Vì sao một số nước phương Tây trì hoãn đóng cửa ngăn Covid-19?

Khi số ca Covid-19 vẫn đang tăng ở Thụy Sĩ, lãnh đạo một số bang vẫn từ chối thi hành các biện pháp thắt chặt, giãn cách xã hội.

Thụy Sĩ là một nhà nước liên bang bao gồm 26 bang, mỗi bang có quyền thi hành qui định riêng của mình về y tế, giáo dục, thuế… Nhà nước liên bang chỉ ban hành luật lệ chung trong một số lĩnh vực và trường hợp đặc biệt.

Thụy Sĩ có 4 ngôn ngữ chính thức: Ý (chỉ có duy nhất 1 trong 26 bang dùng ngôn ngữ này), Pháp (khoảng 6 bang), tiếng Latin cổ (2 bang rộng nhưng rất thưa dân) và còn lại là Đức. Nói cách khác, bang nói tiếng Đức – Thụy Sĩ chiếm đa số. Cuối tháng 10, dịch tăng mạnh có lúc lên đến gần 10.000 ca một ngày, tập trung chủ yếu ở bang nói tiếng Pháp.

Dưới áp lực quá tải bệnh viện và đề nghị từ liên bang, các bang nói tiếng Pháp lần lượt đóng cửa nhà hàng, đại học và các chương trình giáo dục sau phổ thông chuyển sang dạy online, quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách được thắt chặt ở nơi công cộng. Các bang nói tiếng Đức tỉ lệ vẫn thấp so với cả nước và không quy định gì nghiêm ngặt hơn quy định chung của liên bang. Đi lại giữa các bang không bị hạn chế.

Hơn một tháng, số ca giảm còn tầm 4.000 ca một ngày nhưng sau đó chỉ tăng hoặc giảm nhẹ chứ không thể tiếp tục giảm. Bang nói tiếng Pháp số ca giảm nhanh, bang nói tiếng Đức cứ từ từ leo dốc. Những bang trước thuộc diện tỉ lệ nhiễm thấp nhất cả nước giờ lại vinh dự chiếm ngôi đầu. Vài bang bắt đầu đóng cửa nhà hàng. Nhưng còn các bang khác vẫn tiếp tục các hoạt động kinh tế, giải trí bình thường, có chăng thì rút ngắn giờ đóng cửa từ 22h xuống 21h.

Liên bang đề nghị họ xem xét thi hành biện pháp cứng rắn, nhưng vẫn không có biện pháp gì đủ mạnh. Dường như cái nỗi sợ phải đóng cửa cái gì đó quá là đau đớn cho cả người lãnh đạo lẫn dân chúng. Nhà nước liên bang cũng mang nỗi sợ đó khi mà đầu tháng 11, một nhóm các nhà kinh tế học hàng đầu Thụy Sĩ đã kiến nghị lập tức giãn cách xã hội toàn quốc trong vòng vài tuần.

Cách làm đó sẽ giảm thiểu suy giảm kinh tế sau này cũng như giảm số ca tử vong và giảm tải cho bệnh viện. Nói nôm na như người mình là khổ trước sướng sau. Bài học của Ý hồi mùa hè khi lúc đầu chỉ cô lập thủ đô và một phần phía bắc, để cho rất nhiều người di tản xuống phía nam làm phát tán bệnh dịch trước khi đóng cửa toàn bộ đất nước.

Tôi nghĩ không phải chính quyền không được tham vấn. Họ biết bài học quá khứ, họ hiểu hoàn cảnh xấu nhất xảy ra và cái giá phải trả sẽ đắt như thế nào. Nhưng họ vẫn sợ phải một lần nữa đóng băng mọi thứ. Họ sợ những tiếng oán thán, sự cơ cực của những người bị ảnh hưởng. Và phải họ sợ đóng cửa là đầu hàng, là từ bỏ hi vọng về một cuộc sống bình thường, được gặp gỡ giao lưu giữa người với người.

Vậy nên họ chọn những biện pháp nhỏ giọt, cố trì hoãn những biện pháp khắt khe nhất và hi vọng rằng tình hình rồi sẽ cải thiện, sẽ ngày càng tốt hơn. Nhưng thực tế là mọi thứ dần dần tệ đi. Và rồi ai cũng phẫn nộ, cả người đã cố gắng hy sinh lợi ích cá nhân (các bang nói tiếng Pháp đã phải đóng cửa dịch vụ không thiết yếu cả tháng nay và đang ngóng chờ được mở lại vào 10/12), lẫn người chưa làm gì nhiều.

Sự sợ hãi và trì hoãn rất thông thường ở mức độ cá nhân. Ví như có người bỏ quê đi không dám quay về vì nghèo khó, đến khi tìm lại thì ba mẹ đã không còn. Ví như hôm nay chưa xong việc ta lại dây dưa đến ngày mai và sợ nếu sếp hỏi tiến độ công việc đến đâu rồi. Với cá nhân, ta biết ai phải chịu trách nhiệm. Mang tâm thế đó lên mức độ vĩ mô, hậu quả sẽ lớn hơn nhiều.

Tôi lại nghĩ đã có ví dụ nào trong lịch sử quyết sách của đất nước được người dân đồng thuận làm theo, chấp nhận hi sinh lợi ích cá nhân cho cái chung vì họ tin tưởng rằng có khổ trước sẽ tới sướng sau. Để làm được điều đó, chắc rằng mỗi người phải được dạy sự thành thật với chính bản thân mình. Thành thật nhìn nhận vào điểm tốt và chưa tốt, thành thật chấp nhận để tích cực cải thiện chứ không phải day dứt và đau khổ trong sự yếu kém và thất bại. Có như vậy, tập thể lãnh đạo sẽ có dũng khí để thành thật với bản thân, với người dân và thành thật thực hành những biện pháp cứng rắn để hạn chế mất mát trong dài hạn.

Bui Ha My

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *