Đám đông bị lừa ‘Trần Tiến qua đời’

Chỉ trong ít phút, hàng chục người bạn của tôi chia sẻ lại thông tin nhạc sĩ Trần Tiến qua đời trên Facebook mà chẳng biết thực hư thế nào.

Sáng 19/1, vào mạng xã hội, tôi thấy người người, nhà nhà nháo nhác lan truyền thông tin nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì ung thư vòm họng. Là một nhạc sĩ nổi tiếng với những sáng tác đã đi vào lòng công chúng nhiều thế hệ, khỏi phải nói thông tin trên “gây bão” đến mức nào. Chỉ trong ít phút, trong số bạn bè của tôi, có tới hơn chục người chia sẻ lại thông tin này từ một nhóm có tiếng trên Facebook, có người thậm chí còn đăng lại trên chính trang cá nhân của mình với những lời chia buồn, xót xa.

Đến trưa, bắt đầu có những chia sẻ chính thức đầu tiên đến từ ca sĩ Trần Thu Hà, con gái của nhạc sĩ Trần Tiến, thông báo sức khỏe của ông vẫn rất tốt, tinh thần phấn chấn, thậm chí còn đang chuẩn bị cho live concert tại Hà Nội vào tháng ba tới. Bản thân nam nhạc sĩ cũng bức xúc khi bị tung tin đồn qua đời khi vẫn đang khỏe mạnh. Lúc này, các page trên Facebook bắt đầu gỡ bài hàng loạt và đăng tin đính chính. Và đương nhiên, người bị hớ nhất vẫn chính là những người chia sẻ lại thông tin này như hội bạn tôi.

Câu chuyện này thực ra không mới với những người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam. Tin giả (fake news) vốn là vấn nạn nhức nhối trên môi trường mạng ảo. Việc thiếu cơ chế kiểm soát, giám sát, khiến mạng xã hội vẫn thoải mái đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, bất chấp nhưng hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Ở Đức, người ta có hẳn những chế tài luật pháp cực kỳ nghiêm khắc để buộc các nhà mạng phải có trách nhiệm xử lý tin giả hay lan truyền các thông tin vô căn cứ, có hại cho cộng đồng. Nếu không kiểm chứng và xóa bỏ các tin tức sai sự thật, các nhà mạng có thể phải đối mặt với hình phạt lên tới 500.000 euro đối với mỗi tin giả.

>> Thời của những ‘thẩm phán, đồ tể online’

Việc thay đổi và siết chặt quản lý đối với các mạng xã hội là điều cần sớm được quan tâm và vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo môi trường sạch sẽ cho người dân sử dụng mạng ảo.

Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện ở tầm vĩ mô, thứ quan trọng nhất để tin giả không còn đất sống chính là sự hiểu biết và kỹ năng lọc tin của cá nhân người dùng. Tôi hiểu điều này vì từng nhiều lần chứng kiến những vụ tin giả tương tự, nhưng phần lớn người dùng mạng xã hội Việt Nam lại không như vậy. Họ dễ dàng tin theo các thông tin không chính thống, hoàn toàn để mạng xã hội định hướng, dẫn dắt hành vi của mình mà không hề có chút gì phòng vệ. Đây chính là điểm yếu để nhiều kẻ xấu lợi dụng, tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự xã hội.

Ở một thời kỳ mà mạng xã hội như một thế giới thu nhỏ với hỗn tạp đủ mọi loại thông tin, vàng thau lẫn lộn, hơn lúc nào hết, người Việt cần trang bị tư duy và kỹ năng kiểm tra, phân biệt tin giả – tin thật. Đừng tự biến mình thành một cộng đồng “khát tin”, dễ dàng bị “dắt mũi” mới những nguồn tin không chính thống, để kẻ xấu lợi dụng.

Đây có lẽ cũng là nhiệm vụ của ngành giáo dục. Tôi cho rằng, nên sớm đưa môn Đọc hiểu truyền thông vào chương trinh giảng dạy từ bậc tiểu học, phổ cập cho các thế hệ tương lai của đất nước, giúp các em sớm có kỹ năng chọn lọc tin tức trên mạng xã hội.

Tin giả không thể cứ ngang nhiên tồn tại trong một xã hội có luật pháp bảo vệ. Người Việt không thể cứ mãi là nạn nhân như hiện nay. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi.

Thành Phạm

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Ai tiếp tay cho video nhảm trên YouTube?

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *