Hai năm về ăn Tết một lần dù thu nhập 70 triệu mỗi tháng

Chi phí đi lại, mua sắm, quà biếu cho một cái Tết ngót nghét cả trăm triệu khiến vợ chồng tôi hai năm mới dám về quê một lần.

Xung quanh câu chuyện “Năm nào cũng chi 55 triệu về quê ăn Tết“, độc giả Đát Kỷ chia sẻ nỗi trăn trở và áp lực mỗi năm Tết đến: “Hai vợ chồng tôi thu nhập tầm hơn 70 triệu/ tháng, đã có nhà chung cư. Hiện tại, chúng tôi sống ở TP HCM với con trai, mẹ đẻ và em gái. Quê tôi ở Hà Nam, chi phí cho năm người đi máy bay về quê dịp Tết hết 40 triệu đồng; tiền taxi từ Hà Nội về Hà Nam hết hai triệu cho hai lượt; các chi phí mua sắm Tết, tiền biếu ông bà, bố mẹ hết tầm 60 triệu nữa. Tính ra, một cái Tết ngốn của chúng tôi ít nhất 100 triệu (năm ngoái tôi tốn khoảng 110 triệu). Thế nên cứ khoảng hai năm tôi mới dám về ăn Tết một lần (mặc dù rất nhớ quê)”.

Đồng cảm với gánh nặng kinh tế khi về quê ăn Tết, bạn đọc Oanhpham chia sẻ: “Vợ chồng tôi thu nhập khoảng 60 triệu một tháng (đã trừ chi tiêu). Chúng tôi buôn bán cả năm không được nghỉ ngày nào, Tết càng bán đắt hàng hơn. Gia đình tôi có nhà mặt tiền, hai miếng đất, hai con đang học tiểu học, nhưng hai năm mới về quê ăn Tết một lần. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải thay phiên nhau về chứ không dám về cả nhà. Hàng tháng, tôi biếu bố mẹ hai bên năm triệu là ổn, ông bà cũng thấy vợ chồng toi bận bịu nên cũng không ép hay bắt phải về”.

“Có tiền thì chuyện gì cũng đơn giản vô cùng. Nhưng khi cơm, áo, gạo, tiền lo chưa xong thì Tết đến quả là một áp lực lớn. Vé tàu xe dịp Tết tăng gấp bốn lần ngày thường. Một gia đình bốn người mà tiền vé máy bay cũng tốn tới 30 triệu đồng, chưa kể chi phí phát sinh, rồi tiền quà cáp, lì xì… Những ai thu nhập 15 triệu/ tháng cũng chưa chắc đã dám nghĩ tới chuyện về quê ăn Tết chứ đừng nói công nhân lương bèo bọt”, độc giả Tung Dinh nói thêm.

>> ‘Ba năm không dám về Việt Nam ăn Tết vì tốn kém quà cáp’

Nói về những áp lực tài chính khi về quê ăn Tết, bạn đọc Đường Tiểu Đan cho rằng nếu không có điều kiện thì tốt nhất đừng về: “Vợ chồng tôi hiện cũng có thu nhập trên dưới 50 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, chúng tôi thường không về ăn Tết ngay mà ở lại Sài Gòn để tận hưởng những ngày Tết yên ắng, khác xa với sự ồn ã ngày thường. Sau đó, khoảng mồng ba, chúng tôi mới về quê vì lúc đó đi lại thoải mái, giá lại rẻ hơn. Khoản tiền tiết kiệm so với về trước Tết được chúng tôi dùng vào nhiều việc khác.

Tôi nghĩ, chúng tôi có thể ăn một cái Tết thoải mái như vậy cũng vì có thu nhập tốt. Tôi nhớ lại cách đây vài năm, khi còn làm ở Đăk Nông, lương chỉ năm triệu mỗi tháng. Tôi tích góp cả năm được khoảng 17-20 triệu để về ăn Tết nhưng đi lại thì khó khăn, mệt mỏi, do phải đi xe khách một ngày trời. Về quê nhoắng cái đã tiêu sạch sẽ số tiền mình tích được trong cả năm. Là con trai, tôi cũng không thể có cái Tết thảnh thơi bên gia đình. Tôi phải dọn dẹp nhà cửa, lo chuyện cúng bái, đi chúc Tết hàng xóm, anh em họ tộc, nhậu chỗ này uống chỗ kia dù tôi ghét bia rượu… Mồng sáu, tôi đã đã phải lên xe khách rời đi. Đó không phải là cái Tết mà tôi mong muốn.

Vì vậy, nếu về ăn Tết mà không thấy thoải mái, nhất là về tiền bạc thì tốt nhất đừng về. Bạn có thể về sau Tết, về lúc hè, sẽ thoải mái mà tiết kiệm hơn. Những ngày Tết được ở cạnh người thân là điều quá tuyệt vời, nhưng những người ở quê cũng hãy hiểu cho con cháu đi làm xa, đừng ép buộc chúng mà tội. Đừng vì cái mong muốn của chúng ta mà làm khổ con cháu mình. Bạn đâu có thấy sung sướng khi biết rằng để được gặp mình, con cháu đã phải tiêu hết số tiền vất vả cả năm của chúng và bài toán nghèo đói cứ luẩn quẩn mãi không thôi”.

Trong khi đó, độc giả Đời là bể khổ lại có cái nhìn khác về chuyện về quê ăn Tết khi cho rằng hoàn toàn có thể chi tiêu hợp lý tùy theo điều kiện của mỗi người: “Thu nhập của tôi khoảng năm triệu/ tháng, vợ tôi khoảng 15 triệu, nhưng mỗi lần về quê, gia đình tôi (ba người) chỉ chi tiêu khoảng hơn 15 triệu đồng và thấy vẫn ổn. Chi phí đi lại (do quê tôi cũng không quá xa) cả đi và về khoảng sáu triệu (đi xe đò). Tôi cũng không có nhiều nên chỉ biếu bố mẹ mỗi người một triệu mừng Tết. Tôi không mua quần áo mới mà dùng đồ hằng ngày, miễn lịch sự là được. Có chăng, tôi chỉ mua cho con một, hai bộ đồ mới (khoảng một triệu đồng). Tiền lì xì chỉ ở mức 20 nghìn hoặc 50 nghìn tùy người nên tốn khoảng 2,5 triệu. Số tiền 3-4 triệu còn lại, chúng tôi tiêu cho gia đình và mua một số đồ Tết cho ba mẹ. Tết về quê là để sum họp gia đình, không phải để khoe mẽ. Chúng ta đi làm xa, đâu có điều kiện để mà phát quà từ đầu làng đến cuối xóm. Đừng quan niệm đã tha hương cầu thực thì khi về phải sĩ diện với làng xóm, khi dó chi phí về quê sẽ giảm đi nhiều, không còn quá tốn kém”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Trạng Lê Quốc nhấn mạnh không nên quá đặt nặng suy tính đến chi phí về quê ăn Tết: “Tết là dịp sum hợp gia đình. Ngày nay, chúng ta sống trong thời buổi quá thực dụng, nên các chi phí cứ đội lên, về quê cũng phải thể hiện theo kiểu đẳng cấp (tặng quà, li xì…) để không bị người ta cười. Tại sao chúng ta không đơn giản đi một chút. Đúng là về quê xa sẽ tốn chi phí đi lại nhiều, nhưng ta có thể tiết kiệm những khoản chi khác theo khả năng của mình để bù lại. Ai cũng muốn về quê gặp gia đình, cha mẹ ở quê cũng muốn gặp con cháu chứ đâu phải khăng khăng chờ con về cho tiền cho bạc. Hãy lượng sức mình, bạn sẽ đổi lại được những thời gian ấm cúng bên người thân. Tôi thu nhập cũng không bao nhiêu, nhưng rất mong Tết đến để được gặp người thân. Cả năm đã ‘cày cuốc’ rồi, hãy dành một chút gì đó cho mình và gia đình, đừng suy tính quá mà khổ bản thân”.

Lê Phạm tổng hợp

>> Bạn tốn bao nhiêu chi phí mỗi lần về quê ăn Tết? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Gánh nặng đẹp mặt khi về quê ăn Tết

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *