Quảng cáo du lịch ‘sai lệch’ khiến du khách một đi không trở lại

Hình ảnh, video quảng cáo du lịch không hề thấy lều lán nhếch nhác, nhà cửa lộn xộn, rác thải… có thể khiến du khách bị sốc khi đến nơi.

Trong mắt một người đi du lịch, người thường hay đi đó đi đây thì cảnh quan nơi mình đến, nơi mình đi qua là quan trọng nhất. Trong mắt người đi du lịch theo tour, thì quan trọng nhất là cảnh quan sẽ thấy và những sự kiện diễn ra trong chuyến đi có đúng như quảng cáo của bên bán tour, hoặc đúng với tưởng tượng của du khách hay không.

Ai cùng từng háo hức khi nghe quảng cáo và xem những tấm ảnh chói nắng về Bãi Cát hồng ở Mũi Né, tưởng rằng mình sẽ có cảm giác như đứng ở sa mạc Sahara ngay chính nước mình. Tuy nhiên khi đến nơi thì thấy bãi cát cũng lớn nhưng chưa bát ngát như tưởng tượng. Khu đồi cát Bầu Trắng lớn hơn nhiều, khi đứng phía dưới thấy cũng hùng vĩ, nhưng khi trèo lên đỉnh thấy vẫn còn nhỏ.

Khi nghe giới thiệu du lịch vùng Sapa với đỉnh Hoàng Liên, với cảnh núi non hùng vĩ ai cũng thấy rất hấp dẫn nhưng đến nơi thấy thành phố chật chội đông đúc, chợ búa xô bồ không khác dưới xuôi, thì sự hấp dẫn bị giảm sút, không còn hay như quảng cáo hoặc như tưởng tượng của du khách trước đó.

Trong các vùng du lịch ngắm cảnh ở nước ta có lẽ vùng hang động Sơn Đoòng là nơi được bảo vệ tốt và rất bài bản nên còn giữ được nguyên vẹn và gây ấn tượng mạnh cho du khách. Vùng núi phía Bắc với Hà Giang, Cao Bằng là những vùng còn gây ấn tượng tốt cho du khách, không gây cảm giác sai lệch nhiều giữa quảng cáo với thực tế.

Sự sai lệch về cảm nhận của du khách giữa quảng cáo với thực tế là do trong quảng cáo không có các hoạt động của con người mà chúng ta có thể thấy rất rõ như:

– Trong quảng cáo không bao giờ có ảnh bãi rác bên đường, rác trên cây, rác dưới suối, không có mùi của rác rưởi, của phân trâu phân bò và không có ruồi nhặng.

– Trong quảng cáo không thấy lều lán nhếch nhác, nhà cửa lộn xộn ở nơi đến, ở ngay di tích thắng cảnh, quanh khách sạn hoặc nơi lưu trú.

– Trong quảng cáo không có người bán hàng chặt chém khách, không có người bán hàng rong đeo bám chèo kéo khách.

– Trong quảng cáo không nói về sự quá tải của di tích, thắng cảnh.

Cuối cùng không thể không nhắc tới là chất lượng dịch vụ, thái độ đối xử với du khách tại điểm đến có thể rất khác giữa quảng cáo hoặc hình dung của du khách với thực tế.

Chính các hoạt động của con người nơi thực địa này mới gây ấn tượng mạnh cho du khách. Du khách nước ngoài thăm rừng Cúc Phương thấy rừng nguyên sinh cũng hay, nhưng ấn tượng mạnh khi thăm khu cứu hộ gấu, nơi hàng trăm con gấu được “giải cứu” về. Họ sửng sốt hơn nữa khi chứng kiến cảnh người dân chặt cây, xẻ gỗ ngay trong rừng hoặc thản nhiên giết thịt các loại thú có tên trong “sách đỏ”.

Chính những hoạt động trên thực địa này là nguyên nhân chính níu chân du khách hoặc khiến lữ khách một đi không trở lại. Chúng ta có thể bỏ nhiều tiền để thuê quảng cáo du lịch trên thị trường quốc tế, nhưng nếu khách chỉ đến một lần và không quay lại thì hiệu quả cũng thấp và nhiều khi còn phản tác dụng.

Nguyễn Tiến Hiệp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Du lịch Việt nhàm chán do sản phẩm không được đầu tư chất xám

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *