Chủ quán bánh xèo bạo hành trẻ mồ côi

Tôi thắc mắc rằng chẳng lẽ suốt thời gian bà chủ quán đánh đập cậu bé, không ai phát hiện ra?

Ở quê, tôi có đứa cháu họ sinh năm 2002, học không giỏi nhưng cũng không dở. Cách đây ba năm, mẹ cháu đột ngột qua đời vì bệnh nặng. Ba cháu hay đi làm tăng ca đêm vì thế bà nội phải lên nhà cháu ở, để tiện bề cơm nước cho hai cha con.

Nhưng bà chăm cháu thì không thể bằng mẹ chăm con. Kể từ lúc ngôi nhà thiếu vắng bàn tay coi sóc của người vợ, người mẹ thì chuyện học hành của cháu cũng xuống dốc không phanh. Nhiều đêm ba cháu không về nhà.

Cháu nghiện game, trốn học, lêu lổng. Rồi chuyện gì cũng đến, cháu rớt lớp 10 công lập. Đến đây có hai lựa chọn: hoặc đi học trường tư thục xa nhà hoặc theo cha vào xưởng làm công nhân. Bà con cả họ hay tin đều động viên, khuyên nhủ, giúp đỡ lẫn tiền bạc và công sức. Xốc dậy tinh thần hai cha con và động viên cháu muốn làm công nhân cũng phải có bằng cấp ba rồi hẵng tính. Vừa rồi cháu đã tốt nghiệp và đang học một trường cao đẳng cơ khí ở TP HCM.

Nhưng trên đời có nhiều hoàn cảnh không được may mắn như đứa cháu họ của tôi. Và cũng tưởng rằng câu chuyện cậu bé ở Cà Mau bị vợ chồng chủ đầm tôm bạo hành dã man đã làm thức tỉnh nhiều người, nhưng thỉnh thoảng việc trẻ em bị đánh đập, bạo hành lại bị phát giác và khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Ngày hôm qua cũng có một câu chuyện như thế: Mẹ mất sớm, cha bị tâm thần, Trương Quang Duy, 14 tuổi, bỏ học theo anh chị ra Bắc Ninh làm thuê cho quán bánh xèo, bị bạo hành đến mức phải bỏ trốn. Đây là hoàn cảnh của cậu bé làm thuê bị đánh đập khiến dư luận bức xúc. Bà chủ khai với cơ quan chức năng rằng bà ta đánh Duy vì “lười làm việc, ở bẩn và hay ăn vụng”.

Một cậu bé mồ côi mẹ lúc mới 5 tuổi – không nhớ nổi mặt mẹ, cha bị tâm thần phân liệt, anh em phải tha hương làm việc thì quả thực đã khác một trời một vực với một đứa trẻ cùng độ tuổi có hoàn cảnh bình thường.

Ở độ tuổi đó, đứa trẻ nào cũng ham chơi hơn ham học. Chưa nhận ra cái gì là tốt và cái gì là xấu cho mình. Nhưng nếu có sự rèn giũa, đốc thúc của cha mẹ thì nơi em đến mỗi ngày phải là trường học chứ không vì học hành sa sút rồi phải đi phụ quán bánh xèo để kiếm miếng ăn.

Vì thế, lời khai đánh đập cậu bé 14 tuổi vì lười làm việc, ở bẩn và hay ăn vụng của bà chủ quán chỉ là những lời ngụy biện cho bản tính hung hăng của mình. Tôi thắc mắc rằng chẳng lẽ suốt thời gian bà chủ quán đánh đập cậu bé, không ai phát hiện ra? Thực khách không hay biết thì hàng xóm cũng phải biết chứ?

Mỗi người có một hoàn cảnh và số phận khác nhau. Chính sự cảm thông và chia sẻ giữa người với người làm nên sự vận hành của xã hội này. Nhưng có đôi khi người lớn chúng ta lơ là với những số phận và hoàn cảnh đáng thương như thế thì khác gì đã vô tình đẩy những đứa trẻ mồ côi vào đời với biết bao giông tố.

Tôi chợt nhớ đến một phần câu văn mở đầu truyện ngắn Sau đêm vũ hội của nhà văn người Nga Lev Tolstoy: “Con người không thể tự mình hiểu được điều gì tốt, điều gì xấu, rằng mọi việc phụ thuộc vào môi trường xã hội, mà môi trường xã hội lại ăn mòn ta…”.

Tuấn Lương

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Đòn roi chỉ tạo nên những đứa trẻ vô cảm

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *