‘Ngoại binh V-League nâng tầm hậu vệ Việt’

Việc các đội V-League lạm dụng ngoại binh có thể hạn chế đất diễn của các tiền đạo nội, nhưng lại là cơ hội để nâng tầm hậu vệ Việt.

Thời điểm gần đây, mỗi lần tập trung đội tuyển quốc gia là một lần HLV Park Hang-seo lại ca thán về việc các CLB lạm dụng tiền đạo ngoại nên không có nhiều đất diễn cho các tiền đạo nội. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của tôi, vấn đề này cũng có nhiều điểm tích cực.

Những năm 90 là thời kỳ đầu kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với thế giới. Ngoại trừ Thái Lan, các nền bóng đá trong khu vực ĐNA vẫn đều là không chuyên. Giải vô địch quốc gia năm ấy vẫn chưa lên chuyên nghiệp và chưa áp dụng chính sách cho phép sử dụng những cầu thủ nước ngoài. Đó cũng là thời điểm mà lứa cầu thủ vàng như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Đỗ Khải, Minh Hiếu… làm mưa làm gió ở Việt Nam cũng như khu vực. Tuy vậy, khi ra đấu trường châu lục, họ không khác gì các cầu thủ học việc.

Tại vòng loại World Cup 1998, ĐT Việt Nam với lứa cầu thủ vàng đã thua hết cả sáu trận, trong đó có những trận thua rất đậm, ghi được hai bàn nhưng để thua tới 21 bàn. Những đối thủ ngày ấy, ngoài Trung Quốc vẫn đang là một thế lực thực sự ở châu Á, những Turkmenistan và Tajikistan vẫn chỉ là hai nền bóng đá tầm trung bình ở châu lục.

Có lần tôi đi xem ĐT Việt Nam đấu với ĐT Turkmenistan tại sân Thống Nhất, đội bóng của chúng ta hoàn toàn bị lép vế cả về thể hình, thể lực và khả năng tranh chấp với đối thủ. Những hậu vệ trứ danh ngày ấy như Đỗ Khải, Công Minh đều bị tiền đạo đội bạn dễ dàng vượt qua, còn những tiền đạo như Huỳnh Đức cũng luôn bị “đè đầu cưỡi cỗ” trong vòng vây hậu vệ đối phương.

Kể lại câu chuyện trên, không phải tôi có ý chê bai lứa cầu thủ vàng năm xưa dở hay tung hô lứa cầu thủ ngày nay tốt hơn, mà là tầm quan trọng của việc có các ngoại binh tham dự thi đấu tại các giải VĐQG. Nói về vấn đề này, tôi xin có một ví dụ nhãn tiền về giải Hạng nhất quốc gia. Thời kỳ giải đấu này vẫn còn cho phép ngoại binh (từ sau 2000 tới 2012) cũng là giai đoạn thịnh vượng nhất trong lịch sử. Đó là một giải đấu có tính cạnh tranh vô cùng cao và sự hấp dẫn không thua kém gì V-League cả. Đó cũng là giai đoạn những đội bóng lên – xuống hạng thường xuyên như Đồng Tháp, Thể Công, ACB… đều có tiềm lực và tham vọng rất lớn muốn trở lại V-League mỗi khi bị rớt hạng.

Tính cạnh tranh cao, cùng với tham vọng của nhiều CLB, đã kéo theo rất nhiều tuyển thủ quốc gia cũng luôn sẵn sàng chấp nhận rớt hạng cùng CLB. Chất lượng cầu thủ của giải Hạng nhất ngày ấy cũng khá tốt. Mỗi đợt tập trung, ĐT Việt Nam luôn có ít nhất hai, ba cầu thủ Hạng nhất được ăn cơm tuyển. Thế nhưng, kể từ năm cấm ngoại binh tham dự vì muốn “tạo điều kiện cho cầu thủ nội”, tính cạnh tranh và chất lượng giải đấu này giảm theo.

Giờ đây, giải Hạng nhất chỉ có rất ít những đội bóng có tiềm lực, còn lại chủ yếu là “đá cho vui” để giữ hạng. Các CLB V-League mỗi khi bị rớt hạng cũng gần như sẽ bị nhà tài trợ buông bỏ, các cầu thủ chủ chốt rời bỏ đội để tìm bến đỗ mới vì không muốn “kéo trình độ của mình đi xuống”, dẫn tới tình trạng éo le, các đội bóng luôn rơi vào trạng thái “rớt hạng không biết ngày trở lại”.

Xét về chất lượng cầu thủ của các CLB, trong khoảng năm, sáu năm trở lại đây, chỉ có hậu vệ Bùi Tiến Dũng là cầu thủ Hạng nhất được ăn cơm tuyển. Thậm chí, ngay cả những tranh cãi về chuyện “năm đánh một”, nguyên nhân một phần cũng đến từ các giải hạng dưới có chất lượng khá thấp, dẫn tới hai CLB từng thuộc đội trẻ của bầu Hiển là Sài Gòn và Hà Tĩnh không gặp quá nhiều trở ngại để lên thẳng V-League, dù tuổi đời các cầu thủ chỉ mới đôi mươi.

>> ‘Tuyển Việt Nam thiếu tiền đạo vì V-League làm dụng ngoại binh’

Trên thế giới, Turkmenistan cũng là một quốc gia đóng cửa với ngoại binh. Tuy nhiên, sau hơn chục năm, họ vẫn không có quá nhiều sự tiến bộ. Nếu như ngày trước, ĐT Turkmenistan luôn áp đảo Việt Nam trong các trận đối đầu thì ngày nay, họ không còn có thể áp đặt được chúng ta như ngày trước. Bằng chứng là trong trận đấu giữa Hà Nội FC vs Altyn Asyr tại AFC Cup năm ngoái, CLB Altyn Asyr đã phải chịu trận hoàn toàn ở lượt đi trước sức tấn công vũ bão của đội bóng thủ đô trên sân Hàng Đẫy. Họ cũng không thể áp đặt được lối chơi lên Hà Nội ở trận lượt về. Đáng nói CLB Altyn Asyr có tới bảy, tám cầu thủ đá chính ở ĐT Turkmenistan và đang là đương kim Á quân giải đấu này.

Với bóng đá Việt Nam, ngày trước các hậu vệ của chúng ta thường bị lép vế hoàn toàn khi tranh chấp với các cầu thủ nước ngoài, không chỉ là ngoài châu Á mà với cả các đội bóng trong khu vực. Thế nhưng, ngày nay, việc có ngoại binh thi đấu ở V-League khiến cho các hậu vệ của chúng ta luôn có cơ hội được rèn giũa theo hướng tích cực. Chúng ta dễ dàng có thể thấy những hậu vệ nội, kể cả không phải tuyển thủ quốc gia cũng đều có thể tranh chấp tốt với các ngoại binh – điều mà các thế hệ trước không làm được.

Vấn đề các CLB sử dụng ngoại binh nhiều ở vị trí tiền đạo cũng là xu hướng chung của bóng đá thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Tuy vậy, chúng ta vẫn có một số tiền đạo nội tốt và có lối chơi hiện đại như Tiến Linh. Mặc dù số lượng này không nhiều, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hài lòng. Cũng phải biết rằng, việc tìm kiếm một tiền đạo thực thụ trong bóng đá hiện đại như Lewandowski hay Harry Kane là vô cùng khó. Nhưng bù lại, việc các CLB dùng ngoại binh nhiều ở hàng công lại mang lại các hiệu ứng tích cực ở hàng thủ và có xu hướng dư thừa cầu thủ tốt ở vị trí này.

Tóm lại, việc so sánh giữa trước và nay cũng cho thấy xu thế hội nhập chung của bóng đá Việt Nam với thế giới là vô cùng quan trọng. Nên nhớ, chính sách áp dụng ngoại binh ở Việt Nam vẫn thuộc vào loại hạn chế nhất ở khu vực, thắt chặt hơn cả Lào hay Campuchia, vì thế cũng không có lý do gì để đổ lỗi chuyện thiếu tiền đạo nội vì V-League sử dụng quá nhiều ngoại binh. Cũng phải nói thêm, thực trạng này cũng chỉ ra rằng, phần lớn các tiền đạo Việt có trình độ không cao để có thể cạnh tranh với các tiền đạo ngoại. Đây sẽ là bài toán trong công tác đào tạo mà các đội bóng trong nước cần phải tự tìm ra lời giải.

Lê Toàn

>> Theo bạn, HLV Park nên giải quyết vấn đề tiền đạo cho đội tuyển thế nào? Chia sẻ tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Văn Quyết không phải tiền đạo đội tuyển Việt Nam cần lúc này

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *