‘Ăn Tết văn minh là thích gì làm nấy’

Tết đâu phải cứ bày vẽ nấu nướng mới là sum vầy, đôi khi chỉ cần ăn uống thanh đạm, ra ngoài chơi cũng đủ để gia đình gắn kết.

Mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, nên niềm vui cũng khác nhau. Do đó, không thể dùng chữ “truyền thống” để ép buộc phụ nữ phải thực hiện những điều họ không thích. Ăn Tết văn minh là hãy tôn trọng sự khác biệt. Ai thích quây quần ăn uống, đoàn viên cứ việc theo truyền thống, ai thích được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí thì hãy tôn trọng mong muốn của họ.

Tết của tôi ở nhà chồng không hề vất vả, vì có chị dâu siêu đảm đang. Chị thích nấu ăn nên bày vẽ hết món này đến món kia. Còn tôi chỉ đi theo rửa chén. Thực ra, mong muốn của các thành viên khác trong nhà là được ra ngoài chơi và ăn uống nhà hàng vì ngon hơn và cũng tranh thủ đổi gió. Nhưng vì chị dâu đã nấu nướng rất vất vả nên cả nhà đành phải nể và ăn trong miễn cưỡng. Có mỗi chuyện ăn uống nhưng vì vậy cũng cà kê mất cả ngày, chẳng làm được gì.

Mấy món ăn ngày Tết, tôi chỉ nhìn thôi đã thấy ngán, không muốn ăn chút nào. Chồng tôi rất khó chịu vì mỗi lần muốn dẫn vợ con đi chơi hoặc ra ngoài coi phim là không được vì vợ bận rửa chén hoặc “bận” ăn. Niềm vui của vợ chồng tôi ngày Tết là tranh thủ lúc chị dâu đi chơi, cả nhà ăn uống thanh đạm rồi coi phim giải trí. Đâu phải cứ mỗi ăn là quây quần hạnh phúc, các hoạt động khác cũng làm cho chúng ta thấy vui vẻ và gắn kết nhiều.

Trong thơ ca, nghệ thuật và cuộc sống đời thường, người ta đều ca ngợi sự hy sinh của phụ nữ cho gia đình và tôi nghĩ điều này đã trói buộc cuộc đời rất nhiều người. Chẳng phải họ không giỏi giang, không cố gắng làm việc mà do cái thiên chức làm mẹ, làm vợ buộc họ phải lựa chọn giữa công việc ngoài xã hội và những việc không tên trong gia đình. Phụ nữ chẳng mấy người đủ sức khoẻ và khả năng để chu toàn, giỏi việc nước, đảm việc nhà nên họ phải lựa chọn một trong hai, và tôi thường thấy lựa chọn đảm việc nhà nhiều hơn.

Tuy nhiên, quan điểm xã hội vẫn chưa hiện đại lắm nên đa số phụ nữ vẫn nghĩ đây là chuyện phải làm chứ không công nhận đó là sự hy sinh của phụ nữ. Có nhiều người chọn công việc làng nhàng, lương thấp để có nhiều thời gian chăm lo gia đình, con cái, đối nội đối ngoại, để chồng rảnh rang kiếm tiền, nhưng nhận lại không phải là sự trân trọng mà những lời cay đắng như ăn bám, có mấy cái việc nhà cỏn con mà làm không xong…

Thế nên là phụ nữ, đừng hy sinh và trông chờ những lời ca ngợi đầy hư vinh, đừng mong người ta thương mình mà hãy tự yêu lấy bản thân mình trước. Đừng trông chờ chồng tự nguyện mà hãy mạnh dạn đề nghị chồng tôn trọng và chia sẻ. Có như vậy người thân mới xem trọng bạn. Khi bạn tự tin là chính mình thì mới không phụ thuộc cảm xúc vào chồng và nhìn sắc mặt người khác để sống. Hãy sống vui khi có thể.

>> Đừng ép nhau ‘trình diễn hạnh phúc’ ba ngày Tết

Tôi lớn lên ở môi trường mà đàn ông gia trưởng quá nhiều, hàng ngày chứng kiến những người phụ nữ xung quanh sống lầm lũi, nhẫn nhịn, phục vụ chồng con rồi nhưng vẫn bị nhiếc móc là ăn bám, vô tích sự. Làm việc mệt thân rồi nhưng cứ phải khóc thầm vì không được chồng xem trọng. Tôi cảm thấy rất thương cảm cho những người phụ nữ như vậy vì họ không can đảm thay đổi hoàn cảnh. Rất muốn làm gì đó để giúp họ sống vui hơn nhưng họ không chịu thay đổi nên đành thôi.

Còn môi trường sống hiện tại của tôi thì rất khác. Chồng tôi, bạn bè và đồng nghiệp nam đều rất xem trọng vợ và chia sẻ việc nhà với vợ. Chồng tôi cũng có chức vụ, kiếm tiền tốt nhưng về nhà vẫn làm việc nhà và chăm sóc con cái, vui vẻ trông con cho vợ đi chơi. Sếp cũ của tôi cũng có chức vụ nhưng sẵn sàng chăm con cho vợ có thời gian xông pha ngoài xã hội.

Người tốt, người xấu ở đâu cũng có và tốt hay xấu còn tuỳ vào góc nhìn của từng người nữa. Tôi đã gặp nhiều người đàn ông xấu nhưng không mất niềm tin vào đàn ông vì cũng gặp được nhiều người đàn ông khác rất tốt. Người phụ nữ phải tự tin vào mình, phải đối xử với bản thân và chồng tốt thì người chồng mới xem trọng lại. Còn cứ mù quáng hy sinh hoặc đòi hỏi quá đáng, không cho đi mà cứ đòi nhận thì kết cục cũng không thể như mong muốn.

Chồng tôi quan tâm, chăm sóc vợ con tận tình mỗi khi có tiệc gia đình, nên bị chọc sợ vợ. Mỗi lần vậy, hai cha con nhà lại hùa nhau hát bài hát chế “sợ vợ thì ta sống dai, sợ vợ là đâu có sai…”. Mỗi lần đi du lịch, chồng rất chăm chỉ chụp hình cho vợ, chỉnh từng góc máy, vợ đăng ảnh lên Facebook là vào đếm like và cứ hễ thấy ai khen vợ là lại ngồi cười tủm tỉm.

Chồng sẵn sàng ngồi nghe tôi chia sẻ những điều mà người đàn ông khác chê là nhảm nhí. Hai đứa con gái cũng vì thế mà bám ba bất kể ngày đêm. Mẹ có thể đi công tác hoặc du lịch một mình nhưng ba đi đâu cũng phải kèm thêm tụi nhỏ.
Chưa biết tương lai thế nào nhưng hiện tại gia đình nhỏ của tôi vui cười mỗi ngày từ những điều giản dị như thế.

Nguyen Tra My

>> Gia đình bạn ăn Tết thế nào? Chia sẻ tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.

Mẹ tôi mấy chục năm nấu cỗ Tết

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *