Con gái 7 tuổi yêu cầu tôi ‘ăn riêng’

Con gái tôi không uống ly của mẹ, không cho mẹ dùng chung muỗng, đũa, thức ăn phải để riêng, không gắp hộ.

Cô con gái 7 tuổi của tôi nhất quyết không uống ly nước của mẹ và không cho tôi uống bằng ly của con. Khi uống nước cam, nước ổi, trà chanh, trà sữa, con không dùng chung ống hút. Nếu tôi dùng cái đó rồi, con sẽ đi tìm cái khác hoặc uống mà không cần ống hút luôn. Muỗng và đũa trong bữa ăn của con, tôi cũng không được dùng, nếu tôi nhầm thì con sẽ không dùng nữa. Trong bữa cơm, tôi để riêng thức ăn cho con và con ăn trong phần chén dĩa đó. Chỉ cần tôi dùng đũa đang ăn để gắp đồ của con là sẽ bị bé phản ứng ngay. Bánh và trái cây của mẹ thì mẹ ăn, của con thì con ăn, con nhất định không dở. Tôi thường nói vui với con rằng: “Mẹ con mình ăn riêng”.

Nghe cách sinh hoạt này của mẹ con tôi, có vẻ nhiều người sẽ cho rằng không thân thiện, thiếu gắn bó. Nhưng theo tôi điều đó lại thật sự cần thiết sau đại dịch Covid-19 này. Không phải chỉ có gia đình tôi mà rất nhiều nhà có con nhỏ cũng đang có kiểu “ăn riêng” như vậy. Các bé khi đi mẫu giáo đã được dạy và thực hành mỗi ngày về vệ sinh cá nhân như: rửa tay bằng xà bông trước khi ăn, mang theo bình nước uống riêng, dùng riêng phần ăn, dùng khăn riêng để lau mặt lau tay… Còn cha mẹ cũng đều cố gắng giữ an toàn cho con cái trong ăn uống để tránh bị lây nhiễm khi người lớn có nhiều mối giao tiếp bên ngoài. Lúc đầu, việc này có vẻ khó khăn nhưng theo thời gian sẽ tạo thành nếp sinh hoạt mang tính riêng biệt cho các con và từng thành viên trong gia đình.

Có vẻ như bây giờ, ai cũng cảnh giác với sự lây nhiễm và luôn nghiêm túc bảo vệ sức khỏe của mình. Cô bạn tôi, khi đi ăn lẩu đông người ở quán, luôn tranh thủ gắp đầu tiên các món: rau, thịt, cá, mực… Sau đó, cô ấy ngưng ăn món đó luôn khi mọi người cùng đưa đũa vào gắp. Cô ấy sợ bị lây bệnh từ nồi lẩu, sợ những đôi đũa của từng người cùng nhúng, cùng gắp thức ăn trong đó. Không ai biết bạn ngồi ăn cùng với mình đang có bệnh gì, nếu không may bị bệnh thì thật không vui chút nào. Vậy nên cô ấy “nhanh, gọn, lẹ” cho an toàn. Chúng tôi cũng không thấy khó chịu vì điều đó.

Riêng nhóm bạn chúng tôi luôn quán triệt tinh thần an toàn khi ăn chung. Khi đi ăn đồ nướng, cháo, lẩu chung, nhất định phải dành riêng đũa, muỗng, vá múc, kẹp thịt… để gắp, để múc trong nồi hay trên vỉ nướng. Nước chấm cũng mỗi người một chén, không dùng chung. Lúc đầu, mọi người thấy có vẻ phiền phức, xa lạ, không vui. Nhưng vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho mình nên dần dần ai cũng thấy cần thiết và vui vẻ ăn như vậy.

Văn hóa ăn chung, uống chung đang dần dần thay đổi trong năm dịch bệnh này. Ai cũng cẩn thận, dè chừng và rất hạn chế ăn chung một chén, dùng chung một muỗng, uống chung một ly và thật sự ai cũng cảnh giác sợ lây bệnh từ đối phương. Các cụ già bây giờ không còn cằn nhằn vì con cái để đồ ăn riêng cho mình, cho các thành viên trong nhà. Bởi họ chính là đối tượng nhạy cảm nhất trong mùa dịch này. Các con, các cháu ở ngoài nhiều hơn ở nhà, tiếp xúc không biết bao nhiêu người, nên phải bảo vệ cho người già ở nhà cẩn thận là điều cần thiết. Ba mẹ tôi ban đầu cũng kêu ăn vậy không vui, thiếu tình cảm. Nhưng sức mạnh của truyền thông, của con cháu đã làm thay đổi tư duy của cụ.

>> Tôi bị kì thị vì ‘dùng đũa văn minh’

Không chỉ khi có đại dịch mọi người mới nên hạn chế việc ăn chung, dùng chung mà những bệnh khác cũng rất dễ lẫy nhiễm qua đường ăn uống. Dù biết vậy, nhưng ai cũng thấy ngại ngại khi ăn riêng, sợ làm vậy mất lòng, tạo khoảng cách trong giao tiếp, rồi tặc lưỡi “chắc không sao đâu” và cho qua. Sự dễ dãi khi nói “thôi kệ” gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe, mất thời gian đi khám bệnh, tốn tiền mua thuốc, chưa kể phải kiêng cữ, cách ly, kèm theo những lo lắng, bất an.

Mỗi cá nhân đều có mối quan hệ, giao tiếp, sinh hoạt riêng, chưa kể từng người có bệnh hoặc có mầm mống bệnh trong người mà không hề biết trước. Do đó, bất cứ ai cũng có thể lây lan ra dịch bệnh ra tập thể, cộng đồng. Ăn chung bát, chung đĩa từ lâu đã thành một lthói quen sinh hoạt từ bao đời nay của người Việt. Nhưng giờ có lẽ đã đến lúc chúng ta phải kiên quyết thay đổi. Ăn riêng, uống riêng, giữ an toàn trong sinh hoạt không phải là việc xấu, nó không phải là ích kỷ, cũng không phải là chỉ biết sống cho mình, mà là cách bảo vệ tốt nhất cho bản thân, và cho cả cộng đồng.

Xuân Bình

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Người Việt nên bỏ thói quen chấm chung nước mắm

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *