Tiền tiết kiệm cả năm hết sạch vì Tết

Nhiều người Việt sẵn sàng ‘nướng’ sạch số tiền dành dụm cả năm trời vào mấy ngày Tết.

Tôi thấy ngày càng nhiều người người bàn tán chuyện ăn Tết tốn kém. Nào là tiền đi lại, quà biếu, mua sắm, lì xì. Cậu em tôi cũng từng hối hả đi rút sạch tiền tiết kiệm cả năm về để tiêu Tết, ngót nghét cũng cả trăm triệu. Làm công ăn lương, ăn tiêu dè sẻn suốt năm, nhưng cứ đến Tết là tôi không còn nhận ra em mình. Cái đứa ngày thường mua gì cũng nâng lên đặt xuống, tính toán chi li đến từng đồng, nay sẵn sàng vung tiền đặt mua hẳn cây mai giá cả chục triệu, bỏ phong bao lì xì cho các cháu toàn tiền trăm nghìn đồng. “Tết mà! Tiêu đi sao phải ngại. Năm nay ít nhất cũng phải hơn năm trước chứ”, em tôi tuyên bố.

Tôi biết rằng, em tôi không phải là người duy nhất có thói quen chi tiêu mạnh tay dịp Tết như vậy. Người Việt Nam thường có tâm lý tiết kiệm trong năm nhưng lại sẵn sàng bạo chi vào các dịp đặc biệt như lễ, Tết. Về nguyên tắc, chi tiêu như thế nào là quyền của mỗi người. Nhưng chi tiêu đúng mức, đúng chỗ, hiệu quả hoàn toàn khác với tiêu xài lãng phí, gây tốn kém cho bản thân, gia đình và xã hội.

Ngày nay, không khó để bắt gặp các gia đình chỉ có mức thu nhập trung bình nhưng vẫn mạnh tay chi đậm cho mua sắm Tết với tâm lý “kém miếng khó chịu”, “đối ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Họ quan niệm cả năm có thể thắt lưng buộc bụng nhưng mấy ngày Tết nhất định phải tiêu mạnh tay, sắm sửa đủ thứ cho bằng bạn bằng bè. Nhiều người lương tháng chỉ vài ba triệu đồng, nhưng vẫn săn đồ độc, đồ ngoại về vì sĩ diện. Nhiều nhà sắm Tết theo kiểu thấy người ta mua thì mình cũng mua, mua về chất đống, chẳng dùng đến, có khi lại vứt đi vì hỏng.

Sự lãng phí này bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt và tâm lý tiêu dùng của một bộ phận người dân vào những dịp lễ, Tết. Họ phóng tay tiêu xài, chi tiền không kiểm soát, bất chấp giá cả ngày tết tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Cuộc chạy đua “sắm Tết” tạo nên những màn càn quét ở các sạp hàng trong siêu thị, trung tấm thương mại. Người ta mua bất chấp, giành nhau mua đơn gì vì mặt hàng đó “hot” chứ không phải vì nhu cầu của bản thân. Tất cả tạo nên một sự lãng phí và hỗn loạn.

>> Hai năm mới về quê ăn Tết dù thu nhập 70 triệu

Đó là chuyện mua sắm Tết, không ít người cũng vì tính sĩ diện mà mạnh tay chi tiền bỏ bao lì xì, tổ chức ăn nhậu, tụ tập bù khú suốt ngày đêm. Với những người này, số tiền để mua thể diện với thiên hạ có lẽ chẳng bao giờ là đủ. Lắm người còn sẵn sàng vay tín dụng để tiêu xài ba ngày Tết. Để rồi hết Tết là hết tiền, họ lại lao vào “cày cuốc” trả nợ. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ kéo dài từ năm này sang năm khác, khiến người ta mãi chẳng thể giàu bền vững.

Người phương Tây không có thói quen sửa soạn, bày biện hoặc mua sắm đồ mới… đón Tết như ta. Tất nhiên, họ cũng mua sắm một số thứ trong nhà nhưng không phải là dịp tân trang, đổi mới gần như bắt buộc như trong dịp Tết của người Việt. Coi trọng hình thức đã trở thành một nếp văn hóa khó thay đổi trong xã hội ta bấy lâu nay. Nó tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, khiến nhiều gia đình quanh quẩn mãi với cái nghèo.

Với tôi, Tết không phải là dịp để tiêu tiền bừa bãi. Tôi vẫn chỉ mua vài ba gói kẹo bánh bày Tết cho có không khí, mua vài cành hoa về cắm, trang trí nhà cửa, lì xì vẫn chỉ tượng trưng 10-20 nghìn đồng, đồ ăn thức uống cũng chỉ vừa đủ để tiếp khách và ăn uống trong gia đình. Còn lại, tôi để dành biếu cha mẹ chút ít. Tính ra, tôi chỉ tiêu trong khoảng hơn chục triệu đồng cho một cái Tết (chưa bằng một tháng lương). Tất nhiên, tôi không cổ súy cho tư tưởng chắt bóp, tằn tiện khi tiêu Tết mà muốn nhấn mạnh sự chi tiêu hợp lý.

Đã có nhiều ý kiến đề nghị chúng ta nên bỏ Tết âm lịch, và chỉ ăn Tết dương lịch như đa số các nước khác, và gây tranh cãi kịch liệt. Tôi thấy những ý kiến này xuất phát từ việc Tết truyền thống của chúng ta có những thủ tục, thói quen rất lãng phí vật chất, mất thời gian và mệt mỏi. Mà chuyện tiêu sạch tiền tiết kiệm cả năm là một ví dụ.

Hãy là một người tiêu dùng thông minh, ngay cả trong ba ngày Tết.

Tết không bày vẽ, không chưng diện, không thể hiện, sẽ nhẹ nhàng, ấm áp và bình an hơn nhiều. Đừng biến mình thành con nợ hay kẻ vô sản chỉ vì cái sĩ diện trong ba ngày Tết.

Nam Thành

>> Bạn chi tiêu dịp Tết thế nào? Chia sẻ tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Tôi hối hận vì tiếc tiền về quê ăn Tết

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *