‘Cực hình’ làm nông khi bỏ phố về quê

Nhiều người vội vẽ ra mộng tươi đẹp “trồng rau và nuôi thêm gà” cho bức tranh bỏ phố về quê của mình.

Thời gian gần đây dân tình bàn tán xôn xao bỏ phố về quê, về rừng, về núi. Phong trào này tạo thành mốt mới mà những người sắp tham gia chưa hình dung hết những việc phải làm khi bỏ phố về rừng.

Đợt giãn cách xã hội phòng Covid-19 năm 2020, tôi “trốn” ở Di Linh, Lâm Đồng, nơi này cách TP Đà Lạt 60km. Tôi sẽ kể lại những công việc nhà nông mà mình đã bắt tay phụ giúp người thân để nhiều bạn hình dung, nhằm có thêm cơ sở cho quyết định bỏ phố về quê:

Tôi thuộc lứa 9x đời đầu. Từ nhỏ tới lớn cuộc sống gắn bó với việc đồng áng ở Bình Định, không phải kiểu “gà công nghiệp” như những bạn ở thành phố. Tuổi thơ của tôi là những lần sợ ma khi đi tát nước ban đêm. Thời đó cái gàu tát nước bằng nhôm khá quý. Một lần tát bốn người gọi là gàu đôi, nếu có kiến lửa cắn vào chân cũng phải nhịn đau, nhịn nhức mà làm việc.

Ở Bình Định người dân trồng hai vụ lúa, hết lúa tới bắp, hết bắp tới khoai lang, hết khoai lang tới đậu phộng, hết đậu phộng tới các loại đậu và rau. Tôi phụ việc cho nhà xong phải phụ giúp thêm nhà nội, nhà ngoại. Đấy là chưa đi sâu vào từng công việc cụ thể mới toát lên nổi cực như nào.

>> Nông trại 2.000 m2 hiu hắt sau thời gian đầu hào hứng

Cái cảm giác ngâm mình dưới nước lạnh, trời bão lụt, thò tay dưới nước cắt lúa, một cơn gió thôi cũng đủ làm môi ta tím tái, hai hàm răng đánh vào nhau kêu lộp cộp, người thì run lên từng đợt. Ngày nay thì đỡ cực hơn, đã có máy móc làm thay vài công đoạn.

Quay về câu chuyện của tôi ở Di Linh và việc làm nông nghiệp hiện tại như sau: Từ mấy chục năm nay, thím tôi phải dậy lúc 5h, lọ mọ nấu ăn sáng cho cả gia đình để đi làm và con đi học. Lúc này tầm 15-16 độ, nước lạnh như đá, đụng vào là tê tay. Nấu xong thím ra vườn tưới nước cho rau.

Nhà ở ven quốc lộ 20 xa rẫy nên đi tưới cà phê phải dậy từ bốn giờ sáng đúng nghĩa câu “một nắng hai sương”. Đi sâu vô rừng sương càng dày, cái lạnh càng tăng. Ống dẫn nước tưới to bằng bắp chân, phải hai, ba người mới kéo nổi từ suối lên đồi. Nhà nào rẫy gần suối thì 4 cuộn, rẫy ai xa thì 10 cuộn.

Đồi dốc 30- 45 độ là rất bình thường, kéo ống nước từ dưới suối lên đồi phải “thở lè lưỡi” mấy bận mới tới đám cà phê. Tới lúc này năng lượng tiêu tốn hết nửa bát cơm sáng. Người bắt đầu đói trở lại và thở không đều do đói. Bơm nước bằng động cơ diesel, bạn nào ở phố quen chắc quay khởi động máy không nổi, chưa nói tới không biết quay thì bị thương do quán tính là việc bình thường.

>>Vợ chồng tôi nghỉ việc, về quê dựng Farmstay

Ở Tây Nguyên nhà nào cũng trồng cà phê, tiêu, bơ… Riêng chăm sóc cà phê bao gồm các việc tưới, bón phân, cắt tỉa cành. Mỗi năm làm vài lần như thế dưới cái nắng, cái lạnh. Rồi phải bê, khuân, vác những bao cà phê nặng 30-40kg trên vai đi qua địa hình dốc, qua suối, qua rẫy sau khi thu hoạch.

Ở quê làm gì có việc đi cà phê, ngồi xài máy tính vào cuối tuần. Ngày nào cũng là đầu tuần. Không có đi chơi, đi du lịch. Quanh năm dưới mặt là đất, là cà phê, là đống phân gà, là chuồng lợn, là cây xà bách. Trên đầu là ông mặt trời, người lúc nào cũng đổ mồ hôi hoặc lã ra do làm việc quá mệt.

Quanh năm vất vả như thế nhưng không dư giả là bao do làm việc kiểu lấy công làm lời.

Tôi xuất thân từ gốc nhà nông, khổ từ nhỏ còn “ớn” huống chi nhiều người ở thành lâu năm đua đòi về rừng về núi. Nếu có dự định về thì nên đợi khi nào tiền hẳn về kiểu nghĩ dưỡng, không vướng con cái hoặc chúng nó tự lo thì được. Lúc này mới thảnh thơi về đào ao nuôi cá thả gà và trồng thêm rau.

Đỗ Anh Minh

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Gian nan khi bỏ 2,5 tỷ đồng làm nông trại

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *