Giáo dục ‘cồng kềnh’ vì những tư duy cũ

Phương pháp thi cử, kỷ luật học sinh cá biệt có phần lạc hậu chính là nguyên nhân khiến giáo viên và học sinh Việt thêm áp lực.

Chuyện thi cử ở ta vừa lạc hậu, vừa tạo áp lực không nhỏ cho học sinh và giáo viên. Phương Tây cũng có thi cử, nhưng bài thi của họ sắp xếp từ dễ đến khó. Bài thi khó của họ thuộc loại “đánh đố” rất cao, học sinh chuyên của ta cũng khó mà làm được. Khác với ta, thi cử của họ không nhằm vào chuyện đậu hay rớt, mà nhằm vào phân loại học sinh, sinh viên. Thi từ tiểu học lên trung học, lớp 9 lên lớp 10, lớp 12 lên đại học, họ cũng có điểm chuẩn và không chỉ một loại điểm chuẩn.

Nhiều người hỏi gần 100% đều đậu thì họ thi để làm gì? Câu trả lời là để giành học bổng. Thí sinh đạt điểm chuẩn cao nhất dành được học bổng toàn phần của năm nhất (năm sau xét học bổng dựa vào kết quả học tập của năm trước). Thí sinh đạt điểm chuẩn thấp hơn giành được học bổng bán phần (tra cứu tư liệu có bản quyền phải tự bỏ tiền túi ra thanh toán). Còn lại, tất cả đều phải đóng học phí.

Học phí của họ được chia làm nhiều loại, dễ nhận biết nhất là học phí địa phương và học phí ngoại tỉnh. Thí sinh cư ngụ tại địa phương nơi đại học đó tọa lạc chỉ đóng học phí tương đương với học phí học trung học. Thí sinh ở nơi khác đến học phải đóng học phí gấp nhiều lần học phí địa phương. Vì cha mẹ của thí sinh cư ngụ tại địa phương đó đã có đóng thuế cho địa phương, một phần thuế ấy được chính quyền phân bổ vào đại học đó (bất kể đại học đó là công hay tư).

Trong khi đó, thi cử để xác định “đậu – rớt” của họ là thi từng môn học, đạt thì tiếp tục học kiến thức tiếp theo, không đạt học lại thi lại kiến thức cũ cho đến khi qua môn. Đó là lý do đầu vào của họ rất lớn nhưng đầu ra chẳng có bao nhiêu. Hễ cứ nợ môn nào là tư cách tốt nghiệp sẽ bị trì hoãn. Không có ai cái gì cũng giỏi. Giỏi môn này không giỏi môn kia là bình thường. Trên lý thuyết, học phổ thông 12 năm, học đại học mất bốn năm nhưng rất nhiều người phải mất nhiều hơn thời gian đó.

>> ‘Giao bài tập về nhà là đẩy trách nhiệm cho học sinh, phụ huynh’

Còn ta, tất cả đều cào bằng. Cứ đúng “tuổi” là tốt nghiệp. Người ta đã giao cho máy tính chấm bài trong các cuộc thi cử từ lâu, còn ta vẫn chấm tay. Máy tính chấm bài thì sẽ không có thiên vị và đương nhiên không có “chạy điểm”, không có “khiếu nại” hay “xét vớt” gì cả. Giáo viên không phải làm công việc lặp đi lặp lại nhàm chán thiếu chất xám ấy. Nhiệm vụ của giáo viên sẽ chỉ là hướng dẫn học sinh, sinh viên, uốn nắn tư tưởng cực đoan, lệch lạc (nếu có), đề xuất bồi dưỡng môn mà học sinh ấy giỏi hoặc phụ đạo thêm môn mà học sinh ấy kém. Việc bồi dưỡng hay phụ đạo thêm do giáo viên khác thực hiện.

Khi học sinh vi phạm kỷ luật học đường, hình phạt thường dùng nhất là cấm túc (giam lỏng). Cấm túc có rất nhiều loại. Nặng nhất là cấm túc tại gia, học sinh đeo vòng điện tử, ra khỏi nhà bao nhiêu bước chân, cái vòng ấy sẽ báo cho cơ quan chức năng biết. Cấm túc tại nơi học gồm cấm túc có lao động công ích có người hướng dẫn và giám sát chất lượng công việc, cấm túc tại một căn phòng biệt lập nào đó với học sinh không được mang theo bất cứ sách vở hay đồ đạc nào. Nếu những hình phạt này không có tác dụng, học sinh sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng dành cho trẻ em chưa ngoan, mỗi tháng được về nhà một ngày. Tất cả những cái kể trên người ta đều có nghiên cứu tỉ mỉ, thử nghiệm thực tế, phản biện nhiều chiều, đúc kết ra biện pháp chính xác.

Còn ta, bao nhiêu năm qua, đã có các biện pháp giáo dục gì? Cái gì xã hội kêu quá, ngành giáo dục mới thay đổi, nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện những điều chỉnh ấy. Để chống gian lận thi cử, người ta nghiên cứu ra đề mở cho thí sinh tự do sáng tạo. Quan trọng là ý của thí sinh, còn tư liệu để thí sinh dùng làm cơ sở cho cái ý ấy thì có thể tra thoải mái. Với những cái cần phải học thuộc lòng, họ sẽ cho đề thi dễ nhưng giới hạn thời gian rất sít sao, dù có đem tài liệu vào cũng không tra cứu kịp. Chống mà không chống là ở chỗ đó. Cấm đoán nhiều chỉ phát sinh thêm tiêu cực, mất công kiểm tra, giám sát rất phức tạp và kém hiệu quả. Muốn cải cách giáo dục, chúng ta nên chăng phải cải cách lại chính bộ máy giáo dục trước?

Lâm

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Ngăn bạo lực học đường - không thể dạy hổ - nai chung một chuồng

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *