Ngăn côn đồ đánh người sau va chạm giao thông

Chỉ trong chưa đầy một tuần, liên tiếp các vụ việc nữ sinh bị hành hung dã man sau va chạm giao thông, báo động nạn côn đồ đường phố.

Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ hành hung nữ sinh sau va chạm giao thông, gây búc xúc dư luận. Gần đây nhất, sáng 12/12, một nữ sinh lớp 7A2, trường THCS Chà Là (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) chạy xe đạp điện đèo bạn, va chạm với nữ công nhân đang đi bộ qua đường làm cả ba ngã nhào, xây xát. Thấy vợ bị tông ngã, Trần Văn Mẫn, 31 tuổi, lao ra đường đánh cô bé 12 tuổi tới tấp khiến em phải nhập viện. Trước đó không lâu, vào chiều 7/12, một nữ sinh 15 tuổi tại TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), cũng bị nam thanh niên 29 tuổi, Lê Tấn Thành, lao vào đá, đạp liên tiếp vào đầu và mặt sau va chạm giao thông.

Nữ sinh bị nam thanh niên đánh dã man sau va chạm giao thông.

Điểm chung của cả hai vụ việc trên là nạn nhân đều là những nữ sinh còn đang độ tuổi đi học, đều không may xảy ra va chạm giao thông trên đường để rồi bị những gã đàn ông trưởng thành ra tay thô bạo giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi tự hỏi, tại sao những kẻ như Mẫn và Thành có thể ngang nhiên dùng bạo lực tấn công những nữ sinh chân yếu tay mềm giữa chỗ đông người như vậy? Phải chăng chúng không hề run tay sợ hãi sẽ bị pháp luật xử lý vì hành vi đánh người? Hay chúng biết mình sẽ chỉ bị xử lý khi mức độ thương tổn gây ra cho đối phương đủ lớn, bất chấp ám ảnh về mặt tinh thần của nạn nhân nhiều đến đâu?

Tai nạn giao thông không phải chuyện hiếm gặp ở Việt Nam. Đánh nhau sau va chạm cũng thường xuyên diễn ra trên đường phố. Nhưng đó là cách mà nhiều người đàn ông lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn với nhau. Còn ở đây, vụ việc không dừng lại ở việc dùng nắm đấm giải quyết xung đột mà là đánh phụ nữ, đánh trẻ em. Đó là một hồi chuông đáng báo động cho một thực tế đã và đang manh nha lan rộng trong xã hội.

Vậy làm sao để ngăn chặn hành vi này tái diễn? Xin nhấn mạnh rằng, giáo dục hoàn toàn không thể áp dụng với những đối tượng đã ở tuổi trường thành cả về nhận thức và thể chất như những trường hợp nêu trên. Chúng ta chỉ có thể ngăn chặn hành vi côn đồ đó bằng luật pháp, bằng chế tài xử phạt. Theo tôi, phạt hành chính với các trường hợp thương tích nhẹ (như luật hiện hành quy định) không giải quyết được tận gốc vấn đề, không đủ sức răn đe với những kẻ có máu côn đồ. Có lẽ chúng ta cần tăng nặng khung hình phạt với những kẻ bạo hành trẻ em, phụ nữ giữa chốn đông người ở bất cứ mức độ nào. Đó là cách tốt nhất để khiến côn đồ chùn tay trước khi vung nắm đấm vào đồng loại.

Đánh người đã sai, đánh trẻ em hay phụ nữ (những đối tượng yếu thế luôn được xã hội bảo vệ) lại càng trái pháp luật, dù cho vì bất cứ mục đích gì, kể cả là mượn danh bảo vệ vợ mình (như vụ việc xảy ra ở Tây Ninh). Chỉ khi nào những kẻ côn đồ ý thức được rằng đánh người (dù bất cứ lý do, hay mức độ nào) cũng sẽ bị xử lý mạnh tay khi đó chúng mới thôi lạm dụng bạo lực để ức hiếp người khác. Chúng ta không thể cứ mãi để những nạn nhân mới bị hành hung rồi mới ra án phạt hành chính cho kẻ gây án, khi đó tính răn đe đã không còn đủ sức nặng và giá trị nữa.

Bất kể một vụ va chạm giao thông nào, người trong cuộc, dù đúng dù sai, cũng cần được bảo vệ. Chúng ta chỉ có thể giải quyết dựa trên quan điểm thượng tôn pháp luật chứ không thể mặc sức dùng vụ lực để trả đũa, trút giận lên đối phương. Đã đến lúc chúng ta cần có hành động quyết liệt hơn để bảo vệ phụ nữ, người già và trẻ em. Hơn lúc nào hết, côn đồ cần phải bị cách ly khỏi xã hội để cuộc sống người dân vô tội được yên bình.

Theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Bảo Nam

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Khách hàng quỳ gối, côn đồ lên ngôi
Tư tưởng nhịn chồng bạo hành để con có cha

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *