‘Đừng lấy cái nghèo biện minh cho hành vi trộm cắp’

Tôi thấy khó hiểu khi nhiều người bày tỏ lòng thương cảm với nam thanh niên ăn trộm chiếc xe đạp đồ chơi ở Sài Gòn.

Chứng kiến vụ việc nam thanh niên chạy xe tay ga, trộm chiếc xe đẩy đồ chơi, trị giá 800.000 đồng ở quận Bình Tân, TP HCM, tôi thấy khó hiểu khi nhiều người lại tỏ ra thương cảm cho hành vi trộm cắp này. Nhiều người cho rằng “có thể vì hoàn cảnh khó khăn nên nam thanh niên mới đi trộm đồ chơi về cho con”, hay “giá trị món đồ chơi cũng không lớn nên có thể cho qua, không cần truy cứu”… Bản thân tôi hoàn toàn không đồng tình với những luận điểm trên.

Nam thanh niên trộm xe đồ chơi em bé.

Hành vi trộm cắp, dù lớn hay nhỏ cũng đều không thể chấp nhận, đáng bị lên án và trừng phạt. Ngày nay, ngay cả người nghèo cũng có lòng tự trọng của mình. Họ có thể đi ăn xin, đi làm thuê làm mướn để kiếm tiền sống, điều đó không ai trách cứ. Nhưng không thể vin vào cái nghèo, cái khó để tự cho mình quyền đi ăn trộm, ăn cắp được. Đã là hành vi phạm pháp thì không thể đánh đồng cho hoàn cảnh khó khăn. Cứ thử hình dung, nếu ai nghèo khó cũng ra đường trộm cắp, cướp giật, làm ăn phi pháp thì xã hội sẽ thế nào?

Không phải cứ lấy chuyện nghèo đói ra để biện hộ cho hành vi phạm tội. Đừng vì kinh tế khủng hoảng do dịch bệnh, người người mất việc, mất tiền mà cổ súy cho việc làm phi pháp. Lao động nghèo, thu nhập thấp bây giờ đâu có ít, nhưng người ta đâu có nảy sinh lòng tham, đi trộm cắp như vậy? Thương cảm, nhân từ, độ lượng với hành vi trộm cắp chính là một suy nghĩ lệch lạc. Làm vậy không hề giúp người ta cải tà quy chính mà chỉ càng tạo thói nhờn luật, gây hại cho chính họ và xã hội mà thôi.

Mặt khác, cứ cho là thanh niên trộm đồ chơi về cho đứa trẻ ở nhà là thật thì liệu đứa bé ấy sau này sẽ nghĩ gì khi biết mình là nguyên nhân khiến cha phạm tội, khiến gia đình khác mất cắp? Con trẻ đâu có tội tình gì mà bị đem ra làm “tấm bia đỡ đạn” cho hành vi phạm tội của người lớn như thế? Xin đừng dạy hư con trẻ. “Giấy rách phải giữ lấy lề”, thà nuôi con trong nghèo khó mà trong sạch còn hơn để chúng lên lên bằng những đồng tiền dơ bẩn, co được do phạm pháp.

Đứng trên khía cạnh người bị hại, đứa bé bị lấy mất xe đạp đồ chơi chắc chắn cũng rất buồn và tổn thương. Trong khi gia đình bị hại chắc gì đã dư dả tiền bạc? Có khi họ cũng phải dành dụm cả năm trời mới mua được cho con chiếc xe mới, vậy mà nay bị lấy cắp trắng trợn như vậy, liệu có công bằng cho họ không? Nói vậy để thấy, chúng ta không nên đồng cảm với cái xấu. Hành vi sai trái cần phải bị dẹp bỏ triệt để bởi toàn xã hội. Có như vậy, thượng tôn pháp luật mới được giữ vững, cuộc sống mới bình yên và người dân được bảo vệ. Nếu chúng ta không làm nghiêm từ những việc nhỏ thì làm sao đòi hỏi sự nghiêm minh ở những việc lớn hơn của đất nước?

Bảo Nam

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Tên trộm ngang nhiên bẻ khóa xe máy trước mặt nhiều người
Vượt qua mặc cảm vừa xấu vừa nghèo

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *