Những khắc khoải về giáo dục

Lương giáo viên và môi trường học cởi mở, không nhàm chán cho trẻ là những mơ ước tôi luôn giữ trong mình.

Tác giả Ce Phan là giáo viên tại Nhật Bản, chia sẻ bài viết về vấn đề giáo dục:

Cũng như bao giáo viên khác, tôi từng có những mơ mộng về một lớp học, một trường học mà ở đó có thể khắc phục được tất cả những điểm yếu của những ngôi trường mà tôi từng học qua khi ở Việt Nam. Tới bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh về những toilet chật hẹp, thiếu ánh sáng và bẩn trong suốt 12 năm học phổ thông. Đáng sợ hơn nữa là những giờ học rất chán, nặng thông tin, thiếu sự tưởng tượng mà học sinh phải ráng ghi nhớ một cách máy móc.

Tôi đã tự tìm hiểu về những nền giáo dục khác qua mạng internet và qua sách nhưng quả thật rất khó lòng mường tượng được một ngôi trường giáo dục tốt hơn sẽ như thế nào.

Những điều tôi khắc khoải mãi cũng được giải đáp từng bước khi tôi đặt chân vào môi trường giáo dục ở Nhật Bản với vai trò là một giáo viên dạy tiếng Anh. Từ những điều rất nhỏ như là toilet của trường cho tới cách quản lý và vận hành một cơ sở giáo dục là một chân trời rất khác trong tôi.

>> Bài viết cùng tác giả: Chìa khóa thành công của giáo dục Nhật Bản

Từng ngày trôi qua tôi chiêm nghiệm từng chuyện giáo dục dựa trên ký ức cũ về Việt Nam và những khác biệt tại Nhật Bản, và hình ảnh về một môi trường giáo dục tuyệt vời như thế này một ngày nào đó sẽ hiện diện nhiều hơn ở Việt Nam. Quả thật tôi tin rằng trẻ em Việt Nam rất đáng có được những gì tốt đẹp nhất mà người lớn cần làm cho chúng.

Đồng nghiệp của tôi đến từ rất nhiều nước và cùng hoà nhịp vào giáo dục Nhật Bản dựa trên sự cởi mở trong định hướng giáo dục nước này trong những năm gần đây. Chúng tôi cùng chung tay cho một mục tiêu chung là đào tạo những đứa trẻ trở nên mạnh khoẻ, lành mạnh, hiểu biết và chia sẻ những giá trị cộng đồng. Nhưng có lẽ những tâm sự của tôi về hiện trạng giáo dục trẻ em tại Việt Nam làm ngạc nhiên rất nhiều đồng nghiệp. Họ đều mong rằng Việt Nam sẽ sớm có nhiều hành động hơn nữa để cải thiện môi trường giáo dục, đặc biệt là cho các cấp học nhỏ.

Mọi sự so sánh đều rất khập khiễng, nhất là sự chênh lệch trong thu nhập của người dân ở hai nơi rất khác nhau. Tôi tránh việc phê phán và chê trách về những điểm khó khăn mà nền giáo dục của chúng ta đang trải qua, nhưng những gì tốt hơn cần chia sẻ thì lúc nào cũng có vẻ khó nghe và dễ bị gieo tiếng xấu. Tôi là giáo viên nên tôi biết những chừng mực mà một giáo viên có thể chia sẻ về nghề nghiệp của mình. Điều này sẽ còn là một khó khăn lớn hơn nữa nếu một giáo viên đặt trong bối cảnh ở Việt Nam.

Chắc hẳn là sẽ còn nhiều giáo viên người Việt đang sống ở đâu đó khắp nơi trên thế giới này sẽ luôn nhìn về Việt Nam và mong muốn đóng góp một điều gì đó cho quê nhà.

Tương tự thế, cũng có rất nhiều giáo viên trong nước vẫn luôn giữ cho mình một mơ ước về một môi trường giáo dục tốt hơn cho trẻ em và giáo viên Việt Nam. Một môi trường giáo dục mà nơi đó giáo viên được sự tôn trọng và được đánh giá đúng thông qua một mức lương tốt hơn, nơi đó cũng là nơi mà các em học sinh được sống trong một bầu không khí lành mạnh, cởi mở và phát triển. Liệu rằng mơ ước đó có quá xa tầm tay? Tôi tin chắc là sẽ làm được nếu như chúng ta thực sự muốn làm.

Ce Phan

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Học trò Nhật bị hạn chế dùng điện thoại ở trường

Bình luận

Bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *