Thời đại những ‘thẩm phán, đồ tể online’

Đã bao giờ bạn chia sẻ một quan điểm trên Facebook nhưng bị hàng loạt người không quen biết vào ‘ném đá’, công kích, kết tội?

Một con người chỉ được phán là có tội, là tội phạm khi bị kết tội trước tòa án, bởi một vị thẩm phán và bồi thẩm đoàn với những bằng chứng xác thực, cụ thể, rõ ràng và có thể có cả nhân chứng. Khi cơ quan vào cuộc điều tra, tạm giam thì người bị bắt vẫn chỉ là “nghi phạm” chưa phải là tội phạm.

Vậy mà ở thời đại internet bùng nổ, mạng xã hội xuất hiện, chúng ta hằng ngày, hằng giờ vẫn thấy vô số người tự phong mình là “thẩm phán, đồ tể online”. Tôi nhận ra rằng, khi một người nào đó chia sẻ về vấn đề những người tốt, việc tốt, những logic vấn đề xã hội, cá nhân theo thiên hướng tích cực thì tỷ lệ tương tác, bình luận rất kém, rất ít, thường chỉ có các lượt like mà không có phản hồi. Nhưng khi ai đó chia sẻ một vấn đề nhức nhối của xã hội, cá nhân, người khác, logic theo hướng tiêu cực thì tỷ lệ bình luận, tương tác lại cao hơn rất nhiều lần. Đa số những bình luận kiểu này thường xoay quanh việc kết tội, phán tội, hoặc dùng địa vị cá nhân, thành quả kinh tế của bản thân để kết tội cho người, nhân vật, sự kiện trong các chia sẻ trên.

Có vẻ như thiên hướng của con người là luôn luôn thể hiện rằng mình “ở đẳng cấp cao hơn”, tốt hơn người khác, thoải mái kết tội người khác ở vị thế của một vị thẩm phán. Điều đó làm cho họ tự có cảm giác rằng mình đã làm một việc tốt là “diệt trừ cái xấu”, và bản thân họ không ở cùng phe với “cái xấu” mà ai đó đã nêu ra. Dù chẳng có logic, cũng chẳng hề có bất kỳ bằng chứng nào, thậm chí chẳng biết tới điều luật nào cả nhưng họ vẫn cứ muốn làm “thẩm phán” để phán tội, và thậm chí không ngần ngại làm luôn cả “đồ tể” để “buông một đao” chém chết “kẻ phạm tội” trước mặt bàn dân thiên hạ một cách hào sảng.

Con người sẽ có xu hướng tự suy tha hóa khi có quyền lực trong tay. Và như một điều tất yếu, khi các “thẩm phán, đồ tể online” đã xuống tay một lần thì sẽ có lần hai, lần ba… và nhiều lần sau đó. Mỗi lần họ lại phải tăng cấp mạnh hơn, phải sát phạt lớn hơn mới cảm thấy thoải mái, phải có lượt like nhiều hơn, bình luận nhiều hơn khiến họ “hăng hái và hưng phấn” hơn bao giờ hết. Các bạn còn nhớ những đạo luật hà khắc như “tru di tam tộc” trong thời phong kiến? Đó là việc một cá nhân làm sai mà khiến cả “ba họ” phải chịu tội. Khi sự tha hóa quyền lực càng lớn thì các “thẩm phán, đồ tể online” sẽ không ngần ngại tấn công cả một tập thể, cả một “phe”, một “nhóm”, “hội”, thậm chí cả một giai cấp trong xã hội chỉ vì hành vi sai trái của một hoặc một số cá nhân trong đó, thậm chí tấn công luôn cả gia đình nạn nhân.

>> Mạng xã hội là nơi khoe khoang sự hoàn hảo

Với nạn nhân, ban đầu có thể chỉ là những chia sẻ cá nhân về vấn đề của mình, của xã hội, hay của ai đó để mong có được sự lắng nghe, chia sẻ của người khác, để tìm ra vấn đề và giải quyết. Nhưng không ngờ, sự việc đã bị đẩy đi quá xa. Đã bao giờ bạn chia sẻ một quan điểm trên Facebook và bị các “thẩm phán online” nhảy vào kết tội bạn một cách không mong đợi? Họ thậm chí dùng địa vị, thành tích cá nhân để đe nẹt, kết tội bạn – thứ người ta gọi là “công kích cá nhân”. Thuật ngữ “công kích cá nhân” dùng để chỉ các hành động dùng địa vị, tài sản, lợi thế của bản thân để “kết tội người khác”. Họ tư duy theo kiểu “bạn là người xấu nên mọi thứ bạn nói đều xấu, đều sai” thay vì tập trung vào luận cứ, luận điểm, tính logic của vấn đề.

Xã hội ta đã xóa bỏ chế độ phong kiến từ rất lâu, chuyển sang trang sử mới của nền dân chủ. Nhưng tôi vẫn thấy có rất nhiều người vẫn đang có suy nghĩ rất phong kiến và cổ hủ khi tự cho mình cái quyền “chụp mũ”, phán xét người khác mà không dựa vào logic, lý lẽ, bằng chứng, và các phiên tòa mà chỉ cãi lý, cãi miệng, suy diễn trên các diễn đàn online. Phải chăng người dùng mạng có quá nhiều quyền lực dẫn tới việc ‘tự tha hóa’?

Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đã không ít những ngôi sao giải trí phải tự sát vì bị các “thẩm phán online” kết tội, quy tội, chụp mũ. Có phải sự tha hóa quyền lực, sự say máu quyền lực của các “thẩm phán online” càng ngày càng gia tăng? Và đến một lúc nào đó, liệu xã hội Việt Nam có trở nên như vậy không? Ví dụ tiêu biểu nhất là vụ việc nam gymer đi làm “thẩm phán, quan toàn, đồ tể” online đến mức xâm phạm tới nhiều người và cuối cùng vẫn bị một nhóm khác (các nghệ sĩ) đến tận nơi kết tội. Đó là ví dụ điển hình, cho thấy những biến tướng trên mạng ảo có thể chuyển thành hành động ngoài đời rất nhanh. Những chuyện này cần sớm được ngăn chặn.

Thành Tuệ

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Cạm bẫy hẹn hò thời 4.0

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *