Tiền chữa ung thư mua được căn nhà phố

Ông chủ tiệm tạp hoá giàu có ở chỗ tôi ra đi sau sáu tháng chạy chữa ung thư, dù tiền điều trị đủ mua một căn nhà.

Lần đầu tiên khi nghe nói đến căn bệnh ung thư là hồi tôi học lớp 7. Anh trai của người bạn cùng lớp tôi đã tự vẫn chỉ sau ba ngày phát hiện bệnh ung thư răng. Gia đình người bạn tôi có hàng xén ngoài chợ, thu nhập đủ để bốn người trong gia đình sống.

Trong bức thư để lại, anh gửi lời chào tạm biệt và gửi gắm việc chăm sóc bố mẹ khi già cho bạn tôi. Anh nói rằng chưa vợ con nên không vướng bận, chỉ sợ nếu tiếp tục điều trị thì tốn tiền của gia đình mà chưa chắc dứt được căn bệnh quái ác. Trong khi nỗi đau đớn phải chịu không cho phép anh sống vui ngày nào.

Sự ra đi của một thanh niên khoẻ mạnh khiến xóm tôi bàng hoàng. Bởi trước đây chỉ nghe những từ “bệnh ung thư”, “làng ung thư” trên tivi và những nơi ngày gần khu công nghiệp xả thải hoá chất gì đó, chứ từ trước đến giờ trong xóm người mất chỉ vì bệnh già hoặc tai nạn mà thôi. Những năm đó, bảo hiểm y tế hay nhân thọ là điều khá xa lạ với đa phần người làm nông quê tôi.

Cái Tết 2018, cũng vào khoảng tháng Chạp giờ này. Ông chủ tiệm tạp hoá lớn và giàu có ở xóm tôi cũng ra đi vì ung thư. Từ lúc phát bệnh đến lúc mất chỉ vẻn vẹn 6 tháng. Số tiền chạy chữa được tiết lộ là mua được một căn nhà phố huyện, nhưng vẫn không níu kéo được cuộc sống dài thêm chút nào.

Từ xưa bệnh tật luôn đem lại nỗi sợ vô hình cho con người. Nỗi đớn đau về thể xác có thể huỷ diệt tinh thần của một người mạnh mẽ nhất. Ở chiều ngược lại, khi tinh thần không tốn thì bệnh tật tiến triển nặng nề hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà ai cũng ám ảnh về ung thư. Bởi ngoài cái đau đớn cho cơ thể, cú sốc bàng hoàng khi “nhận bản án tử” cho người bệnh thì nó còn là gánh nặng cho người nhà và kiệt quệ tài chính. Như anh trai của bạn tôi vì sợ người nhà khổ mà chủ động ra đi. Như ông chủ tạp hoá chỗ tôi tuy giàu, có tiền chạy chữa nhưng vẫn không sống thêm được năm nào.

Ai cũng ám ảnh với bệnh tật và cái chết. Nếu người bệnh có cái lý “sợ người nhà khổ, tốn tiền mà vẫn không chữa khỏi, thà ra đi sớm” thì chẳng một người nào cam tâm đứng nhìn người thân của mình đau đớn mà không cố sức cầm cố nhà cửa, ruộng vườn để chạy chữa cả.

Nhưng tôi tự hỏi, có tiền để chữa là may, vậy những người nghèo không tiền chạy chữa thì sẽ như thế nào? Câu trả lời chắc có lẽ chỉ những người từng ra vào các bệnh viện ung bướu trên khắp đất nước mới biết được.

Dù cho y khoa vẫn chưa biết chính xác lý do bị ung thư là gì, nhưng phần lớn những căn bệnh ung thư đều có liên quan ít nhiều đến môi trường sống. Điều này thì ai cũng có thể chủ động phòng tránh được. Thế nhưng hàng ngày nhìn những quán nhậu đầy ắp người trẻ rượu bia hoặc phì phèo thuốc lá, những hàng quán rắp tâm tẩm ướp hoá chất, xào nấu thực phẩm bốc mùi cho khách, tôi tự hỏi họ đã từng vào viện nuôi người thân chưa?

Nếu chưa, hãy thử một lần tham gia các đoàn từ thiện trong bệnh viện để thấy cuộc sống đã khắc nghiệt với một số người như thế nào. Hãy sống vì mình, sống vì người.

Mỗi người cũng nên chú tâm vào sức khoẻ của mình hơn. Có điều kiện thì nên đi tầm soát ung thư hàng năm. Lắng nghe cơ thể để chữa kịp thời nếu có bệnh. Và hãy để dành tiền để tham gia bảo hiểm. Bởi khi nằm viện mà không có tiền thì rất là bi kịch

Trần Xuân Hùng

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *