Nhà hàng ở Mã Pì Lèng càng sửa càng to

Tôi không hiểu sao một công trình không phép, xâm phạm nghiêm trọng cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc lại vẫn được ngang nhiên tồn tại.

Những ngày gần đây, câu chuyện về công trình không phép ‘mọc’ trên hẻm Tu Sản (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) lại nóng lên với những hình ảnh mới nhất sau nửa năm “cải tạo”. Nói là cải tạo nhưng thực chất sau nửa năm thực hiện quyết định của UBND tỉnh Hà Giang, nhà hàng hầu như giữ nguyên kiến trúc. Phần khung sắt dựng thành các ban công nhô ra phía sông Nho Quế hầu như giữ nguyên. Thay đổi lớn nhất là công trình chuyển từ sơn đỏ và ghi đậm sang ốp đá nguyên tảng màu xám nhạt. Thậm chí, công trình hiện tại có hai tầng nổi trên mặt đất, cộng thêm một tầng áp mái, trông bề thế hơn hẳn so với mái bằng trước đây.

Tôi tự hỏi, liệu người ta đang cải tạo những phần sai phạm hay đang tu sửa, nâng cấp cho công trình này. Được khoác một lớp áo mới hoành tráng hơn, nâng độ cao bề thế hơn, tôi có cảm giác tất cả những sự lên án của dư luận, những đợt thanh kiểm tra và kết luận sai phạm từ các cơ quan chức năng bỗng nhiên thành một trò đùa. Có lẽ không ai nghĩ rằng, hình hài của công trình sau một thời gian dài “cải tạo” lại thành ra thế này? Trách nhiệm của những người phê duyệt dự án và giám sát công trình này ở đâu?

Đây không đơn giản chỉ là việc thiếu hợp lý trong việc sửa chữa một công trình sai phạm mà còn là sự thách thức với dư luận, pháp luật. Nếu chúng ta làm ngơ trước công trình càng sửa càng tao, càng sửa càng sai thế này, liệu thượng tôn pháp luật có được đảm bảo? Rồi đây, nếu những người có tiền khác ngang nhiên xây dựng thêm các công trình sai phạm khác bên cạnh, lấy lý do Paranoma được “cải tạo” để làm cái cớ thì người ta sẽ giải quyết thế nào? Hay lại tặc lưỡi cho qua, giơ cao đánh khẽ, nhìn nơi đây thành một tổ hợp nhà bám dốc chỉ vì tiếc của?

Nếu không thể có một phương án cải tạo hợp lý, tốt nhất chúng ta nên phả bỏ. Đừng chỉ vì tiếc chút tiền bạc, công sức để thỏa hiệp với sai phạm. Pháp luật phải nghiêm minh, cái sai phải bị nhổ tận gốc, vậy mới ngăn chúng không lây lan, bùng phát. Với công trình ở Mã Pì Lèng này, người ta không thấy được sự cầu thị, ý thức sửa sai mà chỉ cảm nhận được sự chống chế, quanh co, hợp thức hóa sai phạm. Đó sẽ là một tiền lệ rất xấu cho sau này. Một việc nhỏ, sai phạm thấy rõ mà còn không xử lý được, thì sao có thể đưa pháp luật đến gần với đời sống người dân?

Từ trước đến giờ, tôi vẫn bảo lưu quan điểm về công trình này là không hợp thức hoá sai phạm. Qua quá trình cải tạo vừa qua càng cho thấy sự coi thường pháp luật khi càng ngày càng sai hơn. Một công trình trái phép như vậy mà tới giờ vẫn hiên ngang tồn tại và bành chướng, để giải tỏa một nhà hàng trái phép này, khó đến thế sao?

Nam Thành

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Xóa nhà siêu mỏng để làm công trình công cộng

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *