Chiếc bè chuối trong cơn lũ lịch sử

Hình ảnh một số thầy giáo ở huyện miền núi Quảng Bình dùng bè chuối vượt lũ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho học sinh khiến tôi trăn trở.

Cách đây không lâu, khi cơn đại hồng thuỷ ở miền Trung vừa kết thúc, truyền thông liên tục đăng tải hình ảnh một số thầy giáo ở một huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình dùng bè chuối để vượt lũ ra ngoài tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nhà trường, học sinh. Người ta ca ngợi tinh thần quả cảm, lòng yêu nghề, đồng thời phản ánh những khó khăn, vất vả mà các thầy cô ở vùng lũ phải chịu đựng.

Quả thật, tôi và rất nhiều khán giả khác vô cùng khâm phục tấm lòng tuyệt vời của các thầy cô nơi đây. Thế nhưng khi xem xong những hình ảnh đó, trong tôi bỗng dấy lên những băn khoăn. Tại sao đã chuẩn bị bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21 mà các thầy cô vẫn phải sử dụng một phương tiện đường thủy thuộc vào loại thô sơ và cổ xưa nhất để đối phó với thiên tai khắc nghiệt?

Chẳng lẽ ở một vùng mà thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lụt mà các cơ quan chức năng ở địa phương không trang bị được cho một ngôi trường dễ bi cô lập, chia cắt bởi nước lũ, một chiếc thuyền, một chiếc ca nô hay một chiếc xuồng cao su, xuồng gỗ? Hay ít ra, trong trường hợp này lực lượng phòng chống lụt, bão của địa phương không thể chi viện cho nhà trường một phương tiện khả dĩ hơn chiếc bè chuối hay sao? Ai cũng biết, chiếc bè chuối là một trong những phương tiện đường thuỷ mà hiệu quả sử dụng và tính an toàn vô cùng thấp.

Hàng năm, dù là ở các tỉnh khó khăn nhưng ngân sách đầu tư cho giáo dục nói riêng và của toàn xã hội vẫn là rất lớn. Trong đó, chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất chiếm một tỷ lệ khá cao. Vậy nhưng, tại sao ở những vùng thường xuyên bị thiên tai như Quảng Bình (hay một số tỉnh miền Trung khác) người ta không tính đến một hạng mục đầu tư đó là trang bị các phương tiện giao thông thuỷ phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị?

>> Bão lũ miền Trung – ‘đừng chỉ giải quyết phần ngọn’

Theo tôi được biết, nếu chúng ta đầu tư một chiếc thuyền, một chiếc ca nô hay một chiếc xuồng composite, cùng lắm cũng chỉ vài ba chục triệu đồng. Đây là một số tiền rất nhỏ so với tổng mức đầu tư cho cơ sở vật chất một trường học hay một trụ sở cơ quan nào đó. Chúng ta thường nói đến phương châm phòng chống thiên tai với khái niệm “”bốn tại chỗ” (gồm chỉ huy, nhân lực, phương tiện vật tư và hậu cần). Trước sự biến đổi của khí hậu, thiên tai ngày càng khốc liệt, khó lường, nếu chúng ta không chủ động trang bị những phương tiện đủ tốt mà chỉ trông chờ vào lòng quả cảm thì khó lòng mà ứng phó có hiệu quả được.

Tôi nhớ cách đây vài chục năm về trước, ở quê tôi cũng hay xảy ra bão lụt. Mặc dù kinh tế lúc đó cũng rất khó khăn nhưng nếu có tình huống lũ lụt thì việc trong một thôn xóm cần huy động vài ba chiếc thuyền gỗ để phục vụ công tác chống lũ lụt là khá dễ dàng. Chưa có trường hợp nào phải sử dụng đến bè chuối cả.

Thiết nghĩ, các thầy cô ở vùng quê thường xuyên đối mặt với thiên tai không ai muốn nổi tiếng bằng những hình ảnh như vậy. Chỉ mong sao những người có trách nhiệm hãy quan tâm hơn, có tầm nhìn và những quyết sách đúng đắn cho chiến lược đối phó lâu dài và hiệu quả với thiên tai. Để cho những hình ảnh các thầy cô phải lênh đênh với bè chuối trong cơn nước lũ sẽ không còn xuất hiện.

Lê Quảng Đại

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Tầm nhìn sống chung với lũ

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *