Xe bán tải mất lái lao xuống vực, vì đâu nên nỗi?

Cố vượt xe khác ngay trước khúc cua nguy hiểm, xe bán tải bất ngờ chao đảo rồi mất lái, lao thẳng xuống vực.

Sự việc xảy ra vào khoảng 10h ngày 21/12, trên QL279, đoạn qua thôn Khe Lếch, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, Lào Cai. Xe bán tải vượt nhanh qua khúc cua rồi mất lái, chao đảo rồi lao thẳng xuống vực sâu. May mắn, sau sự cố, chiếc xe rơi khoảng 20m rồi bị kẹt lại ở vách núi, biến dạng hoàn toàn. Tài xế – người duy nhất trên xe – kịp thời thoát ra ngoài an toàn.

Xe bán tải mất lái, lao thẳng xuống vực. Video: Vuduc

Dù may mắn không xảy ra thương vong về người sau vụ việc trên, nhưng đây cũng là bài học cho nhiều tài xế khi di chuyển trên các đoạn đường đèo dốc. Việc thiếu kinh nghiệm lái xe trên các đoạn đường hiểm trở, quanh co là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới những vụ tai nạn đáng tiếc.

Để đảm bảo một chuyến hành trình bình an, hãy ghi nhớ những quy tắc sau:

1. Kiểm tra nhiên liệu, phanh, cần gạt nước, sưởi, điều hòa, ống xả trong tình trạng tốt: Sẽ không bao giờ là thừa khi bạn rà soát toàn bộ khả năng hoạt động của các bộ phận quan trọng trên chiếc xe trước mỗi hành trình. Đó chính là thứ sẽ đảm bảo tính mạng cho bạn trên đường.

2. Luôn nhường đường cho xe khác: Với những xe đang lên dốc muốn vượt, bạn cần nhường đường trong điều kiện an toàn và dành một khoảng thời gian đủ để xe đó trở lại đúng làn sau khi vượt.

3. Không ôm vạch chia đường: Điều này sẽ không an toàn nếu đường có nhiều xe di chuyển, gây khó chịu cho xe khác, có thể dẫn đến tai nạn mà không kịp xử lý, đặc biệt với xe ngược chiều khi vào cua.

>> Cô gái suýt chết oan vì xe máy chở cồng kềnh

4. Luôn chạy chậm: Hãy di chuyển chậm để kịp xử lý tình huống, đảm bảo an toàn cho bản thân và cho những người tham gia giao thông cùng bạn.

5. Liên tục nắm bắt thời tiết, địa hình: Điều kiện thời tiết, địa hình sẽ ảnh hưởng đến độ bám đường của lốp xe, dễ gây ra sự cố ngoài ý muốn khi tài xế không kịp nắm bắt và điều chỉnh kịp thời. Khi lái xe trong điều kiện thời tiết xấu, tài xế cần đi chậm, quan sát nhiều hơn, bật đèn sương mù và luôn nhớ bám vạch kẻ đường. Hãy luôn cảnh giác, có thể dừng lại nếu cảm thấy nguy hiểm.

6. Nghỉ giữa chặng thường xuyên: Việc tập trung cao độ thời gian dài dễ dẫn tới căng thẳng, mệt mỏi. Dó đó, nên thường xuyên dừng lại nghỉ ngơi để giữ tỉnh táo trước khi tiếp tục hành trình.

7. Cảnh giác với đường ướt, trơn trượt: Việc di chuyển với tốc độ cao qua những đoạn đường ướt hoặc ngập nước (đặc biệt là tại những khúc cua) có nguy cơ làm xe bị văng và mất lái.

8. Chú ý biển báo nguy hiểm: Hãy đặc biệt lưu ý những tấm biển cảnh báo: cua liên tục, độ dốc lớn, đá rơi hay súc vật chạy qua đường… để có những điều chỉnh hợp lý giúp xe di chuyển tối ưu.





Chiếc xe biến dạng sau vụ tai nạn. Ảnh: Oto+

Chiếc xe biến dạng sau vụ tai nạn. Ảnh: Oto+

9. Nằm lòng những nguyên tắc leo dốc:

– Làm mát động cơ để lên dốc an toàn. Có thể đỗ xe, để xe chạy không tải hoặc bật chế độ sưởi (nếu có).

– Nếu là xe số sàn (MT), cần đi ở số thấp (1, 2, 3) để tối ưu lực kéo từ động cơ; với xe số tự động (AT, CVT hay DCT), bạn chỉ cần để cần số ở vị trí D.

10. Lưu ý những nguyên tắc đổ dốc:

– Nhiều lái xe có xu hướng rà phanh liên tục khi đổ dốc để ghìm xe lại. Đây là một trong những sai lầm chết người khi đổ đèo, bởi có thể gây cháy má phanh, sôi dầu phanh, khiến hệ thống phanh mất tác dụng.

– Hãy luôn ghi nhớ nguyên tắc “lên số nào xuống số đó”. Đối với số sàn, có thể là số 2, số 3 tùy thuộc vào độ dài và dốc của đèo. Với xe số tự động, trả về chế độ S, L hoặc D1, D2, D3 hay chế độ bán tự động “+, -“.

Hy vọng, 10 lưu ý trên đây có thể giúp các tài xế lái xe an toàn trên mọi cung đường đèo dốc. Cuối cùng, tôi mong mọi người hãy đặt an toàn của mình và người khác lên trên hết để luôn có những quyết định xử lý đúng đắn trên mỗi hành trình.

Bảo Nam

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Xe tải vượt ẩu tông người rồi bỏ chạy, xử lý thế nào?
Bé trai chạy qua đường bị ôtô tông - sự vô tâm của người lớn

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *