‘Còn đâu nữa Đà Lạt mộng mơ’

Đà Lạt mất dần vẻ mộng mơ, đặc trưng của một nơi du khách được ăn ngon, mặc đẹp, dạo chơi thư thái trong cảnh vật diễm lệ, mát lạnh.

Quy hoạch TP Đà Lạt luôn khiến dư luận quan tâm, vì đây không chỉ là thành phố du lịch đơn thuần mà còn mang nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử đan xen nét đẹp thiên nhiên và phong cảnh. Nhiều độc giả chia sẻ sự ngỡ ngàng vì sự thay đổi của “thành phố sương mù”:

Năm 2005 tôi đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt. Đó là một Đà Lạt mộng mơ, nên thơ, đẹp đến nao lòng với những cung đường ngoằn nghèo, không khí trong lành, sương mai giăng lối, đường phố vắng vẻ, sạch đẹp. Tôi tự hứa sẽ phải đặt chân đến đây lần nữa.

Năm 2018 khi quay trở lại, cảm nhận của tôi về Đà Lạt không còn vẹn nguyên như xưa. Một bãi “chiến trường” đang được xây dựng, khung cảnh thanh bình đã rời xa nơi đây. Bây giờ một Đà Lạt mộng mơ trong tôi đã không còn. Thật tiếc.

Đỗ Kim Dung

Tôi đến Đà Lạt lần đầu năm 1994, thích thú vô cùng vì với tôi lúc đó nó như “khác lạ với phần còn lại của đất nước” vậy. Rồi sau đó là nhiều lần nữa, và lần cuối cùng là 2010. Lần đó tôi tự nhủ “đây có lẽ sẽ là lần cuối cùng, vì giờ nó không khác gì Sài Gòn, mà là một Sài Gòn đang xây dựng, bừa bộn và bụi bặm. Sau này nhiều người rủ rê nhưng tôi từ chối vì sợ rằng sẽ nhìn thấy một Đà Lạt còn xấu hơn phiên bản 2010.

Bui Hien

Trong khi đó, độc giả có nickname 3thang4 cho rằng thật mâu thuẫn khi nhiều người không muốn Đà Lạt phải như cũ, không phát triển:

Người Đà Lạt luôn muốn giữ lại đô thị như cũ, mọi người ở nơi khác cũng thế. Nhưng người Đà Lạt cũng cần có nơi ở rộng rãi, khang trang, hiện đại phù hợp với mức sống hiện tại chứ không phải trong những ngôi nhà nhỏ có một, hai phòng ngủ nằm chen chúc như xưa, hay những ngôi nhà đóng bằng gỗ thông.

Du khách đến Đà Lạt lưu trú cũng cần những căn phòng thoáng đãng, rộng rãi và tiện nghi và du khách ngày càng rất rất nhiều. Làm sao để đảm bảo tất cả đây? Điều mâu thuẫn này thật sự rất khó cho các nhà quy hoạch.

Tuy nhiên, độc giả Hien Nguyen lại cho rằng:

Đà Lạt hay Sapa hấp dẫn du khách không chỉ bởi thời tiết, mà còn ở kiến trúc, văn hóa. Nói chung là sự khác biệt. Nêu bây giờ biến Đà Lạt hay Sapa thành những thành phố với những cao ốc, trung tâm thương mại, khách sạn bề thế. Đi kèm với nó là bụi bặm, tắc đường như các thành phố khác thì chúng ta đã “bóp chết” dần dần Đà Lạt, Sapa.

Trước mắt có thể có lợi cho các nhà đầu tư nhưng về lâu dài chúng ta sẽ mất cả hệ sinh thái, không gian kiến trúc, văn hóa đặc sắc của vùng. Nếu không đủ trình độ quy hoạch chúng ta có thể thuê chuyên gia làm điều này.

Độc giả Secret Dalat đề xuất:

Đà Lạt nhất định phải là trung tâm nghiên cứu, giáo dục, nghệ thuật. Đặc biệt là trở thành khu bảo tồn nguồn gen động thực vật hiếm nhờ vào biệt đãi của thiên nhiên. Nếu tầm nhìn xa thì không nên phát triển du lịch đại chúng kiểu “bán không khí lấy tiền” như bây giờ nữa mà cần hướng đến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch mạo hiểm đúng nghĩa.

Độc giả Thành Nguyễn trăn trở và cho rằng cần xác định bản sắc của Đà Lạt là gì rồi mới tính chuyện quy hoạch, phát triển:

Lịch sử là một môn khoa học, khi nắm được lịch sử người ta sẽ thấu hiểu được hiện tại và có kế hoạch tốt cho tương lai. Bản sắc của Đà Lạt là gì? Là một tiểu châu Âu ở Đông Dương với những biệt thự nằm xen kẽ, lấp ló trong rừng thông. Người ta lên Đà Lạt là vì thế, chứ nếu vì không gian đô thị thì ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng đầy ra.

Tôi từng đến du lịch Đà Lạt vài ngày, không gian ở Chợ hoa Đà Lạt và Thung Lũng Tình Yêu làm tôi tự nhủ, cần phải ở thành phố này ít nhất là một tuần mới tận hưởng được nó.

Thế rồi đọc được những bài báo như Đà Lạt bị bê tông hóa, rồi Bãi rác Đà Lạt cháy hay chảy trôi xuống dốc… tôi nghĩ, có lẽ Đà Lạt mất bản sắc rồi.

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Quy hoạch Đà Lạt để không phải hối tiếc

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *