm, thi cử gian lận, sổ vàng trường chuyên, Toán tủ, Văn mẫu…).

Cải cách cấp lớp phải quy tụ những nhà giáo ưu tú, có thâm niên 20 năm giảng dạy cấp tương ứng, mới sát với thực tế và phù hợp với độ tuổi của học sinh. Trong khi ở ta, vì sính bằng cấp, người ta chọn người xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa phổ thông phải là giáo sư, tiến sỹ, “cây đa cây đề”, thâm niên 20 năm giảng dạy đại học… Nhưng chính thói quen nghề nghiệp khiến cho những người này đánh đồng học sinh phổ thông cũng phải giống như sinh viên của họ, từ đó bê hàng loạt kiến thức đại học xuống bậc phổ thông.

Không hiểu giáo dục của chúng ta cải cách thế nào mà phụ huynh cũng phải học lại cùng với con cháu từ lớp 1. Những kiến thức mới cả đời chưa chắc học hết nhưng chúng ta vẫn dạy đi dạy lại những kiến thức cũ, chỉ khác là các dạng bài tập ngày càng khó hơn. Phổ thông của họ dạy rất nhiều môn, từ cơ bản đến nâng cao nhưng không sâu, chủ yếu học để biết, biết để lựa chọn ngành học tương lai. Còn ta thì đào đi đào lại mấy chục năm vẫn là Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, Sinh chủ yếu để thi đại học.

Công dân trưởng thành chỉ biết đi làm kiếm tiền, bất chấp thủ đoạn, tạo ra hàng loạt tiêu cực, giải trí bằng nhậu nhẹt… Các loại hình văn hóa nghệ thuật thể thao ngày càng èo uột vì không mấy người biết thưởng thức. Vậy cải cách giáo dục ở Việt Nam đã đúng hướng và thành công hay chưa?

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Lâm

Giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 - không cũng như có

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *