Nên chỉnh sửa sách giáo khoa như thế nào?

Sách giáo khoa phải biên soạn theo hướng sử dụng lâu dài để tiết kiệm và cần có hội đồng thẩm định trước khi dạy cho học sinh.

1. Phải tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước và phải theo định hướng lâu dài

Tôi theo học chương trình Pháp từ mẫu giáo (trước 1975). Vào thời đó có sách dạy đọc và viết từ lớp Lá đến lớp 2 là quyển “Méthode Boscher” được sử dụng thống nhất ở các nước có dạy chương trình Pháp trên toàn thế giới (khoảng 126 nước và đảo quốc).

Ba mươi tám năm sau, khi con út tôi vào học lớp 1 Song Ngữ Pháp (trường Minh Đạo), tôi đã nhờ cậu tôi và bác tôi (đã sống và làm việc tại Pháp hơn 40 năm) đi dò để tìm mua bộ sách tập đọc và tập viết vỡ lòng, thì rât ngạc nhiên là cả 2 người cùng tìm ra quyển sách Méthode Boscher, vẫn được sử dụng trên toàn thế giới.

Thời ba tôi học trường Chasseloup Laubat, thì nước Pháp đã cho sử dụng thống nhất bộ sách toán từ lớp 6 đến lớp 12 của Lebossé. Đến khi tôi học trung học trường Pháp, thì bộ sách Lebossé này cũng vẫn được dùng để giảng dạy trên toàn thế giới.

Khi tôi lên lớp 11 (Classe Première) thì bắt đầu có Tân Toán học (Math Moderne) dạy về không gian vecto (Espace Vectoriel), tập hợp và số ảo,… Lúc đó nước Pháp đã cho thay đổi bộ sách Lebossé thành bộ sách Queysane. Như vậy bộ sách Lebossé đã được dùng để giảng dạy trong hơn 25 năm. Rất đáng kinh ngạc là sau này, khi tôi tốt nghiệp Thạc sĩ Kinh tế Pháp, thì bộ sách Queysane vẫn được dùng để giảng dạy.

Còn ở nước ta, cứ vài ba năm lại cải cách giáo dục và đổi sách giáo khoa. Như vậy rất lãng phí ngân sách Nhà nước một cách vô lý. Đôi khi cũng bị điều tiếng vì “cải lùi”.

2. Các nước tiên tiến cải cách giáo dục và soạn sách giáo khoa như thế nào?

Bỏ qua những định kiến về chính trị, ta nên học tập các nước tiên tiến về cải cách giáo dục và soạn thảo sách giáo khoa.

Nước Pháp là một trong những nước chuẩn hóa về văn hóa, giáo dục. Khi kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, lên một tầm cao mới, các lý thuyết cũ, các quan niệm cũ không còn phù hợp với thời đại nữa, thì họ mới cải cách giáo dục và thay đổi bộ sách giáo khoa. Khi soạn bộ sách giáo khoa, họ luôn thiêng về một định hướng lâu dài và phải thật sự phục vụ cho nhu cầu đổi mới.

Ví dụ khi toán học và vật lý phát triển mạnh, các lý thuyết về hình học phẳng, số thực… không đáp ứng được cách giải quyết các vấn đề trong toán học, vật lý, nên Tân Toán học ra đời. Lúc đó, Bộ Giáo sục và Hàn lâm viện mới phối hợp để đề ra phương án cải cách giáo dục và cho ra đời những bộ sách giáo khoa mới như: Queysane.

Khi bộ sách giáo khoa đã được soạn thảo, Bộ Giáo dục phải xin ý kiến rộng rãi của nhiều tầng lớp liên quan, nhất là các nhà khoa học và học giả. Trước khi phát hành, bộ sách giáo khoa phải được Hàn lâm viện duyệt (Ví dụ: bộ sách toán Queysane phải được Viện Sĩ Viện Hàn Lâm toán học xem qua và hiệu đính).

Chương trình cải cách giáo dục và những bộ sách giáo khoa khi được phát hành đã được sự đồng thuận của nhiều nhà khoa học, bậc trí thức, học giả nên không gây nên điều tiếng và rối loạn trật tự xã hội, nhất là không gây lãng phí ngân sách Nhà nước một cách phi lý.

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Th.S Lê Tấn Lam Anh

Bộ sách lớp 1 mập mờ

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *