Phẩm giá ‘nghệ sĩ’

Nghệ sĩ là những người ‘đem ánh sáng vào bóng tối trong trái tim con người’.

Ca sĩ, diễn viên… chỉ là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, đó là tên gọi để định danh một nghề nghiệp. Chưa thể gọi họ là một nghệ sĩ. Nghệ sĩ là một “chức danh” – là chức phận về danh tính của một người, là sự ghi nhận một vị trí được tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức chính trị… hợp pháp, được công nhận. Ví dụ: dược sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú…

Như nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu đã từng trải lòng: “Bản thân tôi, chỉ đến khi được Nhà nước phong là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, tôi mới dám nhận mình là nghệ sĩ. Trước đó, tôi chỉ dám nhận mình là ca sĩ thôi. Tức, danh xưng “nghệ sĩ” là do quần chúng hoặc do công chúng ta thừa nhận chứ không phải vỗ ngực tự phong là thành nghệ sĩ được. Nếu ai mới hoạt động nghệ thuật, chưa có thành tích gì, chưa có cống hiến gì, chưa được ai công nhận… mà nhận mình là nghệ sĩ thì nền nghệ thuật sẽ loạn.

>> Hung dữ thì đừng làm nghệ sĩ

Để được gọi là nghệ sĩ đâu phải đơn giản như thế. Muốn trở thành người nghệ sĩ trong lòng công chúng, những người hoạt động nghệ thuật cần phải hội tụ đủ hai yếu tố: thứ nhất, trình độ chuyên môn, năng khiếu, thực tài, phải được đào tạo bài bản; thứ hai, phải có phẩm chất đạo đức tốt, lòng vị tha, lòng trắc ẩn, có ý thức đem nghệ thuật đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của đời sống tinh thần…

Robert Schumann là một nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức, là một trong những nhà soạn nhạc lãng mạn lừng danh nhất thế kỷ 19. Ông đã nói: “Đem ánh sáng vào bóng tối trong trái tim con người – đó là nghĩa vụ của người nghệ sĩ”.

Hay cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Ban đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung, nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông, suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng chỉ để sống, và hãy thả trôi những tị hiềm… Nhìn trời để thấy mình nhỏ bé trong vũ trụ vô biên, con người chỉ là hóa thân của một hạt bụi trong mênh mông trần thế. Nhìn đất để học cái hạnh tha thứ bao dung của đất. Đất nhận biết bao nhiêu là chất thải dơ bẩn của con người, nhưng lại chuyển hóa tất cả để lại nuôi sống mọi loài.

Kiến biểu hiện cho lòng kiên nhẫn. Người ta nói kiến tha lâu đầy tổ chẳng khác gì nước chảy đá mòn. Hình ảnh một đàn kiến bò luôn luôn giữ đúng đường đi còn gợi cho ta về sự nhẫn nhục. Nhẫn nhục làm nguôi sự giận dữ và bắt đầu cho sự tha thứ. Tha thứ trong ý thức con người nhỏ bé đối với vạn vật. Tha thứ trong ý thức quên mất cái ngã của mình. Cho nên sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi là thế…”.

Họ mới thực sự là nghệ sĩ lớn trong tâm thức của riêng tôi.

Nguyễn Kim Hoàng

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Nghệ sĩ hay giang hồ?

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *