Khả năng Trump ‘lật kèo’ thành công là bao nhiêu?

Ông Trump và các đồng minh Cộng hoà có hai kịch bản “lật kèo” vào ngày họp chung của lưỡng viện quốc hội Mỹ ngày 6/1.

Luật sư Khanh Huỳnh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về chuyện “lật kèo” ở cuộc họp quốc hội Mỹ vào ngày 6/1:

Trong khi nước Mỹ khốn khổ vì dịch bệnh thì ông Trump vẫn tiếp tục làm một việc “rất Trump”. Đó là loay hoay nuôi hy vọng về một vụ “lật kèo” trong vô vọng. Vậy khả năng thành công của một vụ này vào ngày 6/1 là bao nhiêu?

Hôm đó sẽ có hai sự việc mà phe Cộng hòa và ông Trump sẽ cố làm.

Một, là một nhóm nghị sĩ phe Cộng hòa sẽ đưa đơn kiến nghị phản đối kết quả bầu cử của đại cử tri.

Hai, là khiến cho phó tổng thống Mike Pence tuyên bố ông Trump đã thắng cuộc bầu cử.

Biện pháp thứ nhất có khả năng sẽ xảy ra, bởi cho tới lúc này đã có một số hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ phe Cộng hòa nói rằng họ sẽ tham gia đưa đơn kiến nghị. Tuy vậy đơn này sẽ chỉ khiến lưỡng viện quốc hội phải họp riêng rồi đưa ra biểu quyết. Cả hạ viện lẫn thượng viện phải thông qua thì kiến nghị mới được chấp thuận. Hạ viện chắc chắn sẽ không thông qua kiến nghị, bởi phe Dân chủ đang nắm đa số tại hạ viện. Vì vậy biện pháp này thua chắc.

>> Vì sao nhiều người Mỹ giờ này vẫn quyết ủng hộ Trump ‘lật kèo’?

Các nghị sĩ Cộng hòa sẽ vẫn làm vì bởi họ biết chắc rằng họ sẽ thua nên họ rất yên tâm. Các cử tri Cộng hòa đáng thương đang bị họ xỏ mũi lại có cái để hy vọng. Các nghị sĩ Cộng hòa sẽ chỉ tay vào phe Dân chủ ở Hạ viện để đổ lỗi, rằng chúng tôi đã làm tất cả vì Trump, chỉ là do phe Dân chủ ngăn cản chúng tôi thôi.

Thật ra chính các nghị sĩ này rất không muốn nỗ lực của họ thành công. Pha “lật kèo” này mà thắng lợi thì sau này các ứng cử viên tổng thống thắng cử, cho dù là Dân chủ hay Cộng hòa, sẽ phải đối mặt với khả năng bị tước mất chiến thắng vì một nhóm nghị sĩ đối lập. Ai trong số các nghị sĩ này mà muốn tranh cử tổng thống cũng đều không muốn một cái tiền lệ tồi tệ như vậy.

Biện pháp thứ hai là một ý tưởng liều mạng. Tu chính án thứ 12 trao cho phó tổng thống quyền mở các phiếu đại cử tri chứ không trao quyền tuyên bố kết quả khác với nội dung bầu cử của các phiếu này.

Nếu ông Pence không tuyên bố rằng ông Biden thắng thì đó là một hành động vi hiến, phe Dân chủ sẽ lập tức kiện ra toà tối cao, nơi mà ông Pence sẽ thua chắc. Các thẩm phán tòa tối cao vừa đây đã từ chối nhận đơn kiện của các tiểu bang Cộng hòa liên quan tới bầu cử. Chả có lý gì để nghĩ rằng họ lại cho phép một điều vi hiến như vậy xảy ra cả. Ông Pence đang đứng vào thế khó. Nếu tuyên rằng ông Biden thắng thì phe Cộng hòa sẽ giận dữ, còn ngược lại thì ông Pence sẽ làm điều vi hiến, có thể dẫn tới những hậu quả pháp luật nghiêm trọng cho bản thân.

Ngay cả khi ông Pence không bị vào tù vì vi hiến thì những hậu quả khác cũng sẽ rất nghiêm trọng. Sau này ông Pence ra ứng cử tổng thống, nếu thắng thì sẽ có khả năng phải đối mặt việc bị một phó tổng thống khác lật kèo. Ông Pence chắc chắn không muốn như vậy.

>>Lý do ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ

Hơn nữa, việc tuyên bố kết quả bầu cử khác với kết quả bầu của đại cử tri có nghĩa là một mình ông Pence đã giẫm đạp lên nền dân chủ Mỹ, ngang nhiên phủ quyết kết quả bầu cử của cử tri khắp cả nước. Tên ông Pence sẽ đi vào lịch sử như một tội nhân đã một tay phá hoại nền dân chủ.

Là một luật sư, ông Pence chắc chắn hiểu rõ điều đó và chính ông cũng đã gửi thư phản đối vụ kiện đòi tòa tuyên bố ông có quyền tuyên bố ai là người chiến thắng.

Một điều rõ ràng trong những diễn biến này là sự im lặng của phe Dân chủ. Từ ông Biden tới các nghị sĩ Dân chủ chả thấy ai nói gì về chuyện này.

Ông Biden vẫn ráo riết lo chuyển giao và thành lập nội các. Bà Pelosi, chủ tịch Hạ viện và các nghị sĩ Dân chủ bận rộn thông qua gói cứu trợ và ngân sách quốc phòng. Họ phải làm việc suốt cả kỳ nghỉ giáng sinh nhưng trước sau chả ai buồn hé răng về cái viễn cảnh “lật kèo” của phe Cộng hòa. Bởi họ cũng như các nghị sĩ phe Cộng hòa và cả ông Pence đều biết rõ luật pháp nên ai lo việc nấy.

Phe Cộng hòa cần phải an ủi cử tri ủng hộ Trump của họ và phe Dân chủ cũng để mặc, bởi lên tiếng thì càng khiến cử tri phe Cộng hòa thêm hy vọng mà thôi. Chỉ có những người dân bị tàn phá bởi dịch bệnh là được một phen ngơ ngác.

Khanh Huỳnh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bầu cho ai? - câu hỏi khiếm nhã ở Mỹ

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *