‘Sếp là trên hết’ – VnExpress

Tư duy sếp là trên hết tạo ra bệnh thành tích, làm thui chột và giảm sự năng động, sáng tạo của tổ chức.

Sau bài viết Sếp nào quân nấy, nhiều độc giả cho rằng người đứng đầu có vài trò quan trọng trong việc định hình văn hóa, tác phong làm việc ở cơ quan công quyền lẫn doanh nghiệp. Độc giả Nguyen Long chia sẻ:

Người thân tôi làm tiến sĩ ở Australia, giáo sư hướng dẫn là người uy tín trên thế giới và rất tận tình giúp đỡ và đánh giá cao bài của người thân tôi. Thế nhưng ông lại chọn người phản biện bài người thân tôi là người có uy tín và khó tính hơn ông. Kết quả là người thân tôi lên bờ xuống ruộng để có được bằng tiến sĩ.

Sau đó thầy hướng dẫn mới nói là làm như vậy thì học trò mới học được nhiều hơn. Người thân của tôi hiện rất trân trọng và cám ơn vị giáo sư ấy. Còn ở Việt Nam thì rất khác, miễn có bằng là được, không học càng tốt. Nên giảng viên càng nhiệt tình thì càng bị ghét bỏ.

Độc giả Daniel Tam cho rằng: Khách quan và minh bạch là hai yếu tố còn thiếu tại nhiều tổ chức đoàn thể tại Việt Nam, đặc biệt là khối tổ chức đoàn thể tại các cơ quan hành chính công. Tư duy quan điểm của sếp là trên hết, sếp là người quyết hết khiến mọi quyết định đưa ra đều thiếu tinh thần phản biện, không có sự sáng tạo. Phát sinh mâu thuẫn và giải quyết được mâu thuẫn là nền tảng cho sự phát triển.

Độc giả Peony Nguyen:

Tôi đồng ý rằng văn hoá của người đứng đầu “phủ bóng” lên văn hoá tổ chức. Tôi từng chứng kiến những cuộc đổi ngôi ở một doanh nghiệp lớn nơi mà khi thay người lãnh đạo cao nhất, văn hoá doanh nghiệp giàu bản sắc với hơn 50 năm hoạt động với hàng ngàn nhân viên đã bị đánh sập trong vòng một năm.

Có những sự thay đổi là cần thiết, nhưng đa số chỉ là để củng cố quyền lực và vị trí của bản thân. Và để cho sự khởi đầu nhiệm kỳ thật rực rỡ, họ sẵn sàng nguỵ tạo nên mọi thành tích. Không khó để nhìn thấy điểm cuối con đường họ đang đi sẽ kết thúc ở đâu.

Ở khía cạnh người lao động, ngoài những lương, thưởng, phúc lợi…thì việc thực lòng nể trọng được sếp của mình cũng là một hạnh phúc. Tiếc rằng hạnh phúc ấy khó tìm hơn lương, thưởng rất nhiều.

Một số độc giả cho rằng người đứng đầu định hình phong cách của tập thể:

Văn hoá doanh nghiệp chính xác là do người đứng đầu. Không chỉ riêng hệ thống của công ty Việt mà ngay cả các công ty nước ngoài. Cách truyền tải văn hoá doanh nghiệp xuống tất cả các cấp, phòng ban rất quan trọng.

Khác biệt ngôn ngữ là điều khó khăn khi truyền tải văn hoá. Như hai thế giới, nhân sự công ty một mặt đối với sếp lớn vẫn thể hiện đáp ứng các tiêu chí và kèm theo là phục vụ sếp hết mình nhưng đằng sau là một thế giới riêng của họ và họ tự chơi trong sân của mình.

Thi Huong trinh

Suy cho cùng “độ vênh” giữa sếp với nhân viên vẫn là sự trung thực, thậm chí là năng lực, đó cũng là căn nguyên chính dẫn tới sự kém phát triển của đất nước ta hiện nay.

Tác hại của sự không trung thực sẽ vô cùng lớn nếu nó xảy ra trên diện rộng, bởi vì khi đã gian dối thì bộ não của chúng ta phải tiêu hao một phần năng lượng (có lẽ là không nhỏ) để tạo ra và nhớ về sự gian dối đó, nếu không muốn bị phát hiện càng lâu càng tốt.

Ngược lại, trung thực thì không cần phải nhớ, thay vào đó sao không dùng năng lượng ấy để suy nghĩ về những điều tích cực hơn, đúng đắn hơn để phát triển. Vậy sự trung thực có góp phần nâng cao năng lực bản thân hay không, chắc chắn có, trung thực luôn gắn liền với năng lực, đó mãi luôn là điều cốt lõi mà bất cứ cơ quan hay tổ chức nào cần. Không sợ sai, chỉ sợ không trung thực.

Ở Trọ Trần Gian

Hữu Nghị tổng hợp

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Ai không biết nhậu mất 50% cơ hội thăng tiến

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *