‘Xóa tội’ cho Panorama Mã Pì Lèng

Nhiều người cho rằng Panorama Mã Pì Lèng chỉnh trang sau vi phạm lại bề thế và làm xấu cảnh quan hơn công trình cũ.

Mọi tranh cãi trong hơn một năm qua về Panorama – ngôi nhà trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) bắt nguồn từ việc nhiều người cho rằng nó ảnh hưởng xấu đến cảnh quan xung quanh. Và dù nằm ngoài lỗi danh thắng quốc gia nhưng nó lại là một “công trình bốn không”:

Công trình không có giấy chứng nhận đầu tư. Dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bà Vũ Ngọc Ánh (chủ đầu tư) chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng. Công trình cũng chưa có giấy phép xây dựng. Dù không phép và gây tranh cãi nhưng công trình này được hợp thức hóa và cho phép sửa chữa để phù hợp hơn với cảnh quan.

Sau khi nhiều ảnh chụp Panorama Mã Pì Lèng đã qua sửa chữa lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người băn khoăn về quy mô công trình chỉnh sửa bề thế hơn công trình cũ, xem nó là “cục mụn” của thiên nhiên. Và lại tiếp tục gây tranh cãi.




Panorama trước và sau chỉnh sửa. Ảnh: Facebook.

Bạn tôi đã từng đi du lịch phượt qua cung đường này, và cũng như một số người khác rất ủng hộ sự hiện diện của ngôi nhà Panorama tại đây. Lý lẽ của họ là giữa một cung đường đèo dài heo hút gió, việc có một trạm dừng chân giữa đường là việc rất cần thiết. Nhỡ xe cộ có hết xăng, hư hỏng thì có chỗ trú chân chờ cứu hộ. Rồi việc có một chỗ ngồi nghỉ chân, có view ngắm nhìn sự hùng vĩ của núi non và sông Nho Quế cũng là điều du khách rất cần.

Còn tôi, tuy không hâm mộ Khổng Tử, một triết gia Trung Quốc cổ đại lắm, nhưng tôi rất tôn trọng và đề cao thuyết chính danh của ông. Thuyết đó có thể tóm gọn và triển khai rằng con người và sự việc phải ở đúng vị trí vốn có của nó trong xã hội bởi “Danh có chính thì ngôn mới thuận”. Danh đã không chính thì mọi lời bàn tán và bào chữa đều là vô nghĩa.

Vì thế, ngay từ lúc cuộc tranh cãi bắt đầu rầm rộ, tôi đã cho rằng không thể hợp thức hóa và xí xóa ngôi nhà Panorama này bằng “sự thiết yếu và cần thiết của một nhóm khách du lịch” được. Việc cho phép một công trình “bốn không” tiếp tục tồn tại là một tiền lệ xấu, và có hệ nói là thách thức pháp luật. Luật chưa cho phép, thì không được làm. Công trình xây không phép thì phải tháo dỡ. Nếu ai cũng học theo chủ đầu tư Panorama thì cứ việc ào lên những thắng cảnh, xây xây dựng dựng kiểu tiền trảm hậu tấu, bị phát hiện thì sẽ được xí xóa hay chăng?

Cũng chính vì không phép, không danh chính ngôn thuận nên những lời giải thích của cơ quan chức năng và chủ đầu tư đều khó làm người khác chấp nhận. Con đường từ Đồng Văn đến Mèo Vạc tuy vắng vẻ, heo hút nhưng nó không phải là con đường bỏ hoang trong rừng rậm. Vì thế, khi chủ đầu tư đang xây dựng, cơ quan chức năng đã có động thái gì để kiểm tra, ngăn chặn?

Chúng ta cũng nói nhiều về đầu tư và phát triển du lịch. Nhưng đi từ câu chữ trên giấy đến tư duy và hành động xem ra khá xa. Ai cũng biết cung đường này cần một chỗ nghỉ chân, vậy ngành du lịch xem ra đã chưa nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu của du khách.

Cũng chính vì không danh chính ngôn thuận, nên dù được hợp thức hóa, và sửa chữa bằng cách chuyển màu tòa nhà sang sắc xám của đá, kiến trúc có vẻ được làm “mềm” hơn với cảnh vật xung quanh so với trước. Nhưng dư luận sẽ cho rằng nó được cơi nới, bề thế hơn.

Và điều làm tôi băn khoăn mãi, xử phạt cũng đã xử phạt. Chủ đầu tư chỉnh sửa công trình, nhưng chúng ta sẽ “xóa tội” cho Panorama Mã Pì Lèng kiểu gì đây?

Duy Ngọc

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Giữ lại nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng
Mã Pì Lèng đừng đi theo vết xe đổ Đà Lạt

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *