Mầm họa từ việc khai báo y tế ở bệnh viện

Bắt khai báo y tế nhưng nhân viên bệnh viện chỉ dán cho tôi một chiếc tem chứng nhận mà chẳng buồn đọc thông tin trong tờ khai.

Hiện tại, Việt Nam đã có thể tạm thời coi như kiểm soát được dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, đó là tín hiệu đáng mừng từ sự nỗ lực của nhiều người, nhiều bộ ban ngành. Tuy nhiên, về vấn đề khai báo y tế tại các bệnh viện trong cả nước, tôi có cảm giác khá bất an khi dường như các cơ sở y tế chỉ làm cho có, cho đủ thủ tục. Cụ thể, thứ bảy vừa qua, tôi đến một bệnh viện lớn ở Sài Gòn, nổi tiếng về chất lượng dịch vụ y tế. Vì chất lượng khá tốt nên số lượng người đến khám bệnh tại đây luôn rất đông.

Trước khi vào khu vực khám bệnh, mọi bệnh nhân và người nhà phải thực hiện thủ tục kê khai dịch tễ theo chỉ đạo. Tuy nhiên, bệnh viện không sắp xếp bàn tiếp đón, kê khai theo khoảnh cách tối thiểu để đảm bảo an toàn. Tất cả từ người già đến trẻ nhỏ, từ nam đến nữ (cả người có bệnh và người khỏe mạnh) chen chúc nhau, tìm và giành từng tờ phiếu khai báo, trong khi chỉ có ba, bốn cây bút và một chiếc bàn nhỏ. Vậy là người người đều đứng sát vào nhau, kèn cựa để cố gắng điền thông tin sớm nhất có thể và được vào khám, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn.

Sau khi khai báo y tế xong, điều dưỡng sẽ nhận tờ thông tin rồi dán một cái tem lên áo và người đó có thể thoải mái bước vào bệnh viện mà chẳng buồn đọc tờ khai xem người đó có thuộc diện nghi ngờ nhiễm bệnh hay không? Giả sử, nếu trong số người kia, có một trường hợp nằm trong vùng dịch mà vẫn chen chúc với người khác rồi lọt vào bệnh viện đông người dễ dang như vậy thì hậu quả sẽ khôn lường thế nào?

Ngày hôm sau, tôi tiếp tục đến một bệnh viện công khác. Bệnh viện này cũng khá lớn, nhưng do nhà xe hạn chế, nên người tới khám bệnh sẽ phải gửi xe bên ngoài, xung quanh bệnh viện. Khi tôi vào khám, cũng phải khai báo y tế rồi dán tem chứng nhận lên áo. Nhưng khi ra về, vào chỗ gửi xe, tôi thấy chủ nơi giữ xe này cầm một bảng tem của bệnh viện, thản nhiên dán lên áo một cặp vợ chồng và đứa con nhỏ đến gửi xe mà chẳng bắt họ phải khai báo. Vừa dán, người này vừa cười nói: “Vậy là xong, khỏi rắc rối”. Còn vợ chồng kia cũng cười đáp: “Vậy thì đỡ quá”.

Tôi chạy xe ra khỏi bãi xe mà trong lòng cứ lẩn quẩn nhiều câu hỏi: Tại sao họ lại làm vậy? Tại sao một người giữ xe lại có được số tờ tem khai báo y tế đó? Chẳng lẽ bệnh viện không hề coi trọng việc khai báo, dán tem chứng nhận và chỉ là cho đủ thủ tục? Liệu trong số những người mà tôi tiếp xúc trong bệnh viện, có bao nhiêu người khai báo nghiêm túc, bao nhiều người “đi cửa sau” để lách luật?

Khai báo ý tế thực ra chỉ tốn chưa đầy năm phút, tại sao người ta vẫn cố lách luật? Việc phòng chống dịch bệnh lây lan hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Tôi thật sự rất buồn khi tận mắt chứng kiến cách người ta phòng dịch ở các bệnh viện – nới đáng lý ra phải an toàn và nghiêm ngặt nhất.

Tôi cho rằng, nếu các bệnh viện đã tổ chức triển khai khai báo y tế đối với bệnh nhân và người nhà khi đến khám chữa bệnh thì phải làm cho triệt để, không nên làm một cách nửa vời cho có như vậy. Ví dụ, khi khai báo y tế, nhân viên bệnh viện phải nhập thông tin lên hệ thống, xác định rõ từng trường hợp nào an toàn mới cho vào, rồi khi vào khám phải có kiểm tra kỹ xem người đó đã khai báo trung thực hay chưa…? Còn nếu làm kiểu chống chế cho đủ thủ tục như các bệnh viện hiện nay đang làm, thì tốt nhất nên dẹp bỏ, bởi nó vừa làm tốn thời gian, công sức, nhân lực, vừa chẳng đem lại giá trị gì, thậm chí còn làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Minh Pham

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Giám sát người cách ly tại nhà

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *