Bảy cách giúp cứu trợ bão lụt hiệu quả

Miền Trung lũ lớn, ào ào các đoàn từ thiện hướng về, ai cũng nôn nóng muốn làm điều gì đó nên gom hàng hoá là chạy ngay.

Nhưng vì không nắm bắt hết tình hình nên bên cạnh nhiều đoàn làm rất tốt, cũng không có ít đoàn hiệu quả thấp, thậm chí gây thiệt hại cho mình. Là người trong cuộc tôi xin được chia sẻ vài kinh nghiệm.

Thứ nhất, xác định thời điểm đi là lúc nào để mang hàng hoá, lực lượng đi kèm và phương tiện di chuyển phù hợp. Đừng để đoàn nào cũng mì gói, mì gói đến ngộp.

– Đỉnh lũ: Cần cano, thuyền lớn, xe tải trọng lớn, gầm cao mới có thể đi và vượt được sóng lớn không bị lật thuyền. Hàng mang theo nên: mì gói, lương khô, nước uống, sữa, bánh chưng, áo phao, đèn pin, thuốc men, thuyền phao thêm ít quần áo càng tốt.

Và nhất định các bạn đi cứu trợ phải tự mang theo áo phao, áo mưa chứ địa phương không thể có để cho các đoàn mượn. Lực lượng đi cứu trợ phải trẻ khoẻ, nhanh nhẹn tháo vát, có sức chịu đựng và biết bơi lội.

– Lũ đang rút: Có thể đi thuyền nhỏ, xe nhỏ – hàng mang theo: mì gói, trứng, sữa, nước uống, gạo, dầu ăn, đèn pin, áo quần, thuốc, dụng cụ y tế và tiền mặt. Lực lượng đi cứu trợ độ tuổi trung niên có thể tham gia cùng thanh niên.

– Lũ đã rút: Vẫn rất cần xe ôtô gầm cao để di chuyển. Xe gầm thấp đường trơn khó vượt chướng ngại vật. Lúc này nên các vật dụng sinh hoạt nhiều hơn như: giày dép, chăn mền…

Nhất là tập vở, sách giáo khoa đồng phục học sinh cho các trường học và đặc biệt là tiền mặt giúp bà con sửa sang lại nhà cửa. Lúc này thì tất cả các độ tuổi có thể tham gia . Rất cần xác định địa điểm nào đáng giúp nhất, và ít đoàn tới nhất để có hiệu quả cao.

Thứ hai, biết là gấp rút khó có thể gom được đủ hàng cứu trợ , nhưng hãy lựa chọn những mặt hàng có chất lượng. Đừng vì số lượng mà quên đi chất lượng. Lúc đói cần ăn nhưng cũng cần bổ dưỡng. Mì gói, gạo cần hàng chất lượng tốt, gạo cũng nên ít nhất 150 nghìn đồng/ 10kg . Áo quần thì nên loại mới là tốt nhất, nếu áo quần cũ thì cũng chọn hàng tốt.

Thứ ba, cần phải xác định trước nơi đoàn đến thôn, xã hay huyện? Tìm hiểu kỹ tình hình ngập lụt đang thế nào để lên phương án di chuyển phù hợp. Tất các phương tiện di chuyển cần phải được chuẩn bị trước, đến nơi là có sẵn – chứ không nên đến nơi mới bắt đầu tìm vừa chờ lâu, vừa bị động. Chưa kể nhiều đoàn cùng đến một lúc sẽ không có thuyền.

Thứ tư, các đoàn nên liên hệ với chính quyền xã, huyện và người dân nơi bạn đến cứu trợ. Khi đang đỉnh lũ ít đoàn đi, bạn chọn nơi ngập sâu để đến, nhưng khi lũ rút và sau lũ thì các đoàn đến rất nhiều. Có những nơi khi bạn xuất phát thì chưa có đoàn nào đến nhưng khi bạn đến nơi thì đã có rồi. Có những nơi ba bốn đoàn cùng đến trong một ngày, nhưng những nơi khác lại không có đoàn nào tới.

Liên hệ với chính quyền để nắm thông tin. Đồng thời đến nơi khi phát quà cũng nên tranh thủ hỏi vài ba người dân nơi đó thực tế họ đã được nhận những gì. Vừa qua có những nơi địa bàn xa khó di chuyển, không phù hợp lịch trình của các đoàn, những nơi ấy bà con phải chịu đói dài ngày tội lắm.

Thứ năm, tài xế và lái thuyền trong ngày lũ nhất thiết phải những tay lái lành nghề nhiều năm có kinh nghiệm- muốn an toàn cho đoàn phải thuê tài xế chuyên nghiệp . Dùng xe nhà, người nhà để tiết kiệm là không nên. Lúc đỉnh lũ nhất thiết lái thuyền phải có kinh nghiệm chục năm trở lên. Xác định ghe thuyền mình phải thuê , chính quyền xã không hỗ trợ được khâu này. Nhưng có thể nhờ họ hoặc người địa phương tìm thuê dùm ghe và tài uy tín, chất lượng.

Thứ sáu, chia sẻ để có thông tin cho mọi người, các đoàn nào đã đi đến đâu, giúp đỡ được những gì cho người dân nơi đó lên trang mạng để các đoàn khác biết , tránh chồng chéo hoặc nơi có nơi không. Đồng thời các bạn ở mỗi đoàn, mỗi tỉnh cũng nên chia sẻ nơi nào mua các loại hàng hoá giá sỉ tốt nhất để mọi người cùng biết.

Thứ bảy, đi cứu trợ là vất vả rồi, nhưng các bạn chú ý thái độ của mình. Đi để sẻ chia, giúp đỡ chứ không phải ban ơn. Kèm theo quà tặng là lời động viên và đừng quên mang thêm nụ cười.

Đối với chính quyền địa phương, chúng ta nên hợp tác để có thể giúp cho người dân được tốt nhất, vì họ cũng vất vả lắm. Có những người cán bộ địa phương trực lũ cả tuần không được về, dù chính nhà họ cũng đang bị ngập.

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Hoàng Thị Thu Hiền

Bão lũ miền Trung - lên kịch bản đối phó dài lâu

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *