Nỗi oan những bác sĩ ‘vô cảm’

‘Khi thực tập cần bệnh nhân thì niềm nở, đến khi thành bác sĩ rồi hỏi gì cũng không trả lời, chúng mày rồi cũng như bọn họ cả thôi…’.

Tôi vẫn còn nhớ như in kỷ niệm về những ngày thực tập lâm sàng đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy vào khoảng 15 năm về trước, khi chúng tôi mới học năm thứ ba Y khoa (gọi tắt là Y3).

Lúc ấy, kiến thức y khoa của chúng tôi chỉ là một mớ lý thuyết của năm đầu ở giảng đường mà chưa từng tiếp xúc bệnh nhân. Do vậy, khi thăm khám bệnh, chúng tôi run lắm. Để thêm tự tin, chúng tôi thường lấy số lượng để áp đảo tinh thần, đi thành nhóm ba, bốn người. Nhưng bệnh nhân cũng thường rất tinh, họ nhìn là biết ai bác sĩ, ai sinh viên? Đa phần, họ rất dễ chịu, hợp tác với mong muốn chúng tôi sẽ sớm thành bác sĩ giỏi để giúp cho các bệnh nhân sau này. Tôi rất biết ơn bới họ chính là những người “thầy lâm sàng” của đám sinh viên Y khoa chúng tôi.

Thế nhưng, không phải lúc nào chúng tôi cũng gặp may mắn và suôn sẻ như thế. Đó là vào một đêm trực, khi chúng tôi vừa bước vào buồng bệnh thì bị bệnh nhân và người nhà của họ mắng chửi như tát nước vào mặt. Do không đủ tự tin, chúng tôi như chết lặng, chỉ biết chôn chân nghe họ buông những lời khó nghe. Chuyện là, họ rất bức xúc với nghành Y tế. Bệnh nặng nhưng bệnh viện tuyến dưới vẫn cố giữ bệnh nhân để điều trị và từ chối chuyển lên tuyến trên. Họ phải ký giấy từ chối thì mới cho bệnh nhân đi.

Tới được bệnh viện Chợ Rẫy, họ lại phải chờ đợi rất lâu, bệnh nhân bệnh nặng nhưng phải nằm ghép hai người một giường; bác sĩ lại không niềm nở, chỉ giải thích cho người nhà được đôi ba câu rồi bỏ đi ngay. Quá nhiều bức bối, họ quay ra chửi bới tất cả đám sinh viên thực tập chúng tôi: “Rồi chúng mày cũng sẽ như bọn họ. Khi đi học, cần bệnh nhân thì niềm nở, đến khi thành bác sĩ rồi còn ai giữ được nụ cười? Hỏi gì cũng không trả lời. Chúng mày rồi cũng giống như bọn họ cả thôi”.

>> 4 thái độ bác sĩ khi tôi đi khám khối u

Chúng tôi tự hỏi, mình cũng phải trải qua kỳ thi đại học rất khó khăn, cũng phải đóng học phí không hề rẻ, đâu có xin của ai cái gì, có làm gì ảnh hưởng đến ai đâu, tại sao lại mắng chửi chúng tôi? Chẳng lẽ siêng học cũng là cái tội? Thực ra, họ bức xúc các bác sĩ nhưng không dám phản kháng nên cách đơn giản hơn là trút cơn thịnh nộ lên người thầy thuốc tương lai.

Bản thân tôi cũng thấy việc họ phản ứng cũng là có lý. Nếu đặt tôi vào trong tình cảnh ấy, nếu người bệnh nằm kia là người thân của mình thì chắc tôi cũng sẽ phản ứng như vậy, thậm chí còn nặng nề hơn. Chính vì thế, chúng tôi cảm thông và không trách họ. Tât cả chỉ dặn lòng, sau này sẽ căn dặn ân cần, quan tâm giúp đỡ bệnh nhân nhiều hơn nữa, coi họ như người nhà để chữa trị.

Sau khi họ đã hạ hỏa, chúng tôi mới dám mon men lại gần, an ủi, tâm sự nhẹ nhàng. Càng nói chuyện, cả hai bên càng hiểu cho những khó khăn của nhau hơn. Bệnh nhân khổ vì trải qua quá nhiều giày vò về thể xác, lẫn tinh thần. Sinh viên Y khoa cũng khổ vì phải học hành suốt ngày lẫn đêm, đánh mất cả thanh xuân bên giường bệnh.

Thời gian thấm thoát trôi, bảy năm sau, tôi cũng đã ra trường và trở thành một bác sĩ thực thụ. Lần đầu tiên được khám, điều trị cho bệnh nhân với tôi là một niềm vui lớn. Tôi cảm giác mình là người có ích, được mọi người gọi bằng hai từ cao quý “bác sĩ”. Những lời hứa năm xưa, tôi vẫn còn nhớ như in và mỗi ngày đều tự dặn lòng mình phải trở thành vị bác sĩ trong mơ của “người thầy lâm sàng” năm ấy.

Thế nhưng, thời gian hạnh phúc, biết bao mơ mộng ấy không kéo dài được bao lâu. Tôi bắt đầu phải đối mặt với cả núi là công việc: khám bệnh, phụ mổ, mổ cấp cứu, dạy học… Có đêm trực, tôi đã phải mổ tổng cộng 11 ca cấp cứu. Tôi cũng gặp cả những lời trách móc của người thân khi không kịp nhấc điện thoại mà họ gọi tới. Họ không biết rằng, trong phòng mổ, sóng điện thoại sẽ không bắt được. Nhưng những vất vả không phải là vấn đề, với sứ mệnh cứu người, chúng tôi không bao giờ coi công việc này là cực khổ. Niềm vui của chúng tôi là được thấy bệnh nhân khỏi bệnh. Nụ cười của họ chính là niềm động viên lớn nhất với y bác sĩ chúng tôi.

>> Lương bác sĩ ‘người đói, kẻ no’

Đôi khi, tôi lại tự hỏi, chẳng biết mình hy sinh nhiều như vậy để làm gì? Chúng tôi vất vả là do hệ thống quản lý không tốt. Bệnh viện tuyến dưới có bác sĩ nhưng không có bệnh nhân. Nhân viên y tế bị “hành” bởi hệ thống bảo hiểm nhiêu khê.

Và dù học hành vất vả khó khăn như thế nào thì lương nhân viên y tế vẫn chỉ được xem là hệ cử nhân. Dù bạn có tốt nghiệp thủ khoa hay học “lê lết” ra trường, dù bạn học Đại học Y dược hay trường Y khoa, dù bác sĩ nội trú hay cử tuyển… thì ra trường cũng đều như nhau cả. Trí tuệ chỉ là yếu tố cuối cùng trong năm yếu tố đánh giá.

Tôi vẫn may mắn hơn mấy người bạn công tác ở các chuyên khoa khác. Bạn tôi làm bác sĩ nhi kể rằng, nhiều khi con mình bệnh nhưng không có thời gian chăm, phải vô bệnh viện chăm cho con người khác. Lắm lúc muốn trả lại gấp hai, ba lần lương để xin nghỉ mà không được. Để rồi, rốt cuộc, bệnh nhân vẫn coi bác sĩ là “những kẻ tắc trách”, vô cảm, luôn tìm cách làm “cò bệnh”… Còn cấp trên vẫn luôn có tư tưởng ban ơn cho chúng tôi, rằng nhờ họ mà chúng tôi mới có công ăn việc làm.

Những cảm giác hạnh phúc ngày mới nhận nhiệm sở của tôi dần được thay bằng nỗi bức xúc, bất bình, rồi chống đối. Xét cho cùng, ai cũng có lý cả. Những câu hỏi ngày xưa lại ùa về: Tại sao bác sĩ lại cư xử lạnh nhạt với bệnh nhân như vậy? Giờ thì tôi đã có câu trả lời khi chính bản thân mình cũng thành một phiên bản y như vậy, không thể khác.

Nếu ai trong câu chuyện của tôi cũng đều đúng, vậy ai là người sai?

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Định

>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Để y bác sĩ không thành thiên thần đói ăn, thiếu ngủ

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *