‘Cạch mặt’ đồ nhựa trước khi phân loại rác

Thay vì cứ loay hoay kêu gọi phân loại rác, điều đơn giản hơn bạn cần làm ngay là hạn chế tối đa việc dùng đồ nhựa mỗi ngày.

Chia sẻ quanh câu chuyện “Xả rác có tâm“, nhiều độc giả VnExpress ủng hộ quan điểm hạn chế tối đa việc dùng đồ nhựa loại thay vì để lược rác thải nhựa tràn lan rồi mới lo phân loại:

Từ ba năm nay, khi đi làm, tôi luôn mang chai nước theo để đựng nước uống. Khi đi chợ, tôi cũng chủ động mang theo túi nylon, hộp và túi vải để đựng. Rác sinh hoạt, tôi đựng trong túi nylon sinh học. Mỗi người ý thức một chút, chủ động một chút là có thể hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường.

Theo tôi thấy, những bác U50, U60 rất khó thay đổi hành vi sử dụng túi nylon này. Mỗi lần đi chợ, họ lại túi to, túi nhỏ. Mặc dù đã tuyên truyền ở phường rất nhiều nhưng không thay đổi được. Nhiều lúc, tôi cảm thấy, ngay từ ban đầu, khi vật liệu nhựa, túi nylon du nhập vào Việt Nam, chúng ta nên cấm hoặc có biện pháp hạn chế sử dụng thì tốt biết bao.

Kelvin.nguyenkmb

Lạ nhất là rất nhiều quán cà phê cho khách uống tại chỗ nhưng vẫn dùng cốc nhựa (vốn chỉ thích hợp để mua mang đi). Điều này có thể có lợi cho người bán (đỡ mất công rửa) nhưng lại rất có hại cho môi trường. Còn nói về khoản ống hút nhựa, chẳng hiểu từ bao giờ phát sinh ra việc dùng ống hút nhựa – vốn chỉ là dụng cụ thích hợp để sử dụng khi hút nước đựng trong các hộp giấy (như hộp sữa…) hoặc cùng lằm từ các cốc đồ uống mang đi. Đi uống nước ngoài hàng mà thấy có ống hút này, tôi đều yêu cầu trả lại không dùng.

Le Anh Hoang

Tôi cũng ngày ngày mang theo bình giữ nhiệt khi mua cà phê mỗi sáng, cầm theo hộp ở nhà đi mua cháo cho con và mang bình nước đi theo mỗi khi mua nước dừa để uống khi đi làm.

Chồng tôi mở quán xôi cũng dùng là chuối để gói và đựng trong túi giấy kèm muỗng gỗ cho khách, cố gắng hạn chế rác thải nhựa tốt nhất có thể. Chung tay bảo vệ trái đất cần lắm những người như vậy.

Ngathupham

Tại đất nước tôi ở, mặc dù rất sạch sẽ và ít ô nhiễm, nhưng mọi người đều được khuyến khích hạn chế xả rác nhựa. Tôi đi chợ, có cái túi vải mua hai đôla đựng mọi thứ vào đó. Ở đây ai dùng túi nylon, siêu thị hoặc cửa hàng sẽ tính thêm khoản phí năm cent cho mỗi túi. Rác nhựa đúng là vấn nạn và nếu không hạn chế con cháu chúng ta sẽ lãnh đủ.

Tdventilation

>> Tôi nhất quyết không lấy ông hút, túi nilon khi mua đồ uống

Gia đình tôi cũng như vậy: Sáng đi làm, tôi cho nước vào bình giữ nhiệt. Lúc nào trong cốp cũng mang theo một, hai hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa chịu nhiệt để dựng xôi, bánh cuốn nếu vội quá không ngồi ăn ở quán được. Khi muốn ăn vịt nướng, tôi cũng mang hộp đựng đi chứ không lấy hộp xốp ngoài quán. Thức ăn sống mua về chia vào các hộp nhựa, rau củ hoa quả cũng được đựng vào các hộp nhựa chuyên dùng. Tủ lạnh nhà tôi không bao giờ có một túi nylon nào. Nhà tôi hạn chế sử dựng nylon và đồ dùng một lần tối đa có thể.

Nguyễn Hoàng Huy

Xả rác đúng nơi chưa đủ, phải dùng sao cho ít rác mới ổn. Đi siêu thị, tôi không lấy túi, mua bánh thì mang theo hộp, mua bánh mì cầm tay mang về. Tôi cũng cố mang theo túi để tái sử dụng nhiều nhất có thể và sử dụng rau củ quả thừa bỏ gốc cây làm phân bón tự nhiên… Tuy mọi người nhìn tôi với ánh mắt lạ lùng nhưng chung quy cũng là vì nhân loại.

Định Mệnh

Tôi nghĩ nếu chỉ dựa vào ý thức mỗi người để giảm nylon nhựa sẽ không bao giờ đem lại kết quả. Chúng ta nên làm từ gốc, đó là hạn chế ngành sản xuất túi nylon, đánh thuế nhập khẩu túi nylon cao… Nguồn cung hạn chế thì cơ sở kinh doanh phải tìm cách khác thay thế, cũng như người dân thay vì mua túi nhựa giá cao thì sẽ chuyển qua giỏ tre, mây…

Đặng Văn Tùng

Việt Thành tổng hợp

>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên?Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Không dùng ly, ống hút nhựa - ý nghĩa hay chạy theo phong trào?

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *