Tôi ân hận khi bắt chước cha mẹ đánh mắng con

Nghĩ rằng mình có thành tích học tập tốt sau khi bị cha mẹ đánh mắng, tôi áp dụng phương pháp tương tự lên con, rồi nhận ra sai lầm.

Chia sẻ quan điểm về phương pháp dạy con bằng đòn roi từ trải nghiệm của bản thân, độc giả Thecongtang8888 chỉ ra những sai lầm: “Tôi thừa nhận dạy con bằng bạo lực khó đạt kết quả mong muốn. Điều đó được thấy ngay tại gia đình tôi. Nói thực, khi tôi còn trẻ, cũng thuộc dạng ‘trèo me, trèo sấu’, nên cũng nhận được nhiều đòn roi của cả cha lẫn mẹ dù tôi luôn có thành tích học tập đáng khen. Nhiều năm sau, khi con tôi đến tuổi đi học, trong hai năm đầu, tôi cũng thường xuyên đánh mắng khi con không hoàn thành bài tập. Một cũng do lúc ấy tôi bị áp lực thành tích học tập của con và phần khác do bản thân thiếu kỹ năng sống.

Khi nhận thấy sai lầm của mình, từ khi con lên lớp 3, tôi không bao giờ đánh mắng nữa, chỉ khuyên nhủ con cố gắng nhất có thể. Cho đến nay, mỗi khi nhớ đến những lần dùng đòn roi với con, tôi lại thấy ân hận vô cùng. Nhiều lúc, tôi muốn xin lỗi con nhưng vẫn chưa đủ can đảm làm điều đó. Nay, cả hai con tôi đều đã đi du học châu Âu, điều đó an ủi tôi rất nhiều. Tôi muốn nói rằng, xin các bậc làm cha, làm mẹ phải hết sức bình tĩnh khi con trẻ học tập không được như ý, chỉ nên động viên các cháu cố gắng hơn chứ không nên ép quá đáng vì không phải đứa trẻ nào cũng có trí tuệ như kỹ sư, bác sĩ được”.

Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Dũng Nguyễn lấy dẫn chứng về sai lầm trong tư tưởng dạy con bằng đòn roi: “Đồng ý là tính cách bẩm sinh của trẻ có ảnh hưởng một phần, nhưng môi trường sống mới là cái quyết định con người mà đứa trẻ sẽ trở thành. Tôi có dịp được quen biết hai gia đình có hai đứa trẻ từ nhỏ tính cách rất tương đồng, có thể miêu tả là bướng bỉnh, lì lợm.

Với gia đình thứ nhất, họ dạy con một cách rất kiên nhẫn với cách dạy thưởng phạt rất thông minh. Trẻ làm sai, cha mẹ sẽ giảng giải, chỉ ra cái sai. Nếu con tái phạm, họ sẽ phạt bằng cách rút đi nhu cầu cá nhân, ví dụ như không được chơi đồ chơi, xem TV… Cách này đòi hỏi sự kiên nhẫn cực kỳ lớn từ phía cha mẹ. Gia đình thứ hai lại dạy theo kiểu rất truyền thống, con cứ cãi là phải nghe chửi mắng, không thì ăn đòn. Đứa trẻ nhiều khi chỉ lỡ làm sai, chứ chúng không cố tình, nhưng vẫn bị đánh hoặc chửi mắng thậm tệ. Cách này có hiệu quả tức thì, nhưng để lại hậu quả rất lớn về sau.

Sau bốn năm, đứa trẻ ở gia đình thứ nhất trở nên hoạt bát, lúc nào cũng vui vẻ và sống rất tình cảm với cha mẹ. Mới chỉ năm tuổi, nhưng bé có những suy nghĩ rất tự lập và chín chắn, dù cũng còn rất hiếu động và nghịch ngợm. Bé làm sai sẽ tự nhận trách nhiệm, và tự xin lỗi mọi người. Đứa còn lại ở gia đình thứ hai, cũng từng đó thời gian, nhưng lại trở nên xa cách với cha mẹ, ngoài ra còn nảy sinh khả năng nói dối siêu phàm để che đậy lỗi lầm. Khi lớn lên một chút, đứa bé càng ngày càng bướng bỉnh, việc gì không vừa lòng sẽ giãy nảy, vào trường thì thẳng tay đánh bạn, cũng y như cái cách ba mẹ không vừa lòng nó rồi đánh nó”.

>> Đòn roi chỉ là sự bất lực của cha mẹ

“Cha mẹ bạo lực, nóng tính sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến con cái. Trong gia đình, bố tôi là một người rất gia trưởng và độc đoán, luôn mắng chửi mẹ con tôi chỉ vì những lý do vớ vẩn. Dần dần lớn lên, tôi mới ý thức được tính tình của hai chị em tôi bị ảnh hưởng quá nhiều bởi bố, luôn nóng giận mất kiểm soát. Nhiều lúc do ức chế, tôi cãi nhau lại với bố và có ý nghĩ muốn tự tử. Giờ đã ngoài 30 tuổi, tôi vẫn không muốn lập gia đình vì sợ lấy phải người như bố, sợ xấu hổ với thông gia vì cách cư xử của ông. Thật sự, những đứa trẻ có vấn đề tâm lý, điều đầu tiên và quan trọng nhất là bố mẹ chúng nên xem lại bản thân và cách dạy con của mình”, độc giả Iron_man nhấn mạnh.

Gợi ý phương pháp dạy trẻ hiệu quả không cần đòn roi, bạn đọc Tuyethosking chia sẻ: “Tôi không có con nên coi cháu ruột như con mình. Cháu tôi rất được cưng chiều từ nhỏ. Khi cháu mới sáu tuổi đã tự ý lấy tiền của mẹ (100 nghìn đồng), cô giáo phải gọi điện về báo cho phụ huynh. Lúc đó, tôi nói với cháu: “Nếu con tái phạm lần nữa, cô sẽ phạt con, con muốn bao nhiêu roi?”. Cháu tôi đáp “14 roi”. Lần thứ hai cháu tái phạm, tôi thực hiện lời hứa, đánh cháu 14 roi vô tay. Nhưng kết quả sau đó, tôi vẫn thấy chưa ổn.

Từ đó, tôi lên kế hoạch dạy cháu. Tôi đưa cháu ra ngoài đường, chỉ những cụ già ăn xin, ngồi co ro dưới mưa, nói với cháu “họ không có tiền” đi tặng thức ăn cho họ. Tôi lại đưa cháu tới trung tâm trẻ mồ côi để cùng phát quà. Tôi cũng giải thích tại sao họ như vậy và chỉ cho con thấy mình may mắn thế nào khi được sống trong gia đình này? Và từ đó trở đi, cháu không lấy một xu nào của mẹ nữa. Những điều đó đã để lại ấn tượng rất mạnh trong đầu một đứa trẻ. Sau này, mỗi lần về nước, cháu lại dặn tôi chở vô trại trẻ mồ côi, thả cá phóng sanh và không hề đòi hỏi bất cứ cái gì mắc tiền. Dạy một đứa trẻ thật ra không khó nếu bạn chịu khó suy nghĩ ra những phương pháp tốt nhất”.

Việt Thành tổng hợp

>> Bạn đang dạy con theo phương pháp nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Đòn roi chỉ tạo nên những đứa trẻ vô cảm

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *