Từ thiện dài hạn – VnExpress

Tôi suýt xỉu khi đọc đến quy định phải có “tiền vốn” 2,5 tỷ đồng tương đương 110.000 USD mới được lập quỹ từ thiện.

Luật sư Khanh Huỳnh đang sống ở Mỹ, chia sẻ bài viết về quyên góp tiền từ thiện:

Quyên tiền từ thiện là một việc thường xuyên trong xã hội phát triển. Mỗi ngày, những phần cơm từ thiện, những cửa hàng 0 đồng, những phần quà cho trẻ em vùng xa, chương trình “cơm có thịt” đều là từ thiện. Vậy thì cơ chế hoạt động của những việc này là gì? Và tại sao khi có thiên tai bão lũ thì người Việt Nam lại đem chuyện làm từ thiện ra bàn cãi rồi lại trách móc những người nổi tiếng?

Làm từ thiện thì cần phải có tổ chức. Ở Mỹ có các tổ chức phi lợi nhuận, họ được lập ra để làm một việc gì đó mà không nhằm đem lại lợi nhuận cho những người “góp vốn”. Một phần của các tổ chức này là làm việc từ thiện: Họ gây quỹ bằng cách kêu gọi cộng đồng đóng góp và đem tiền để mua những thứ cần thiết đem đến cho những người cần dùng.

>> Vì sao Thuỷ Tiên quyên góp được 150 tỷ đồng?

Điểm chung của tất cả các tổ chức phi lợi nhuận là họ phải công khai tài chính hằng năm, trong đó có toàn bộ chi tiết những nguồn thu chi, mua cái gì và phát cho ai. Bảng thu chi đó được công khai và họ phải nộp bản kê khai đó cho cục thuế. Nguyên vì các tổ chức này được miễn thuế nhưng họ phải nộp bảng kê khai để cho cục thuế nắm rõ là các tổ chức này không có tư lợi cho ai cả.

Điều này chính là khung luật pháp cho phép người Mỹ có thể yên tâm khi góp tiền cứu trợ thiên tai hay cho bất kỳ mục tiêu từ thiện nào khác. Sở dĩ ca sĩ Thủy Tiên được nhiều người tín nhiệm là cũng chỉ vì cô ấy công khai toàn bộ mọi thu chi, bao gồm ai góp bao nhiêu, rút ra khỏi ngân hàng bao nhiêu, mua hàng hóa gì và phát tới chỗ nào. Người quyên góp chỉ cần biết nhiêu đó là ổn.

Ở Mỹ các ngôi sao cũng tham gia từ thiện rất nhiều. Họ có thể kêu gọi gâp quỹ cho một tổ chức từ thiện đã có sẵn và mời họ tới làm đại diện, hoặc họ cũng có thể lập sẵn một quỹ từ thiện, thuê người làm việc hằng ngày và khi có thiên tai thì kêu gọi góp quỹ và cho các nhân viên đem đồ đi cứu trợ. Ông bà Mark Zuckerberg and Priscilla Chan cũng có Quỹ Chan Zuckerberg, họ vừa cho tiền quỹ này từ tiền túi của họ, vừa quyên góp thêm của các vị đại gia khác và dùng quỹ gây được cho các mục đích từ thiện.

Có vẻ như trở ngại lớn nhất của việc “lập một tổ chức từ thiện” ở Việt Nam là vốn: phải có 2,5 tỷ đồng mới lập được tổ chức từ thiện. Đó là khoảng 110.000 USD, một con số rất không nhỏ, nhất là khi so với thu nhập ở Việt Nam.

Có lẽ đó chính là nguyên nhân mà ở Việt Nam chưa có nhiều tổ chức từ thiện được thành lập và sẵn sàng hay thường xuyên hoạt động. Những người nổi tiếng tất nhiên cũng muốn dùng danh tiếng của mình để cứu trợ, và trong hoàn cảnh đó thì họ buộc phải hành động.

>> Giải cứu hàng từ thiện

Cái mà luật pháp có thể cho phép là thay đổi các quy định về việc thành lập tổ chức từ thiện. Giả sử như quy định đó là chỉ cần một người đứng tên, không cần “vốn tối thiểu”, và giấy phép được cấp trong vòng 20 ngày, thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Ca sĩ Thủy Tiên có thể ngay lập tức lập Quỹ từ thiện Thủy Tiên rồi để đó, khi cần làm từ thiện thì dùng Facebook có tích xanh của cô kêu gọi quyên góp, sau đó dùng tiền quyên góp mua hàng chở ra nơi cần thiết. Tất nhiên là mọi thu chi sẽ được kiểm toán, hóa đơn công khai như những gì Thủy Tiên đã làm, và không ai phải lo lắng chuyện mấy đồng hảo tâm của mình nó đi đâu.

Điều đó cũng có nghĩa là một người như tôi có thể lập được một tổ chức từ thiện nhưng e là sẽ không ai thèm góp cho cái quỹ từ thiện của tôi, bởi không ai biết tôi là ai. Vì vậy, việc cho phép các cá nhân lập tổ chức từ thiện không gây ra nguy hiểm nhiều, bởi họ phải tự tạo dựng uy tín trước thì mới có thể kêu gọi quyên góp.

Việc phải luật hóa việc quyên góp và chi tiêu tiền từ thiện là cần thiết, bởi việc lợi dụng hành vi từ thiện mà trục lợi thì cũng nhiều, mà hậu quả để lại thì nghiêm trọng hơn cả hành vi ăn cắp thông thường. Ăn cắp tiền của một người yên ổn là chuyện lớn, ăn cắp tiền của những người gặp nạn là chuyện rất lớn.

Khung luật pháp để quyên tiền từ thiện sẽ đóng một vai trò đa phương: Bảo vệ người góp tiền, bảo vệ người gặp nạn cần phải được cứu trợ, và bảo vệ người đứng ra quyên góp. Tạo điều kiện dễ dàng để thành lập các tổ chức từ thiện và công khai chi tiêu là một cách để đạt được mục tiêu này.

Khanh Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Sống trên trần nhà vì lũ lụt miền Trung

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *