Bằng nào nghề đó

Tôi không bao giờ tuyển người làm việc trái ngành được đào tạo, bởi như vậy chẳng khác nào không có bằng cấp.

Tôi không đồng ý với quan điểm “Xin việc trái ngành“. Chọn sai ngành là chuyện cá nhân của mỗi người học, không thể để cho xã hội phải gánh chịu hậu quả ấy. Mỗi ngành đều có kiến thức chuyên môn của nó. Làm trái ngành có khác gì không học mà vẫn làm chuyên môn? Học ngành Y đi làm kinh tế, trừ khi bạn có bằng kinh tế, nếu không, cũng không khác gì bạn không có bằng đại học mà đi làm chuyên môn. Học Y làm kinh tế, học kinh tế đi làm kỹ thuật, học kỹ thuật đi làm xã hội, học xã hội lại làm y thì sẽ xảy ra hậu quả gì?

Nếu một bằng đại học có thể làm được đủ thứ nghề thì chia ngành này ngành nọ làm gì cho phức tạp? Ở Tây, từ lâu người ta đã coi trọng bằng nào nghề đó. Không có bằng bác sĩ thì không được mở phòng mạch, không có bằng dược sỹ thì không được mở cửa hàng bán thuốc… thậm chí cả ca sĩ cũng có giấy phép hành nghề thông qua kiểm tra thể chất, kiến thức âm nhạc bậc trung cấp trở lên… Chứ đâu phải ai làm gì cũng được.

Tôi lấy ví dụ bằng kỹ sư cơ khí. Ra trường, bạn có thể sửa mọi loại máy móc cơ khí. Nhưng vào công ty, bạn chỉ sửa vài loại máy móc mà công ty ấy thường dùng. Lâu ngày, bạn trở thành chuyên gia đối với những máy móc đó, các máy móc khác bạn có thể biết qua nhưng không rành. Tương tự với các bằng cấp khác. Học rộng nhưng làm hẹp với xu hướng ngày càng chuyên sâu hơn. Đây là có bằng và làm đúng chuyên môn. Làm trái ngành, kiến thức cơ sở bậc đại học không có, bạn làm thế nào? Đừng nghĩ rằng bạn có thể tự tin với bằng đại học ngành khác, kiến thức cơ sở khác chẳng ăn nhập gì với công việc mà bạn đang làm.

>> ‘Tuyển người làm việc trái ngành là gây lãng phí’

Đam mê gì cũng phải có kiến thức. Đam mê mà không có kiến thức thì sẽ phải loay hoay cả đời tìm hiểu mày mò những cái mà chỉ cần đi học là nắm được. Không có bằng xây dựng mà làm xây dựng, rồi công trình đột nhiên sập đổ, đè chết vài người, ai chịu trách nhiệm? Bạn có chuyên môn, làm sai nguyên tắc, bạn có thể bị treo bằng, tước bằng, cấm hành nghề suốt đời. Không có bằng thì chế tài kiểu gì? Lái xe còn phải có bằng huống gì ngành nghề khác.

Nếu bạn chọn sai ngành và cho rằng mình đam mê ngành khác, bạn hãy đi học bằng hai của nghề đó. Bằng một có bảng điểm hai năm đại cương từ 6,5 điểm trở lên, bạn không phải thi tuyển đầu vào. Không học hai năm đại cương, bạn có thể vào học luôn hai năm chuyên ngành. Tốt nghiệp ra lấy bằng chính quy mới đủ điều kiện hành nghề. Hai năm học thêm để lấy bằng đại học khác không hề lâu.

Xã hội chỉ có một nghề không cần bằng cấp. Đó là nghề làm chủ. Nhưng khi thuê người khác làm công cho mình, liệu bạn có dám tuyển người không có bằng cấp hoặc làm việc trái nghề không? Nêu tôi là chủ doanh nghiệp, tôi sẽ không thể chấp nhận chuyện tuyển dụng lao động không đúng bằng cấp cho công ty.

>> Bạn nghĩ gì về chuyện làm việc trái ngành? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Lâm

Cử nhân đại học kinh doanh trái ngành gây lãng phí xã hội

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *