Thất nghiệp – ác mộng của phụ nữ trung niên

Lâu lắm mới gặp chị Hương, nhìn chị gầy, xanh sao, thần sắc suy sụp, thoạt nhìn tôi không nhận ra ngay.

Có chuyện gì mà chị thay đổi theo chiều hướng xấu vậy? Sau một hồi tâm sự, chị rơm rớm nước mắt thổ lộ: “Chị vừa thất nghiệp em ạ, làm văn phòng sau 20 năm, giờ choáng váng không biết làm gì”. Tôi giật mình và thấy thương chị. Trước giờ chị vẫn là phụ nữ năng động, tháo vát, yêu đời, công ty chị lại có tiếng, tại sao lại thất nghiệp được?

Chị Hương thở dài: Covid-19 rồi thay đổi sếp, công ty cắt giảm, thay đổi nhân sự loạn xạ, chị trong diện phải ra đi. Nói thật với em, bao nhiêu năm chuyên tâm vào một loại công việc ở một công ty duy nhất, chị không biết bắt đầu lại từ đâu.

Tôi an ủi: “Chị ơi, chị có mấy bằng đại học, có ngoại ngữ thì lo gì”.

Chị thở dài: “Em không biết đó thôi, mấy tháng nay chị nộp đơn và nhờ vả người quen khắp nơi. Chỗ thì khó khăn do Covid-19, chỗ thì chỉ nhận người trẻ dưới 35, không ai nhìn đến phụ nữ tuổi 50. Chị đã thử xin làm tạp vụ cũng không xong vì mình làm văn phòng bao năm, không khỏe mạnh tháo vát bằng những lao động chân tay, và họ cũng chủ yếu chỉ tuyển lao động dưới 50 tuổi. Người thất nghiệp đầy ra, mình cạnh tranh không nổi.”

Tôi hỏi: “Vậy chị đã đóng bảo hiểm đủ hưởng lương hưu chưa ạ?”.

Chị trả lời: “Chị đóng đủ 20 năm được hưởng 50% lương rồi nhưng tuổi chưa đủ hưởng lương. Còn 8 năm nữa. Rồi biết sống thế nào để chờ hưởng lương? Tại sao không cho phép dừng lúc nào thì hưởng theo phần trăm đóng lúc đó? Với người trung niên ngấp nghé tuổi hưu thật khó xin việc, trẻ chưa qua, già chưa tới, biết sống sao. Ngay cả khi có hưởng lương hưu cũng không đủ sống huống hồ. Mà chị không quen buôn bán nên cũng chưa biết phải buôn bán gì?”.

Tôi chẳng biết nói sao, chỉ biết động viên chị cố gắng và tiếp tục tìm việc mới dù trong lòng cũng cảm thấy lo lắng cho chị. Đúng như chị nói, thật khó khăn cho phụ nữ tuổi trung niên tìm việc làm, nhất là trong năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh.

>> Tuổi trung niên bỏ phố về quê

Tôi chợt nhớ câu chuyện với chị An, 43 tuổi ở gần nhà, thất nghiệp từ đầu năm do làm ngành du lịch. Chị An là mẹ đơn thân, có hai con học cấp 2 và 3, tình cảnh khó khăn vô cùng. Chị ở nhà, làm thức ăn bán loanh quanh kiếm tiền chợ, chị than thở vô cùng khó khăn trong xin việc ở lứa tuổi trung niên. May nhờ khéo tay, chị làm mắm tép, làm nem bán cho người quen, bán online nhưng không được là bao, chi tiêu tằn tiện vô cùng.

Cả chị Hương và chị An đều suy sụp tâm lý, lo lắng cho tương lai và hao hụt niềm tin vào cuộc sống. Tôi vô cùng lo lắng sợ các chị sẽ bị trầm cảm nếu tình trạng này còn kéo dài. Mọi sự an ủi đối với các chị lúc này đều đáng quý nhưng không giúp các chị vượt qua được nỗi lo kinh tế, cơm áo gạo tiền hàng tháng.

Tình cảnh các chị và nhiều chị khác thật đáng sợ. Liệu có một giải pháp nào cho các chị trong tương lai? Các công ty có nên thay đổi tư duy tuyển dụng, vì các chị là những người có kinh nghiệm, làm việc ổn định trung thành và nhiều khi hiệu quả còn cao hơn một số bạn trẻ?

Cần lắm một chính sách hỗ trợ việc làm từ nhà nước cho các đối tượng có trình độ, nhưng lại không còn ở lứa tuổi tuyển dụng theo nhu cầu của nhiều công ty. Bài toán giải quyết vấn nạn thất nghiệp tuổi trung niên và sự hỗ trợ tâm lý cũng nên cần được quan tâm.

Lê Hải Anh

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Thu nhập 800 triệu đồng nhưng tôi không cố làm thêm việc

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *