Chỉ số đam mê của người thầy

Thiếu đam mê với nghề giáo, người thầy chỉ là thợ dạy, giảng bài máy móc và thờ ơ.

Dịp chuẩn bị khai giảng năm học, tôi được mời đến nói chuyện cho giáo viên tại một trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội. Chủ đề là kỹ năng truyền cảm hứng của giáo viên trong nhà trường.

Buổi trao đổi khá thú vị với nhiều ý kiến, nhiều chia sẻ và cũng không ít trăn trở. Ai cũng hiểu rằng, sẽ không thể có một giờ học cuốn hút nếu giáo viên không truyền được nhiệt huyết, hứng thú của mình cho học sinh. Nguyên lý “chỉ có những gì đi từ trái tim của mình mới đến được trái tim người khác ” luôn đúng trong lĩnh vực giáo dục.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, làm sao giáo viên có được cảm hứng để “chuyển lửa” sang học trò của mình. Trên thực tế, nguồn cảm hứng chỉ có thể được tạo nên với nhiều điều kiện, trong đó quan trọng nhất là sự đam mê của người thầy.

>> Thời công nghệ, giáo viên bị soi mói thái quá?

Các nhà tâm lý học nói nhiều đến chỉ số PQ (Passion Quotient), chỉ số thể hiện niềm yêu thích, sự tận tâm của mỗi người với công việc mình đã lựa chọn. Virender Kapoor, tác giả cuốn sách “PQ chỉ số đam mê” đã cho rằng, đam mê là trạng thái của con tim, là ngọn nguồn sinh ra năng lượng cực mạnh, đam mê định hướng, giúp chúng ta được là chính mình.

Đối với người thầy, đam mê sẽ khiến họ hết mình khi lựa chọn nghề giảng dạy. Mỗi buổi lên lớp, với người thầy giàu đam mê sẽ là một cách tạo động lực cho chính mình và cho học sinh. Đam mê cũng sẽ giúp người giáo viên có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh. Thiếu đam mê, người thầy sẽ biến mình thành con người công cụ, làm việc một cách thụ động, thờ ơ.

Do đó, đam mê nghề nghiệp có thể được coi như là điều kiện tiên quyết để người thầy hình thành cảm hứng tích cực không chỉ cho bản thân. Có biết bao tấm gương của những người thầy khiến cộng đồng mạng xúc động.

Hơn 40 thầy giáo ở trường tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An bám trường ở nơi có “nhiều không”, không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch, không đường đi, không trạm xá, không cây xăng, không có cả những điều kiện thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Vậy mà họ vẫn chẳng nề hà, bền bỉ gieo con chữ, khai sáng cho những đứa trẻ đang đói tri thức ở chốn “thâm sơn cùng cốc”. Rõ ràng chỉ có đam mê mới tạo nên sức hút kỳ diệu, giữ chân những người thầy ở lại và gắn bó với nơi đây.

Đam mê cũng cần gắn với trách nhiệm. Bởi nếu thuần đam mê sẽ chỉ giải phóng được nguồn nội lực của mỗi cá nhân. Thêm trách nhiệm, nó sẽ khích lệ, giải phóng cả những năng lượng tích cực ở người khác. Một người thầy giàu đam mê và trách nhiệm sẽ ảnh hưởng đến học sinh cả đời. Học sinh học từ người thầy không chỉ là kiến thức mà còn ở chính nhiệt huyết đối với công việc.

>> Tôi bị thầy giáo phạt đứng trên tổ kiến vàng

Ai đó đã nói rằng “Giáo dục làm con người trở nên tốt hơn, phát huy thiện hạnh của nhân cách. Đổi mới phương pháp gì cũng chẳng bằng tấm lòng thầy cô”. Sẽ may mắn cho ai được học với những thầy, cô luôn tâm huyết với nghề, toàn tâm, toàn ý vì học sinh thân yêu. Biết bao thế hệ học trò đã lớn lên, đã gặt hái được nhiều thành công khi được nuôi dưỡng, giáo dục từ những trái tim đầy đam mê và trách nhiệm ấy.

Đam mê và trách nhiệm cũng cần được nuôi dưỡng để gia tăng những giá trị tích cực trong người thầy, để con trẻ sẽ cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Sự nuôi dưỡng đó trước hết là của chính người thầy trong nỗ lực chuyển hoá niềm khát vọng thành sự hứng thú trong mỗi giờ lên lớp.

Nhưng niềm đam mê cũng cần được phát triển trong một môi trường văn hoá trong lành. Ở đó, mỗi giá trị và cống hiến của người thầy luôn được ghi nhận. Trên con đường khẳng định chính mình, sẽ có đôi lúc người thầy chợt sẩy chân, lỡ bước, cần lắm một sự thông cảm, sẻ chia từ cộng đồng, từ các bậc cha mẹ học sinh.

Mong rằng sự tôn vinh người thầy sẽ không chỉ trong ngày 20/11. Hãy xây dựng trong mỗi trái tim học trò một tượng đài bền vững về hình ảnh người thầy. Hãy để những giá trị tốt đẹp được trao truyền qua những bài giảng đầy nhiệt huyết, giàu sáng tạo từ người thầy. Hãy sát cánh cùng người thầy để thắp lên ngọn lửa đam mê trong chính các thế hệ học trò.

TS Nguyễn Thị Hường

(Học viện Hành chính Quốc gia)

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Tôi muốn ngăn cản khi ai đó định làm giáo viên

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *