Tại sao nhiều cha mẹ đánh mắng con mất kiểm soát?

Một người cha nếu lúc nhỏ bị đánh mắng, bạo hành sẽ “trả đũa” lên con cái mình.

“Tôi không thể nào bày tỏ với ai được bởi nếu có nói thì có lẽ không ai tin mà sẽ nói tôi là một người mẹ tồi. Mỗi khi con làm sai điều gì thì tôi lại điên cuồng đánh con hay mắng con với những lời lẽ không thể kiểm soát nổi. Và gần đây khi con lớn hơn, con bắt đầu nói ra những điều tệ về con khiến tôi vô cùng day dứt.

Tôi biết rằng tôi đang làm tổn thương con ghê gớm và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con về sau. Nhưng tôi không thể kiểm soát được. Khi cơn giận bốc lên, tôi như trở thành một người khác. Tôi rất đau lòng và thấy tồi tệ khủng khiếp về bản thân mình”.

Có thể ai đó nhìn vào sẽ phán xét bạn rằng tại sao bạn lại có thể đánh mắng như vậy. Có thể ai đó sẽ khuyên bạn rằng phải biết kiểm soát mình, nhưng là người cha người mẹ, chắc hẳn bạn đang rất dằn vặt và rất muốn cố gắng thoát ra khỏi sự giận dữ, dằn vặt đó.

Mọi hành vi hay cảm xúc của con người đều có những động cơ hay lý do thúc đẩy sâu xa bên trong. Để hoá giải được thực sự thì ta cần phải tìm hiểu gốc rễ động cơ hay lý do đó là gì.

Chẳng hạn, một người cha hay mẹ đã từng lớn lên trong một gia đình bị bạo hành, bị chỉ trích trong suốt tuổi thơ, thì bên trong luôn chứa đựng tích luỹ những ức chế dồn nén.

Theo thuyết 8 cơ chế phòng vệ của nhà phân tâm học Freud, một trong những cơ chế phòng vệ là sự phóng chiếu. Nghĩa là nạn nhân bị tổn thương sẽ tìm một đối tượng khác để đổ sự tổn thương của mình lên người đó, biến người kia trở thành nạn nhân chứ không phải là mình.

Và thông thường, trẻ em là nạn nhân đầu tiên dễ bị phóng chiếu nhất, bị trút lên vì do quá bé, yếu đuối cả về thể chất lẫn tinh thần, không có khả năng phản kháng. Việc đứa trẻ bị ức chế mà không thể phản kháng, đôi khi dẫn đến đứa trẻ muốn chấm dứt, kết thúc chính mình, để kết thúc nỗi đau mà nó buộc phải chịu, không có cách nào thoát ra.

Có thể chính thế hệ ông bà – là cha mẹ của những người cha mẹ đó cũng đã từng bị tổn thương, ức chế, nên đã vô thức phóng chiếu lên con của mình. Để sau này, những đứa con đó trở thành cha mẹ bây giờ lại phóng chiếu lên con của họ cũng một cách vô thức không thể kiểm soát.

Một câu nói mà tôi thấy đúng và xót xa là: “Khi một đứa trẻ bị cha mẹ chỉ trích hay đánh chửi, thì nó không dừng yêu thương cha mẹ mình mà nó dừng yêu thương chính bản thân nó”.

Trẻ em hiểu sự yêu thương một cách rất thuần khiết. Yêu thương là nâng niu, chăm sóc, chứ không phải là la mắng, chỉ trích, đánh chửi. Nếu đứa trẻ không được đối xử yêu thương theo cách này thì tâm trí nó bị nhiễu loạn, hoang mang về tình yêu thương.

Đến cha mẹ mình còn không yêu mình, không thấy giá trị của mình thì có nghĩa là mình không đáng được yêu thương, không có giá trị. Đó có thể là tổn thương tâm lý khiến cho một số người sau này luôn thấy trống rỗng bên trong, luôn đi tìm sự công nhận từ bên ngoài hay không thể kết nối, cảm nhận được tình yêu thương với người khác, thậm chí với chính đứa con của mình.

Nếu có lúc nào đó định đánh con, ta hãy tự hỏi: “Việc mình sắp đánh con là để phạt, dạy con hay để trút sự uất giận trong mình lên con, đứa trẻ bé nhỏ này của mình?”.

Bài thực hành để đánh giá mức độ tức giận của bạn: Nếu thang điểm từ 0-10 (10 là cao nhất) thì cảm giác tức giận trong bạn là bao nhiêu điểm? Rồi nhìn lại sự việc đó trên thực tế thì lẽ ra cảm giác tức giận của mình nên là bao nhiêu điểm?

Ví dụ: Nếu bạn thấy tức giận đến 9, mà thực tế việc đó chỉ đáng tức giận đến 5, thì khoảng cách giữa 9-5=4, 4 điểm đó có lẽ là do những ức chế, tức giận do nguyên nhân khác nữa. Vậy nguyên nhân sâu xa đó là gì? Đó là những tổn thương từ quá khứ dồn nén hay chỉ do những căng thẳng của cuộc sống hiện tại mà ta đang trút lên con, một đứa trẻ không có khả năng phản kháng lại ta.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Giang Kate

Chiến thuật giúp tôi trị con lười ăn, không tự giác học bài

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *