Những đứa trẻ trong lồng kính

Tôi trầm cảm vì học ở trường và ngành bố mẹ định hướng, tôi không làm được việc vì đó không phải cái mình muốn học hay muốn làm.

Hôm vừa rồi tôi có một cuộc hẹn với hai vị phụ huynh của hai em mắc trầm cảm của hai gia đình khác nhau. Anh Bình đưa con gái là bé Vy đến, còn chị Nguyệt tới một mình vì con trai chị hiện đang không ở Hà Nội.

Chị Nguyệt đến trước, và trong lúc đợi anh Bình và bé Vy thì tôi và chị cũng nói chuyện một chút. Tôi hỏi chị hiện làm gì, và về bệnh trạng của cháu nhà chị. Chị Nguyệt kể trước đây chị có một cửa hàng trên phố cổ và kinh doanh trong 15 năm nhưng năm ngoái trước khi đợt dịch tới thì chị ngừng lại. Chị chỉ nói là cảm thấy đã hết duyên với công việc ấy rồi.

Cháu nhà chị năm nay 21 tuổi, từ bé tới lớn học tại một ngôi trường quốc tế ở Hà Nội. Khác với những trẻ em khác học hết trường cấp I sẽ lên trường cấp II khác, gặp những con người mới và thầy cô mới, thì cháu nhà chị trong 11 năm chỉ tiếp xúc với một nhóm người nhất định, rất ít có sự thay đổi.

Sự việc đầu tiên chị đánh giá là khởi đầu cho việc em nhà thể hiện có gì đó không ổn, là khi lên lớp 11 em bỗng tuyên bố rằng em không muốn đi học nữa mà muốn làm game thủ chuyên nghiệp. Phản ứng của chị Nguyệt tất nhiên là sốc, vì từ trước tới nay chị cảm thấy em không có vấn đề gì cả.

>> Những người trẻ ‘trầm cảm cười’ vì chuẩn mực xã hội

Chị cũng nói đối với bạn bè, thầy cô, mọi người xung quanh em có quan hệ rất tốt. Tôi không nói gì cả, chỉ nghe chị kể tiếp, nhưng trong đầu thì đang nghĩ: “Liệu có thực sự như thế không hay em chỉ tỏ ra như vậy còn giấu những nỗi niềm vào bên trong?”.

Chị kể tiếp rằng sau khi nghe con tuyên bố như vậy thì cả nhà động viên em sang Mỹ học tiếp. Tại Mỹ em quen một em bạn gái, và bé gái này mắc chứng rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Trước khi quen em nhà chị Nguyệt, cô bé này có yêu một bạn Việt kiều Mỹ, và sau khi chia tay thì bạn Việt kiều ấy đã mang súng tới tự sát trước mặt bạn gái này.

Nghe đến đây, tôi bị giật mình và cảm giác như chuyện này chỉ có thể xảy ra trong phim hay tiểu thuyết nhưng nó lại xảy ra trong đời thực. Rốt cuộc thì nghệ thuật bắt chước cuộc sống, hay cuộc sống bắt chước nghệ thuật? Hình như nó là một cái vòng luẩn quẩn, cả hai bắt chước nhau trong cái vòng luẩn quẩn ấy. Như kiểu cái gì cũng là nhân của một thứ và là quả của một thứ khác vậy.

Năm ấy con trai chị Nguyệt và bạn gái về Việt Nam nghỉ hè, và bạn gái đó do sang chấn tâm lý cộng với việc tự đổ lỗi cho mình vì cái chết của bạn trai cũ nên không dám quay lại Mỹ nữa.

Gia đình cô bé chuyển hướng cho em sang Úc học tiếp, nhưng vì lúc đó đã là hè nên không kịp chuẩn bị hồ sơ cho kỳ nhập học tháng 9, phải lùi việc sang Úc lại tháng 1. Trong lúc đó thì em nhà chị Nguyệt theo kỳ học phải quay lại Mỹ tháng 9 ấy. Chị Nguyệt kể tiếp rằng, ngay sau khi con trai đặt chân lại lên đất Mỹ, em đã gọi điện về nói với chị: “Mẹ ơi, mẹ phải mua vé cho con về ngay đi, con không muốn ở đây nữa, có ở cũng không học hành gì đâu”.

>> Người trầm cảm cười

Chị lại tá hoả lên mạng mua vé bay sang, làm công tác tư tưởng để em cố gắng tiếp tục học, nhưng không thành công. Cuối cùng hai mẹ con đưa nhau về Việt Nam, và từ đây con trai chị bắt đầu điều trị trầm cảm.

Lúc đầu gia đình đưa em vào bệnh viện và ở đó họ điều trị cho em bằng phương pháp sốc điện. Tôi nghe tới đó lại rùng mình. Có vẻ như phương pháp điều trị này không đem lại kết quả nên chị Nguyệt vẫn đi tìm những cách khác để giúp con.

Chi tiết cuối cùng chị kể trước khi anh Bình và bé Vy đến, là cách đây mấy tháng gia đình và con trai đồng ý với nhau gửi em vào một trại huấn luyện thuộc một trường thể dục thể thao. Ở đây em có một thời gian biểu khắt khe, nhưng ngày nào cũng biết rõ mình phải làm gì, và thấy khá vui vẻ. Em chủ động đề xuất với mẹ là sẽ ở thêm đến Tết.

Lúc đó anh Bình và bé Vy bước vào. Tôi nhìn thấy Vy như nhìn thấy bản thân cách đây 7, 8 năm. Em không dám nhìn thẳng vào mắt ai, rất sợ sệt, và nếu có ai chủ động hỏi gì em, em sẽ tìm bố với ánh mắt cầu cứu, hay như để hỏi bố rằng phải phản ứng như thế nào.

Vy năm nay 23 tuổi. Anh Bình rất bao bọc cô bé, cảm tưởng như chỉ cần em không ở trong tầm mắt của anh thì Vy sẽ trượt chân vấp ngã và không thể đứng lên vậy. Tôi nhớ lúc trước mình cũng như vậy, thậm chí bây giờ đôi khi đi cùng bố mẹ tôi cũng vẫn có cảm giác như thế, đó là cảm giác như mình vẫn còn là trẻ con và bố mẹ luôn cần phải trình bày các thứ hộ mình. Ngay cả khi tôi đưa mẹ đi cùng tới phòng khám trầm cảm cũng vậy.

Một năm gần đây tôi không chịu nổi nữa và nói thẳng với mẹ mỗi khi mẹ bắt đầu trình bày hộ, là mẹ ơi mẹ để con tự nói. Như vậy tôi thấy tự chủ hơn, bớt ngột ngạt hơn. Tất nhiên là tôi rất yêu mẹ, và tôi biết đây là cách để mình và mẹ có quan hệ tốt hơn.

Gần đây tôi càng ngày càng nhận ra rằng nguyên nhân chính khiến mình bị trầm cảm là do không cảm thấy tự có quyền kiểm soát cuộc sống riêng, không tự chủ về kinh tế, cũng như tư tưởng, cảm xúc, mà bị phụ thuộc vào gia đình ở từng hạng mục.

Tuần trước tôi được tặng một cuốn sách. Ít có cuốn sách nào tôi đọc nhanh như thế, thức đêm thức hôm để đọc vì từng câu chuyện trong đó khiến tôi đồng cảm kinh khủng, và nhận ra thế hệ trẻ này có thật nhiều bạn gặp vấn đề về tâm lý do tổn thương trong gia đình. Hoặc gia đình tan vỡ, hoặc bị bao bọc và kiểm soát quá mức. Tôi ở dạng được bao bọc quá mức và không tìm được bản thể riêng, nên việc ra quyết định nào cũng sẽ bị phụ thuộc vào tư tưởng của gia đình.

>> Tôi sống mòn chục năm vì trầm cảm

Tôi nói với chị Nguyệt, anh Bình và bé Vy rằng cả đời này cho đến tận mấy tháng gần đây, em chưa từng phải vay mượn ai cái gì, và chưa bao giờ phải từ chối điều gì vì lý do không có tiền. Cho đến mấy tháng gần đây, mẹ vẫn chuyển tiền cho tôi vì sợ lương của tôi không đủ tiêu.

Mãi đến tháng trước, tôi mới nói với mẹ rằng mẹ đừng chuyển tiền cho con nữa. Con muốn con làm ra bao nhiêu thì tiêu trong tầm đó thôi, nếu không con sẽ không bao giờ biết giá trị của đồng tiền cũng như biết cách quản lý cuộc sống của mình.

Buổi cuối cùng trị liệu với một người chị trong Sài Gòn, lần đầu tiên trong đời tôi phải nói ra câu: “Chị ơi phí trị liệu buổi cuối này chị cho em nợ đến tuần sau em trả nhé, tuần này em chưa có lương.” Cảm giác lúc đó tôi vừa thấy nghèo vừa thấy giàu, nghèo tiền nhưng giàu sự chủ động, và mình thấy vui.

Tuần sau đó trong tài khoản của tôi chỉ còn có 200 nghìn đồng, và lần đầu tiên tôi thấy thấp thỏm đợi tiền về, cũng là lần đầu tiên mình đi gom góp hết tiền lẻ khắp xó nhà cho vào ví.

Anh Bình tỏ ý đó là thái độ cực đoan, và cho rằng tôi chỉ cần nhận và cảm thấy biết ơn là được. Tuy nhiên tôi cũng nói với anh rằng mỗi người cần một điều khác nhau, với tôi thì đó là cảm giác tự chủ. Hiện giờ tôi đang sợ cảm giác bị phụ thuộc và từ sự phụ thuộc đó mà phải làm theo kỳ vọng của người khác, nên chọn cách tập độc lập về vật chất sau đó là tinh thần.

Cũng có những con người không cảm thấy họ thiếu tự chủ, nên việc nhận từ người khác không khiến họ cảm thấy bị đè nặng; ví dụ chị gái tôi là một người rất giỏi, rất tự chủ, độc lập, nên chị ấy cũng chẳng cần cảm thấy phải từ chối điều gì từ ai cả. Còn qua lời kể của chị Nguyệt cũng như quan sát tương tác giữa anh Bình và bé Vy, mình có thể cảm thấy phần nào sự tương đồng ở sự thiếu tự chủ trong bản thân mình, trong con trai chị Nguyệt, và trong cô bé ấy.

>> Trầm cảm – sát thủ vô hình

Tôi từng học ở tất cả các trường bố mẹ muốn, rồi đi Mỹ cũng là định hướng của bố mẹ, học Quản trị Kinh doanh cũng thế. Tôi học được, nhưng sẽ không làm được, vì đó không phải cái mình muốn học hay muốn làm. Cậu trai nhà chị Nguyệt cũng vậy, từ cấp 1 lên cấp 3 em học ở ngôi trường quốc tế gia đình đưa em vào, sau đó nhà em định hướng em sang Mỹ. Tôi tin đó không phải điều em muốn hay tự nhìn thấy có ý nghĩa gì trong đó, nên tới một lúc em sẽ không thể chịu nổi nữa.

Tôi cho rằng ở thời điểm lớp 11 khi em nói không muốn đi học nữa, có lẽ thay vì vội vàng đưa em sang Mỹ thì gia đình có thể tìm hiểu tại sao em lại có suy nghĩ như vậy, và khuyến khích em thành thật với cảm xúc của mình, chia sẻ mà không cần sợ hãi điều gì. Khi chị Nguyệt nói em ở trong trại tập huấn thấy vui, và còn chủ động nói muốn ở lại lâu hơn, tôi thấy thật mừng và tin rằng em đã thấy thật tuyệt khi được tự ra quyết định đó.

Trong bốn ngày trị liệu, thỉnh thoảng một người bạn lại nhắc lại một phép so sánh: Con người cũng giống như cái cây. Từ nhỏ tới lớn em phát triển theo một cái khung đã định sẵn, nên em không phát triển tự nhiên được. Cứ có cành cây mọc ra ngoài khung sẽ bị uốn lại, hoặc nó cứ vươn ra thì lại được đặt cọc vào để chống cho nó không gãy, thế nên cành cây này rất yếu. Khi gặp gió gặp bão nó sẽ không chống chọi được. Tôi thấy điều đó thật đúng.

Một người cũng nói với tôi rằng tình yêu thương có thể rất nhiều, nhưng phải biết yêu thương đúng cách. Cũng giống như cái cây em đưa cho anh, thực ra để nó sống tốt cần phải biết tưới bao nhiêu nước là đủ. Mỗi cái cây cần được chăm sóc khác nhau, phải biết quan sát nó để biết nó cần gì, không phải cái cây nào cũng cần nhiều ánh sáng, tưới đẫm nước. Có những loại cây ưa bóng râm, và chỉ thích ít nước thôi. Con người cũng như vậy, không có một công thức nào cả. Vậy mới có câu “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình.”

Gần đây có một đoạn tôi đọc được về những thứ có thể xảy ra cùng một lúc, trong đó có một câu khiến tôi nhớ, đó là cùng một lúc cha mẹ có thể yêu thương bạn rất nhiều, nhưng cách làm của họ có thể khiến bạn bị tổn thương.

Tôi biết bố mẹ yêu mình nhiều lắm lắm, và tôi cũng vậy. Tôi chỉ nghĩ rằng bây giờ đã là thời điểm để giải quyết các khúc mắc với nhau để mọi người có thể yêu thương nhau đúng cách hơn, và như vậy thì sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn, phải không?

>> Trầm cảm vì ‘tiêu chuẩn người dưng’

Sau khi đọc xong cuốn sách vào lúc 2h sáng nhủ nhật, tôi đã mang nó cho bố mẹ đọc với hy vọng rằng bố mẹ có thể hiểu được thế hệ của mình hơn. Và các bạn biết gì không?

Tối hôm qua bố đã gọi điện cho tôi bảo sang nhà ăn cơm và bố đã kể chuyện cho tôi nghe, nhiều chuyện lắm, từ tuổi thơ của bố ra sao, nhà ông bà nội ngày xưa như thế nào, toàn những thứ tôi chưa bao giờ biết.

Cả tôi và bố, người ngồi kể, người ngồi nghe, thỉnh thoảng lại lấy tay quệt nước mắt. Có lẽ bố thì xúc động vì nhớ lại chuyện ngày xưa, còn tôi thì muốn khóc vì chẳng nhớ lần cuối hai bố con ngồi nói chuyện tâm sự với nhau là bao giờ, và sao mình cảm giác chẳng biết gì về bố thế này.

Bao nhiêu lâu nay, giờ con thì gần 30 tuổi, bố thì đã ngoài 60, mới coi như bắt đầu tìm hiểu về nhau.

Nhưng muộn còn hơn không, chắc chắn là như thế, các bạn nhỉ.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Chi P. Vũ

Dạy con nhường bạn khi bị cướp đồ chơi

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *