Những người sinh ra từ tay trắng

Tiền bạc, lối suy nghĩ và cách thức tiếp cận với kiến thức là những rào cản lớn với những người sinh ra “không có điều kiện”.

Gần đây có nhiều chuyện xảy ra làm tôi thay đổi suy nghĩ và cách tiếp cận với cuộc sống. Việc thay đổi mindset thường là kết quả của một quá trình dài với nhiều giờ suy nghĩ và nhiều chuyện xảy ra. Bởi khi lượng thay đổi đủ nhiều sẽ dẫn tới sự thay đổi về chất.

Trước khi nói về quyết định này, tôi muốn kể những sự việc, con người đã dẫn tôi tới sự thay đổi này. Tôi tin rằng nếu biết được những câu chuyện đằng sau đó, bạn sẽ thấy những suy nghĩ mình đưa ra thuyết phục hơn nhiều.

Tôi của trước đây hai tháng, là một người khá an toàn. Kế hoạch cuộc đời, nếu không có gì thay đổi, thì tôi sẽ kết hôn vào năm sau, có một cuộc sống ổn định, an toàn và không nhiều sóng gió. Tôi có thể sẽ thành người phụ nữ của gia đình.

Công việc kinh doanh vẫn được duy trì, vì sẽ không quá bị áp lực nên tôi sẽ chầm chậm mà làm thôi. Tất nhiên lựa chọn đó là một sự đánh đổi. Sự ổn định và an toàn đó được đánh đổi bằng những thỏa hiệp nhất định về tính cách, lối sống và sự tự do. Rồi chúng tôi chia tay. Mọi kế hoạch cuộc đời đổ bể và sẽ cần phải xây lại từ đầu. Ai cũng nghĩ tôi có cuộc sống tự do, nhưng hóa ra lúc đó tôi không có nhiều lựa chọn đến thế.

>> Những người trẻ ‘trầm cảm cười’ vì chuẩn mực xã hội

Tôi có một người bạn. Chị nói trong vài năm tới chị sẽ cố gắng duy trì công việc hiện tại để có tiền trả góp căn hộ mới mua. Sau khi trả nợ xong, có thể sẽ mất vài năm, chị sẽ có một sự đảm bảo về tài chính.

Khi đó chị sẽ bắt tay vào làm những chuyện chị đã dự định từ lâu như chuyển ngành qua marketing, không còn làm tuyển dụng nữa, hoặc đi học makeup để theo đuổi con đường làm beauty vlogger.

Tôi đã gặp những người sinh ra đã có mọi lựa chọn trong tay. Nhưng cũng có những người phải tự mình nỗ lực để cho bản thân có thêm quyền lựa chọn.

Gần đây tôi gặp gỡ một người có hoàn cảnh sống hoàn toàn khác mình. Nếu ở ngoài nhìn vào sẽ thấy bạn đó giống chàng trai “quốc dân” của mọi cô gái, ngoại hình sáng, thông minh, thú vị, gia đình có điều kiện và đạt học bổng tiến sĩ khi còn rất trẻ. Bạn chỉ ở Sài Gòn một thời gian, chúng tôi đã là bạn rất vui vẻ và chỉ vậy thôi.

Khi tôi kể câu chuyện này cho một người bạn thân thì được nhắc nhở rằng. Đi chơi vui vẻ thì được nhưng đừng tính tới chuyện nghiêm túc, vì thực tế những người xuất sắc như vậy sẽ không dành cho mình đâu.

Tôi sẽ phù hợp hơn với những người có background và hoàn cảnh sống bình thường như mình chẳng hạn. Điều mọi người hay gọi là môn đăng hộ đối. Phải nói rằng tôi biết rất rõ bạn nói vậy vì rất thương tôi, chỉ muốn điều tốt đẹp cho tôi thôi. Rằng bạn không muốn tôi lại bị tổn thương bởi những sự “chênh lệch” cũng đã từng xảy ra trong quá khứ. Vì ai đó đã từng nói “con bé đó không xứng”. Nghe hơi buồn nhỉ nhưng thực tế diễn ra như vậy.

Tất nhiên nghe lời nhắc nhở của bạn bè mình có buồn xíu nhưng nhiều hơn là là cảm giác bực mình muốn chống lại số phận. Rốt cuộc thì vấn đề chỉ nằm ở tiền bạc thôi phải không? Vậy mình muốn biết nếu một ngày tiền bạc không còn là rào cản nữa thì mình thực sự có những lựa chọn gì?

>> 30 tuổi không có nổi 300 triệu đồng

Ngoài ra cũng có những rào cản khác nữa ngăn cản chúng ta khỏi những lựa chọn trong cuộc sống mà tôi muốn nói đến một chút ở đây.

1. Rào cản tiền bạc

Việc không có nhiều tiền ảnh hưởng khá nhiều tới quyết định của chúng ta. Nhiều người đã kết hôn cũng chỉ vì người kia mang lại sự an toàn về tài chính. Kiểu như “em không cần làm gì cả anh sẽ lo cho em cả đời vậy”.

Nhưng thực sự tôi muốn biết rằng, khi có thể kiếm đủ tiền để hoàn thành những nghĩa vụ tài chính với gia đình, để có thể ăn ở bất kỳ nhà hàng nào mình muốn, thử bất kỳ trải nghiệm nào mới hay đặt chân tới bất kỳ địa điểm nào mình muốn đến, nếu mình hoàn toàn độc lập và tự tin về tài chính. Liệu khi đó mình sẽ có những lựa chọn gì?

2. Rào cản suy nghĩ

Nếu ta có thể thoát khỏi những suy nghĩ, định kiến chung mà xã hội thường hay áp đặt thì cuộc đời ta chắc sẽ thi vị hơn đó. Không phải cứ tới 30 tuổi là phải lấy chồng, đàn ông phải thế này, phụ nữ phải thế kia.

Đừng biến chính những suy nghĩ trở thành nhà tù của chính bạn. Hãy thử mở lòng hơn, bớt định kiến lại, dùng tư duy phản biện, và chừa lại một phần cho vô thức thử xem. Hầu hết sự sáng tạo đều bắt nguồn từ vô thức mà.

3. Rào cản kiến thức

Trong tập mới nhất của một chương trình truyền hình, có khách mời là diễn viên Thanh Hoa – người đóng vai phản diện rất thành công trong bộ phim Hai Phượng. Năm 27 tuổi chị mới bắt đầu đi học lại lớp 6 vì hồi nhỏ gia đình quá khó khăn, đến năm 38 tuổi chị có được tấm bằng đại học cho riêng mình.

>> ‘Tuổi 30 không có nổi 300 triệu tiết kiệm là do tiêu hoang’

Những người trải nghiệm họ hiểu rằng bằng cấp và kiến thức quan sẽ mang lại cơ hội rộng mở thế nào trong cuộc sống. Nếu học lên Master, đi du học hay thử một chuyên ngành mới thì biết đâu có những cơ hội thú vị sẽ đến với mình?

4. Rào cản ngoại hình

Một người bạn tâm sự rằng chị ấy muốn đi phẫu thuật thẩm mỹ một bộ phận trên cơ thể. Không phải vì bạn quá tự ti gì về cơ thể của mình đâu. Đơn giản vì chị cảm thấy tự tin và có nhiều cơ hội rộng mở hơn khi chị trở nên đẹp và sexy một chút.

Lúc đầu mình cũng không tán đồng lắm đâu vì mình nghĩ chị như vậy là đủ đẹp rồi. Ngoại hình không phải là điều quan trọng nhất nhưng nó có tạo ra ảnh hưởng nhất định. Nếu việc trở lên đẹp hơn mang lại cho chị nhiều lựa chọn hơn trong công việc và cuộc sống thì tại sao không chứ?

5. Rào cản không gian và thời gian

Điều tuyệt nhất của một freelancer mà tôi sẽ không bao giờ đánh đổi là sự tự do về thời gian và không gian. Dù bạn có nhiều tiền nhưng thời gian của bạn bị cố định trong giờ hành chính và công việc yêu cầu bạn phải ở một thành phố cố định thì điều đó sẽ giới hạn lựa chọn của bạn khá nhiều.

>> Quy tắc 4-4-4 để không hối hận tuổi 30

Vì là một freelancer nên tôi có thể tham gia những sự kiện diễn ra trong ngày. Tôi cũng có thể chuyển tới một thành phố khác sinh sống mà vẫn có thể làm việc từ xa.

Trong những rào cản kể trên mình nghĩ điều lớn nhất vẫn là vấn đề tiền bạc. Dù cũng từng là người quen với áp lực nhưng bản thân mình trước giờ vẫn thỏa hiệp với những điều bình bình (good enough), tôi thực sự rất muốn biết nếu không còn phải quan tâm tới tiền bạc thì cuộc sống của mình sẽ gặp được những cơ hội hay con người như thế nào.

Adele Doan

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Tuổi 32 chưa có nhà vì lúc trẻ xài hoang

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *